Có những người cả đời ôm ghì lấy một thành phố, như thể hấp lực nó lớn đến mức luôn hút người ấy giữ ghì lấy. Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên là một người như vậy. Sau các cuốn sách Với Đà Lạt ai cũng là lữ khách, Đà Lạt một thời hương xa, lần này anh trở lại cùng biên khảo Đà Lạt bên, dưới sương mù.

Để thực hiện ấn phẩm, Nguyễn Vĩnh Nguyên đã dành hơn hai năm lùng sục trong những văn khố, ngập trong hàng nghìn trang văn bản, tài liệu, sách vở… lần lại dấu vết của lịch sử. Những gì anh góp nhặt, chọn lọc để mang đến độc giả hôm nay phần nào hé mở giai đoạn lịch sử “tranh tối tranh sáng” của Đà Lạt. Ngoài ra, như những bản quy hoạch, những bản thiết kế các công trình được dẫn lại trong sách góp một nguồn tham chiếu cho những nhà quy hoạch thành phố, những kiến trúc sư, các nhà nghiên cứu… tương lai.

Sách như một biên niên ký về đô thị Đà Lạt trong hai mươi lăm năm (1950-1975) ghi lại những biến động của nơi mà nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng từng gọi là: “giấc mơ thần tiên trong một hiện thực sắt thép địa ngục”.

Dẫu “giấc mơ” ấy thi thoảng vang lên tiếng súng giao tranh, những vụ ám sát, những màn trả thù đẫm máu, ủ trong mình những mưu toan chính trị, thành phố vẫn có một thứ quyền năng kỳ lạ đủ sức ôm trọn tất cả trong cái bình yên dường như tuyệt đối của mình.

Đô thị bên đồi như thể ngủ yên, bỗng mấy năm nay thức giấc vì sự huyên náo của những du khách, du lịch giá rẻ, rồi “phượt” đang khiến cho chốn mộng Đà Lạt ngày càng dễ đến hơn. Có thời Đà Lạt được Bảo Đại chọn làm “thủ đô của một nhà nước mới”, thời Hoàng triều cương thổ (1950-1955). Dù “thủ đô” Đà Lạt kết thúc cùng với sự tồn tại ngắn ngủi của chế độ Hoàng triều cương thổ, nhưng từ đó, như được lịch sử chọn lựa, Đà Lạt ở đó chứng kiến bao lớp hưng phế của thời cuộc.

Lịch sử đô thị 126 năm trôi qua. Đến lúc Đà Lạt cũng phải đối diện những vấn đề của riêng mình. Những biên khảo trong tập này giúp người đọc có thêm một điểm nhìn về lịch sử quy hoạch và kiến trúc ở Đà Lạt, trước nguy cơ về sự biến mất của di sản kiến trúc.

Liệu Đà Lạt phải chăng là một “thiên đường đang mất” dưới sự vô tình hay hữu của chính những con người nhân danh vì tình yêu Đà Lạt? Còn lại gì đây khi “cơn nghiện” Đà Lạt của du khách dịu bớt đi? Một Đà Lạt của rác, những căn biệt thự cổ bị phun sơn, những đồi thông đầy lều trại ồn ào?

Cuốn sách này không phải một nỗ lực níu kéo, trong năng lực hạn hữu của mình, nó cố tìm lấy bên dưới sương mù kia những gì đã làm nên giá trị, những thứ kiến tạo nên thương hiệu Đà Lạt.

Theo Huỳnh Trọng Khang – vnexpress