Với mong muốn tái dựng lại một cách trọn vẹn dáng hình và tinh thần của Đà Lạt giai đoạn 1950 – 1975, nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên đã cho ra đời tập biên khảo Đà Lạt, bên dưới sương mù. Nếu Đà Lạt, một thời hương xa nói về một Đà Lạt tao nhã, vàng son trong quá khứ, thì Đà Lạt, bên dưới sương mù lại giúp người đọc tìm thấy câu trả lời cụ thể: điều gì làm nên “mã gene” văn hóa Đà Lạt một thời.

Từ khối lượng tài liệu đồ sộ được khai thác từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó đặc biệt phải kể đến nguồn tài liệu gốc lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II (TPHCM), Trung tâm Lưu trữ Quốc gia VI (Đà Lạt), Thư viện Quốc gia Pháp, các sách báo đã xuất bản trong và ngoài nước cũng như các nguồn tư liệu cá nhân và gia đình, nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên đã chắt lọc, xử lý và hệ thống lại trong gần 400 trang sách; tái hiện giai đoạn lịch sử đầy biến động của đô thị Đà Lạt từ Hoàng triều cương thổ đến 1975.

Chỉ vỏn vẹn trong vòng 25 năm, nhưng vô số những xáo trộn ngấm ngầm mà khốc liệt đã diễn ra trong thành phố tưởng chừng bình yên, vô nhiễm với chiến sự. Đó có thể là vụ ám sát Quan Mật thám Đông Dương ở biệt thự 17 Rue des Roses năm 1951, có thể là vụ “trộm máy bay” tháo chạy của những nhân viên hãng bay S.I.L.A khi Hoàng triều cương thổ sụp đổ, cũng có thể là những cuộc giao tranh khốc liệt như Mậu Thân, những trận pháo kích của lực lượng xâm nhập vào các Dinh – biểu tượng quyền lực, hoạt động tình báo làm nên một phần tối, đầy bí ẩn trong sử liệu đô thị.

Đà Lạt, một mặt được gây dựng để trở thành một ốc đảo yên bình trên một đất nước đang chìm giữa chiến tranh, mặt khác, lại âm thầm dưỡng nuôi tham vọng tưởng chừng có thể khuynh đảo lịch sử.
Nhiều bộ hồ sơ chi tiết dựng lên kế hoạch kiến tạo đô thị trong thời kỳ người Việt làm chủ từ 1954-1963 được xử lý, trải ra trên những trang viết công phu, hấp dẫn. Qua đó, chân dung của những chính khách, kiến trúc sư, công chức, cư dân một thời… đã đóng góp vào giá trị Đà Lạt được soi rọi, ghi nhận thật rõ nét.
Tác giả cũng cung cấp bộ hồ sơ quy hoạch, xây dựng khu chợ Mới của kiến trúc sư, nhà quy hoạch Ngô Viết Thụ năm 1959 (một bản Họa đồ thiết kế rất quý được in kèm theo sách làm quà tặng độc giả) – là nguồn tài liệu cần thiết để mở ra cuộc đối thoại thẳng thắn, kịp thời trước khi bản quy hoạch mới, biến khu Hòa Bình thành phố thương mại cao tầng được hiện thực hóa…
Độc giả sẽ nhận ra điều này: từ một phế tích như nhà nguyện Franciscaine cũng được tác giả tái hiện qua một bản lý lịch ẩn mật đến lịch sử xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử, Chi nhánh Nha Văn khố… đều được tác giả thuật lại vừa khách quan, khoa học, vừa lấp lánh, bay bổng.

theo QUỲNH YÊN/SGGPO