“Làm vườn hữu cơ for Dummies” là sự cộng tác của Ann Whitman, Suzanne và The National Gardening Association. Trong đó tác giả Suzanne đã có 12 năm hoạt động ở Hiệp hội Làm vườn quốc gia (The National Gardening Association – NGA), và đảm nhiệm nhiều vai trò, trong đó có công tác giáo dục, biên tập cũng như hoạt động trong mảng công nghệ thông tin. Cả Ann Whitman và Suzanne tin rằng, một khi là người làm vườn thì luôn có sẵn trong mình trí tò mò và lòng ham học hỏi, đó là lý do vì sao cuốn sách ra đời.

Cuốn sách này dành cho những người muốn tự chăm sóc cây cối trong vườn nhà mình mà không sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu hoá chất tổng hợp. Làm vườn hữu cơ không chỉ để có thực phẩm an toán, có một bãi cỏ trong lành không độc hại, mà còn là đưa ra những quyết định đầy lương tâm, có ý thức và chịu trách nhiệm cho những hành động ảnh hướng đến thế giới phía ngoài cánh cửa nhà bạn, ngoài lối đi và ngoài cả đường biên quê hương đất nước.

Hầu hết mọi người đều hãnh diện cho mình là người bảo vệ môi trường, nhưng không phải ai cũng biết cách quản lý cho thật tốt khu vườn và cảnh quan nhà mình, chưa nói tới cả hành tinh này. Cuốn sách này sẽ đưa bạn khởi hành trên con đường đưa ra những lựa chọn lành mạnh hơn cho khu vườn và cảnh quan của riêng bạn.

Mục lục:

Về tác giả

Lời giới thiệu

Phần 1: Kiến thức cơ bản về làm vườn hữu cơ

Phần 2: Đất và phân bón

Phần 3: Chống sâu bệnh

Phần 4: Trồng cây hữu cơ trong vườn nhà

Phần 5: Danh sách mười điều

Trích đoạn nội dung:

Cách ta sử dụng đất, nước và không khí dù đúng hay sai đều ảnh hưởng tới đời sống và môi sinh của thực vật, côn trùng, chim chóc, tôm cá và muông thú, cũng như con người. Làm vườn hữu cơ hướng tới việc phòng tránh và xử lý các vấn đề sao cho ít xâm phạm nhất, ít độc hại nhất. Những người làm vườn hữu cơ tâm huyết đã áp dụng những phương pháp liên quan tới những quy trình sinh học tự nhiên và nhân văn để:

+ Cải thiện chất đất và độ màu mỡ của đất: Những người làm vườn hữu cơ bồi dưỡng cho hệ sinh thái của đất bằng cách bón những chất hữu cơ như phân ủ hữu cơ (hay thường gọi là phân compost) và tránh thuốc trừ sâu có hại cho đời sống của đất. Đổi lại, các sinh vật trong đất tiêu thụ và phân huỷ vật chất hữu cơ đó, tạo thành chất dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng.

+ Giảm xói mòn: Đất trọc dễ bị phong hoá và xói mòn do mưa. Muốn giữ được toàn vẹn nguồn tài nguyên quý giá này, hãy phủ đất bằng mùn, bằng cây hoặc một số thứ khác.

+ Giảm sâu bệnh: Người làm vườn hữu cơ tối thiểu hoá các vấn đề sâu bệnh và giảm nhu cầu dùng thuốc trừ sâu bằng các kỹ thuật canh tác như cắt tỉa cây đúng cách, loại bỏ phần thừa thãi không tốt cho cây và sử dụng phương pháp phủ luống.

+ Tạo điều kiện cho đa dạng cây trồng và vật nuôi: Thông qua việc trồng cây đa dạng và sử dụng thuốc trừ sâu có tính toán – cho dù là dùng thuốc trừ sâu hữu cơ – người làm vườn hữu cơ đã tạo điều kiện để phát triển hệ sinh thái lành mạnh, chào đón những vi sinh vật có lợi, trong đó có những sinh vật giúp thụ phấn và thiên địch của sâu bệnh.

Người làm vườn hữu cơ quan sát khu vườn của mình, xem nó như một hệ sinh thái sống và cùng bắt tay với thiên nhiên để cho ra những cảnh quan tươi đẹp, những thực phẩm ngon và lành.