Trong “Hàn Phi Tử. Nội trữ thuyết tả thượng” có ghi lại điển cố là nguồn gốc của câu thành ngữ “tam nhân thành hổ” này như sau:
Thời Chiến Quốc, vì để giao hảo với nước Triệu, vua của nước Ngụy (Ngụy Vương) đã quyết định đưa Thái tử sang đô thành Hàm Đan của nước Triệu (nay thuộc tỉnh Hà Bắc) để làm con tin. Đồng thời, Ngụy Vương cũng phái Bàng Thông đi cùng.
Bàng Thông là người nước Ngụy, là sủng thần của Nguỵ Vương rất được Ngụy Vương trọng dụng. Ông ta lo sợ rằng sau khi rời khỏi nước Nguỵ, người khác sẽ nói xấu mình, Nguỵ Vương sẽ vì vậy mà không tín nhiệm nữa. Vì thế, trước khi đi ông có ý hỏi Nguỵ Vương: “Thưa Đại Vương, nếu giờ có người nói với Đại Vương rằng, ở chợ xuất hiện hổ ăn thịt người, Đại Vương tin không?”
Nguỵ Vương ngay lập tức bảo rằng: “Ta đương nhiên là không tin rồi, chợ làm sao có hổ được?”
Bàng Thông hỏi tiếp: “Nếu lại có người nói với Đại Vương, ở chợ xuất hiện hổ, Đại Vương tin không?”
Nguỵ Vương chần chừ một lúc rồi nói: “Đối với chuyện đó, ta nửa tin nửa ngờ.”
” Nếu có người thứ ba đến nói với Đại Vương rằng ở chợ xuất hiện hổ, Đại Vương tin không?” Bàng Thông lại hỏi tiếp
Nguỵ Vương gật gật đầu, bảo rằng: “Mọi người đều nói như vậy, đương nhiên là ta tin rồi.”
Bàng Thông nói rằng: “Chợ không hề có hổ, đó là điều rõ ràng. Nhưng liên tiếp có ba người đều nói ở chợ có hổ, Đại Vương liền cho là có hổ.
Nay, thần đưa thái tử sang Hàm Đan của nước Triệu, đô thành đó cách đô thành Đại Lương của ta (nay thuộc phía tây bắc thành phố Khai Phong tỉnh Hà Nam) còn xa hơn nhiều so với cung điện cách chợ. Những nghị luận sau lưng thần, nói xấu về thần e rằng không chỉ có ba người.
Thần mong Đại Vương từ nay về sau đối với những nghị luận về thần thì nên thẩm tra kỹ càng, nắm rõ sự thật, đừng để bị lời đồn dẫn dụ, che lấp chân tướng .”
Nguỵ Vương đáp ứng với lời đề nghị của Bàng Thông và nói rằng: “Quả nhân tự biết điều đó, khanh cứ yên tâm đi!”
Quả nhiên, khi Bàng Thông đi đến Hàm Đan chẳng bao lâu thì đã có người nói xấu ông trước mặt Nguỵ Vương. Ban đầu Nguỵ Vương không tin, về sau người nói xấu Bàng Thông càng nhiều lên, rốt cuộc Nguỵ Vương cũng tin. Đợi đến khi Bàng Thông cùng Thái tử từ Hàm Đan quay về, Nguỵ Vương thật sự đã xa lánh ông và không triệu kiến ông nữa.
Người đời sau lấy “tam nhân thành hổ” (ba người đồn có hổ khiến người ta tin là có hổ thật) để chỉ lời đồn lặp lại nhiều lần sẽ có thể che giấu được chân tướng, khiến người ta tin tưởng là sự thật. Đồng thời nó cũng nhắc nhở mọi người, đứng trước mỗi thông tin, mỗi sự việc cần phải tìm hiểu kỹ càng, suy xét thấu đáo, cần phải nhìn vào bản chất con người, sự việc, không nên nghe thông tin bên ngoài lưu truyền mà tin ngay. Đối với những người có tầm ảnh hưởng lớn, lời nói cần phải thận trọng, nếu không hậu quả mà nó đem lại sẽ rất to lớn, làm hại nhiều người.
An Hòa – trithucvn.net
Có thể bạn muốn xem
Đam mê đọc, trước tiên phải có sách
Đông A Books trưng bày những ấn bản sách đặc biệt, sách thủ công
Đọc sách cùng con, đi muôn dặm đường
YU JIN LỚN- YU JIN BÉ
Không Đến Một: Bài Học Về Khởi Nghiệp hay Cách Xây Dựng Tương Lai – Peter Thiel và Blake Masters
Chiến tranh tiền tệ
Hai cuốn nhật ký
Mô hình phân phối và bán lẻ
Tôn vinh sự giàu đẹp của tiếng Việt và chữ Quốc ngữ