Chương trình ra mắt sách Bảo vệ trẻ trước chấn thương tâm lý (Saigon Books và NXB Thế giới) tại Đường sách TPHCM vào ngày 11-2, với sự tham dự của diễn giả – TS Lê Nguyên Phương là cơ hội để bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề bảo vệ trẻ em trước những biến cố trong đời sống.

Chỉ trong thời gian ngắn ra mắt, Bảo vệ trẻ trước chấn thương tâm lý đã được dịch qua 12 ngôn ngữ (8 ngôn ngữ châu Âu và 4 ngôn ngữ châu Á). Ấn bản tiếng Việt là ngôn ngữ thứ 13 của tác phẩm. Điều này cho thấy sức hút của Bảo vệ trẻ trước chấn thương tâm lý, và theo như TS Lê Nguyên Phương, cuốn sách đã trở thành “sách gối đầu giường cho không chỉ chuyên gia tâm lý hay y khoa chuyên về chấn thương tâm lý mà còn cho cả giáo viên, phụ huynh và người giữ trẻ”.

TS Lê Nguyên Phương là chuyên gia tâm lý học đường, là tác giả của bộ sách Dạy con trong hoang mang được đông đảo bạn đọc quan tâm và yêu thích. Ông đã về Việt Nam nhiều lần để tham gia các hội thảo chuyên ngành cũng như giảng dạy trong các khóa tập huấn kỹ năng tâm lý học đường cho giảng viên các trường đại học và chuyên viên hành nghề. Ông cũng chính là người đã giới thiệu và kết nối để Bảo vệ trẻ trước chấn thương tâm lý được xuất bản tại Việt Nam.

“Bảo vệ trẻ trước chấn thương tâm lý” vừa được dịch sang tiếng Việt, đánh dấu ngôn ngữ thứ 13 của tác phẩm

Tại chương trình, TS Lê Nguyên Phương cho biết, ông là người đã được đào tạo liệu pháp Thân nghiệm bởi chính tác giả của cuốn sách – bà Maggie Kline, và mong muốn mang liệu pháp này về Việt Nam. Theo ông, trường phái Thân nghiệm là trường phái giải quyết tất cả những vấn đề chấn thương cá nhân và tập thể qua thiên tai hoặc nhân tai, bằng con đường từ thân thể đến tinh thần thay vì từ tinh thần đến thân thể như những liệu pháp nhận thức, hành vi…

“Tôi đã mong muốn đem chương trình đào tạo Thân nghiệm về Việt Nam và một trong những tác phẩm mà tôi rất tâm đắc đó chính là Bảo vệ trẻ trước chấn thương tâm lý. Đây là cuốn sách hữu ích, có giá trị”, TS Phương cho biết.

Nói đến chấn thương tâm lý (hay sang chấn tâm lý), hầu hết chúng ta đều hình dung nó đến từ những sự kiện dữ dội thời thơ ấu như bị bạo hành thể xác, bị xâm hại tình dục, trải qua một biến cố to lớn như thiên tai hay tai nạn… Nhưng trên thực tế, nó cũng có thể đến từ các sự kiện thường tình như trẻ bị té ngã, đi khám chữa bệnh, phẫu thuật y tế, thú cưng qua đời hay cha mẹ ly hôn… Chấn thương tâm lý là thứ bị tránh né, thờ ơ, coi nhẹ, chối bỏ, hiểu sai nhiều nhất, và cũng là nguyên nhân gây đau khổ cho con người nhất mà lại không được chữa trị.

TS Lê Nguyên Phương tại chương trình

Theo TS Lê Nguyên Phương, có khá nhiều định nghĩa về chấn thương tâm lý nghiêng về học thuật. Để độc giả có thể dễ dàng hiểu hơn, ông đưa ra khái niệm của mình: Chấn thương tâm lý là phản ứng tự nhiên, thuộc về bản năng sinh tồn của mọi sinh vật. Những phản ứng toàn thân gồm thể chất, tình cảm, cảm xúc, kể cả trí thông minh. Những phản ứng này kéo dài, được gây ra bởi những sự đe doạ đối với sinh vật đó. Những sự đe doạ này thường tập trung vào sự đe doạ khả năng sinh tồn cũng như phát triển của cá thể này. “Với định nghĩa như vậy, mọi người có thể thấy rằng, ai trong chúng ta cũng có thể có nguy cơ bị chấn thương tâm lý”, ông Phương nhấn mạnh.

Qua các câu chuyện trong sách, hai tác giả Peter A. Levine và Maggie Kline đã kể lại quy trình từng bước sử dụng liệu pháp Thân nghiệm qua trò chơi trong việc điều trị chấn thương và đưa ra các nguyên tắc chơi đùa theo hướng dẫn trong khuôn khổ. Ở từng bước, kiến thức về nguyên lý hoạt động của hệ thần kinh được đưa vào một cách khéo léo, giản dị và dễ hiểu.

Trong giai đoạn cuộc sống đầy bất trắc, nhiều hiểm nguy và lo âu, chấn thương tâm lý có thể xảy đến với tất cả mọi người trong bất cứ hoàn cảnh nào. Khi không có cơ hội gặp gỡ các chuyên gia thì những cuốn sách như Bảo vệ trẻ trước chấn thương tâm lý sẽ là công cụ hữu ích cho các bậc phụ huynh, giúp ngăn chặn hoặc ít nhất là giảm nhẹ những tác động nguy hại do chấn thương tâm lý gây nên.

Trong cuốn sách này, các bậc phụ huynh sẽ được hướng dẫn các công cụ thiết thực để giúp con mình tăng cường tối đa khả năng hồi phục tâm lý, để từ đó chúng có thể khôi phục lại sự cân bằng khi bị căng thẳng quá mức chịu đựng. Bằng những công cụ hồi phục này, cha mẹ và người lớn có thể giúp con trẻ hoá giải và tránh bị chấn thương tâm lý để trẻ thực sự trở thành những con người mạnh mẽ, tự tin, vui vẻ và có lòng trắc ẩn hơn.

nguồn: https://www.sggp.org.vn/hieu-ve-chan-thuong-tam-ly-de-bao-ve-tre-post678403.html