Một buổi chiều ở những năm của thập niên 1930 trước cuộc khủng hoảng kinh tế, có những anh thanh niên mới chân ướt chân ráo từ miền Bắc hay miền Trung vào Sài Gòn. Các anh chưa kiếm ra việc làm, thỉnh thoảng ra đứng hóng gió trên bến Nhà Rồng hay Lăng-tô vùng Khánh Hội, do người Pháp gọi trại chữ Láng Thọ. Tuy chỉ để tha thẩn cho mát người, các anh có thể sẽ gặp một anh “cặp-rằng” cai rủ đi làm việc trên tầu. Nếu anh từ chối vì không có sổ bìa xanh (livret marin indigenes), người cai sẽ năn nỉ mời anh ta cứ đi cho “đủ đầu người”, chuyến sau sẽ lấy sổ cho.

Những năm đó, các ông chủ xưởng ở Sài Gòn, Gia Định hay Chợ Lớn thường phải nhờ người tìm thợ ở ngoài Bắc đưa vào làm cho mình. Giữa các tiệm có sự giành giật thợ của nhau. Khi thợ từ miền Bắc đi tàu vào, có những ông chủ phải thân chinh đem xe hơi ra tận bến tàu đón thợ. Trong nghề làm thuê làm mướn ở Sài Gòn, thợ thuyền rất được biệt đãi vì thợ ở Sài Gòn thời đó hiếm.

Cho đến những người phu xe kéo cũng được coi là có giá. Phần nhiều họ là dân nghèo ở Quảng Bình vào Nam. Họ kiếm ăn rất phát đạt, hàng năm gửi bạc trăm về nhà. Khi gặp những lần tàu ngoại quốc đến cảng, các phu xe trở nên no đủ. Mấy chiếc tàu của Hoa Kỳ ghé bến Sài Gòn, những người lính thủy bảnh bao trả năm đồng bạc tiền xe, còn cho thêm phu xe năm đồng nữa để ăn cơm vì phải gác đê mất nửa giờ.

Đó là vài câu chuyện kể trong cuốn “Túi bạc Sài Gòn” của một ký giả gốc miền Bắc, Vũ Xuân Tự ,viết về đời sống xã hội thành phố này trước năm 1945.

Buổi sáng cuối năm ở Sài Gòn, dậy sớm uống ly cà phê pha chút sữa đặc hiệu Ông Thọ như cha anh hồi xưa, tôi đọc cuốn sách xưa này mà như xem lại cuốn phim phong tục cũ kỹ nhưng đầy hào hứng. Giống như tâm trạng bao người Sài Gòn, càng lúc càng đông, luôn cảm thấy “Ở Sài Gòn mà nhớ Sài Gòn”, tôi nhớ hoài những hình bóng cũ dù mình chưa bao giờ thấy, những cung cách sống cũ mình chỉ nghe kể, nhưng chúng giúp tôi vượt thoát khỏi tâm trang đang sống trong một thành phố của tuổi thơ ngày càng không nhận ra vì mức độ xô bồ, ô nhiễm của nó.

Trên đất nước Việt này, từ trăm năm trước, nơi đâu còn tạo chút hy vọng trong cuộc sống cùng quẫn hoặc bị o ép ngay nơi quê hương mình, chính là Sài Gòn. Ở đó, trừ khi có chiến tranh hay bị chính sách kìm hãm, việc làm ăn luôn phát triển, giới chủ sản xuất hay kinh doanh luôn cần nhân công, ai có nghề chuyên môn càng được quý, nên có nhiều chỗ làm ăn cạnh tranh nhau để thu hút thợ giỏi bằng cách trả lương cao. Nhờ vậy, tuy làm công ăn lương, người thợ không bị coi nhẹ, hưởng lương cao hơn vùng khác, nhiều nơi không dám bạc đãi, vì bạc đãi là thợ bỏ đi, có nơi khác hứng ngay.

Nhà nghiên cứu Lý Lược Tam lúc còn sống kể với tôi rằng phở từ miền Bắc đi theo các phu cao su gốc Bắc vào Nam làm nghề trồng cao su ở các đồn điền miền Đông. Khi bị người Pháp ở vùng đó đàn áp truy lùng để bắt buộc trở về cố hương, những người này trốn về Sài Gòn. Họ thấy nơi này dễ sống, dễ trà trộn, dễ hòa nhập mà không bị kỳ thị nếu thật thà lương thiện, dễ kiếm sống nếu có thể mở được một cái quán nhỏ bình dân đủ bày bán một món ăn mới ở trong một con hẻm, như hẻm Casino. Từ đó, món phở Bắc được chấp nhận và dễ dàng bắt rễ trên thành phố này.

Sài Gòn dễ ở khó về,
Giai đi có vợ gái về có con.

Vũ Xuân Tự dẫn câu ca dao trên, rồi lý giải: “Có rất nhiều người mưu sinh lâu năm ở Sài Gòn nhất là dân nghèo bỏ đi xứ khác làm ăn nhưng chẳng bao lâu lại phải quay về. Vì người ta đã quen thở cái không khí Sài Gòn nó dễ chịu hơn; sự mưu sinh thích hợp với cảnh ngộ hơn. Nếu bạn nghèo và thất nghiệp, bạn sẽ thấy thế rõ rệt lắm”.

Tôi đọc tiếp: “Người đời có hai cái lo nhất: đói và rét. Ở đây, người ta chỉ phải phấn đấu với cái đói thôi. Người ta khỏi lo cái rét vì quanh năm nóng nực – tuy vậy đêm khuya vẫn có gió biển hơi lành lạnh thường phải đắp chăn đơn. Hơn nữa, dân chúng không hề chú trọng đến cái mặc quá. Có lắm kẻ, bề ngoài trông xuềnh xoàng mà trong túi rất nhiều tiền”.

Tác giả kể một câu chuyện, phảng phất những câu chuyện do vài tác giả khác kể về sự coi thường vẻ bề ngoài xuề xòa của người thành phố này:

Một ông lão nhà quê vào xem và hỏi giá mấy chiếc ô-tô trong một hãng xe hơi ở Sài Gòn. Trong bộ quần áo cũ kỹ của ông ta, người thư ký bán hàng vừa đáp vừa có ý khinh khi: “Năm trăm một cái đấy, ông mua không?” ông lão lấy ngay ra một tập giấy “săng” và nhất định đòi mua chiếc xe ấy cho bằng được. Sau người chủ hãng phải xin lỗi mãi mới thôi. Rồi ông ta cũng thuận mua cho một cái xe sáu ngàn giả tiền ngay. Bài học ấy, đã khiến nhiều kẻ không dám vội xét người ở y phục.

Ít nhất tôi đã đọc hai lần khác về chuyện người Sài Gòn đi mua hàng hóa cao cấp với bề ngoài xuề xòa và ban đầu bị coi thường. Một chuyện của nhà văn Thiếu Sơn và của một tác giả người Pháp. Điều rút ra là ở Sài Gòn trước hết không nên đánh giá bề ngoài, sau nữa quan trọng hơn, là người mới nhập cư không cần phải lo nếu anh không có bộ cánh đàng hoàng. Hãy cư xử tốt, lương thiện sẽ được tin cậy vì ở Sài Gòn “chiếc áo không làm nên thầy tu”.

Đến cái ăn ở. Ăn uống rất dễ dàng. Có bao nhiêu ăn bấy nhiêu, hoàn toàn theo ý muốn và túi tiền. Người ta không vì bộ cánh mà phải ăn uống bất đắc dĩ. Với lối bán hàng “nghe chửi lấy tiền” của khách trú (người Hoa), người ta có thể thản nhiên vào hiệu, chỉ ăn bát “cháo trắng” một xu. Còn cái ở thì tối đâu là nhà, ngã đâu là giường. Bạn đi chơi khuya về, sợ gọi cửa động đến giấc ngủ của hàng xóm thì bạn cứ ra ghế xanh mà thiu thiu. Gió đêm đã mát, giời đêm không sương, còn cái gì phiền nhiễu nữa!

Trong Sài Gòn, chỉ đắt đỏ về nhân công, hàng hóa so với các nơi khác nhiều thứ lại rẻ hơn. Ví dụ: giá gạo hạ hơn ngoài Hà Nội nhưng một khi thổi chín thì giá cơm lại đắt hơn cơm Hà Nội. Nhờ vậy người nghèo nếu chịu khó làm lụng là có tiền.

Điều này khuyến khích người ta làm việc, ý thức công lao động là giá trị. Cho nên sức lực làm ra tiền và trí tuệ cũng làm ra tiền. Người dân bình thường ở Sài Gòn nhận ra công thức kiếm tiền như vậy và ai muốn kiếm nhiều hơn phải lo rèn luyện tay nghề hay phải học hành để có chuyên môn cao. Nếp nghĩ ấy đủ cho họ an tâm tránh xa chốn quan trường đầy nguy cơ tha hóa để kiếm tiền.

Dân chúng lại biết giữ gìn giá trị sinh hoạt. Một “xu nhỏ” là ít nhất, chỉ tiêu được một lần. Ngoài Bắc, một xu tiêu được sáu lần. Khi Sài Gòn mới có đồng nửa xu, dân chúng tiêu xài có ý miễn cưỡng. Các quán trà Huế thường bán một xu một bát nước và một quả chuối hay điếu thuốc là tùy ý. Có kẻ hà tiện uống bát nước không ăn chuối, giả nửa xu. Người bán hàng không chịu và vẫn giữ theo lệ cũ. Thành ra nhà nước phát hành đồng nửa xu, dân chúng vẫn không tiêu được món gì dưới một xu.

Người ta làm ra tiền tương dối dễ nên xài tiền rộng hơn. Đó là phần chừa lại cho người nhập cư ban đầu kiếm sống. Sống trong cảnh dù giầu, dù nghèo cũng sáng cà phê, trưa “nhậm sà” tối nước đá, hỏi ai không nhớ tiếc Sài Gòn, một khi đến xứ khác kiếm đồng tiền phải gay go chật vật.

Phạm Công Luận

Phạm Công Luận là tác giả của bộ sách “Sài Gòn – Chuyện đời của phố” hiện đã xuất bản. Từng trang sách về Sài Gòn của ông như chuyến du hành ngược dòng thời gian, đưa độc giả về những nẻo đường Sài Gòn xưa. Đọc sách của ông mới thấm thía rằng những câu chuyện về Sài Gòn xưa sẽ chẳng bao giờ cạn kiệt. 

Theo Facebook Sài Gòn – Chuyện đời của phố
Bài đã đăng trên báo Trẻ với bút danh Phạm Đăng Thuyên