Trong thổ ngữ vùng Huế, tiếng Mệ, tiếng Mụ nghe quá đỗi gần gũi thân thương, có lẽ bởi trên hành trình mở cõi của dân tộc, cái gốc Việt Mường cổ xưa đã tiếp xúc hài hòa với yếu tố bản địa phương Nam ở cái rốn Thuận Hóa để định hình nên hồn cốt trong con người xứ sở này.

Từ buổi đầu, người Việt sớm chuyển hóa Bà Mẹ Xứ Sở Poh Inư Nagar thành Thiên Y A Na, cô đọng thành Thiên Mẫu mà dân gian quen gọi Thiên Mụ, mới đưa Bà Trời Áo Đỏ ở đồi Hà Khê, hay núi Hòn Chén về hóa thân thành Quan Âm, khai sinh chùa Thiên Mụ – sứ mệnh tư tưởng của Phật giáo Đàng Trong và xứ Huế Thiền kinh.

Phật giáo hòa quyện Đạo giáo và những phương thuật trong tín ngưỡng dân gian để hóa giải vận hạn Bát thế hoàn Trung đô, giúp hoàng gia chúa Nguyễn vượt qua tai ách nhiều hoàng nam bạo bệnh mất sớm, có chuyện đổi gọi Mệ để che mắt các thế lực siêu linh gây hại.

Mệ từ đó được tôn xưng cho hoàng gia chốn cung nội, rồi mở rộng dần, như chỉ cái danh phận, cốt cách riêng có của họ, rồi lan dần trong tâm thế, nếp nghĩ suy của lớp lớp chủ nhân chốn Kinh đô, và cả Cố đô.

Ở chốn Đô thành, Mệ được sinh ra trong danh gia vọng tộc, là thế phiệt trâm anh, ít ra cũng lấy cự tộc làm khát vọng vươn đến.

Dù gia môn không giàu có vật chất, Mệ cũng luôn bảo toàn được di sản tinh thần, ráng trông lên ngó xuống để sống, để hành xử cho không thẹn với lòng, với tổ tiên, với trời đất và với tha nhân.

Mệ noi gương tiền nhân, làm gương cho hậu bối và ráng làm điều tốt đẹp nhất cho gia môn, có “phương danh” và để lại “phước đức” cho con cháu, cho đời.

Khi không làm được gì tốt đẹp cao xa thì cũng tối kỵ, không được làm điều xấu xa, “tạo nghiệp”, “ô danh” gia tộc.

Cái lý tưởng quân tử của xã hội truyền thống chưa xa tựa như sự “bao đồng” kiểu “vác tù và hàng tổng” luôn thường trực trong Mệ: trăn trở với khát vọng xả thân, đau đáu với nỗi đau của tha nhân, dù chỉ là “dài lưng tốn vải”, có khi gia cảnh “chạy gạo”.

Chính sự uyển chuyển, hòa quyện và linh hoạt của Nho – Phật – Đạo và Tổ tiên làm cho Mệ như hội đủ mọi điều để tĩnh tâm, thêm nghị lực khi đứng trước bàn thờ tổ tiên với chữ Hiếu – trọng trách Hương hỏa.

Khát vọng Nho gia là nghị lực đèn sách trên bước đường hoạn lộ, tiếng chuông chùa sắc sắc không không giúp lắng lại và tĩnh tại, sự uyển chuyển vô vi của Đạo gia giúp họ cơ biến “nhập gia – đáo giang” tiến thoái hợp lý.

Trước sự khắc nghiệt của thiên tai, sự nghiệt ngã của thế sự, Mệ luôn dằn lòng trấn tĩnh để thích ứng, buông bỏ quan trường, lánh xa thị trường, bất đắc dĩ ly hương hoặc ở lại thúc thủ sau cánh cửa miền phủ đệ danh gia một thời, để làm bạn với thiên nhiên, với tri kỷ tri âm.

Xấu che, tốt càng phải che, những gì thấy được từ Mệ chỉ là một chút nhỏ trong “bồ thi thư”, bởi Mệ giữ lại tất cả trong người và chỉ chia sẻ khi cùng tần số.

Lòng tự trọng, tự hào, định hình nên cốt cách, khí phách của Mệ; sự day dứt lưỡng lự và loay hoay, lúng túng giữa lằn ranh nghiệt ngã của Danh và Thực lắm khi làm Mệ thao thức.

Đói cho lành rách cho thơm, lời tiền nhân trao truyền mách bảo Mệ chọn lựa phương thức thúc thủ, từ chối mọi cơ hội mần ăn không rõ ràng, khép lại một miền phủ đệ sang chảnh chưa xa, cho lòng mình được sạch, được thơm.

Cái hồn cốt Huế đó, chỉ cần được thổi thêm một nguồn sinh lực Mạnh Thường Quân thì quả thật, đời Mệ thật thỏa chí.

Ra đi hay ở lại, trở về hay không, cửa đóng then cài liệu có níu giữ được hồn cốt Huế, lôi kéo bước chân con trẻ hay không luôn làm Mệ đau đáu.

Chính nỗi niềm ưu tư, dằn vặt thường trực đó càng làm cho vẻ mặt Mệ như bình thản hơn để che giấu đi những thảng thốt, giật mình cùng bao tiếc nuối, ngậm ngùi.

Không chỉ “áo em trắng quá nhìn không ra” mà sự uyển chuyển linh hoạt mờ ảo cũng rất khó nhận ra những thăng trầm nghiệt ngã, sự phân thân trong cõi nhân sinh của Mệ.

Cửa vẫn đóng, then vẫn cài nhưng Mệ vẫn sẵn sàng thâu đêm suốt sáng với kẻ tri âm, người tri kỷ và vẫn luôn mỉm cười mãn nguyện dù có phần chua chát.

Rõ ràng, Mệ vẫn luôn là người hạnh phúc, bởi hơn ai hết, Mệ vẫn an lòng bảo toàn được gia môn trước bao biến thiên nghiệt ngã của thời cuộc!

Chuyện Mệ thả om, Mệ chơi ca Huế ngủ đò sông Hương thâu đêm, hay Mệ chơi lan tỉ mẩn đầy triết lý từ ngọn lá mà chẳng phải từ hoa, chút rau dại trong vườn cùng tép khô, cá mụn nhưng mâm cơm như hóa rồng hóa phượng, thành tác phẩm nghệ thuật với bao triết lý âm dương ngũ hành…

Mệ thiệt tài hoa trong sự khốn khó nghiệt ngã của hoàn cảnh để thích ứng, đáng được thông cảm, sẻ chia hơn là mỉa mai, hờn trách. Đó chính là nốt nhạc ngân vang trong cuộc đời của Mệ.

Qua đây như có bóng hình của ông bà, cha mẹ, người thân và cả chính mình, để nâng niu, để yêu hơn nữa con người xứ sở này.

Xin trân trọng giới thiệu cùng quí bạn đọc gần xa những mảnh rời ký ức, nỗi niềm trăn trở và day dứt khôn nguôi trong chuyện Đời của Mệ.” – Chi sẻ của ông Trần Đình Hằng – Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế.

Tác giả: Nguyễn Hữu Thông
Nhà xuất bản: Hà Nội

MỤC LỤC:

Lời thưa cho chuyện của Mệ

“Mệ” tự bạch

Mệ đờn

Những khóm lan xưa

Cánh yên đào nơi Bắc địa

Cô Sen: Nàng Lady X xinh đẹp của tôi

Luận bàn “chùng lén” sau lưng Mệ

Mệ Dì 99 Bà Ấm Liêu

Dưới bóng hoàng lan

Mệ ghen

Trái cấm vườn nhà tôi

“Phố đèn đỏ” quê tôi

Hương đêm

Những câu chuyện không đoạn kết

Vườn xuân trong ký ức

Góc nhỏ miền cực lạc

TRÍCH ĐOẠN SÁCH:

Cánh yên đào nơi Bắc địa

Ghé tai nghe câu trình báo của người thư ký, cùng lúc, cánh cửa văn phòng hé mở, người đàn ông quay người hướng về phía ấy, nét mặt tươi tắn hẳn, giọng trầm ấm:

– Em cứ tự nhiên vô đi đừng ngại…

Trong chiếc áo lụa hoa màu xám nhạt, tóc vấn, điểm trang kín đáo, nàng khép nép lại gần chiếc bàn làm việc, mắt cúi nhìn sàn gạch hoa bóng nhoáng, không dám đối mục với quý ông trước mặt:

– Dạ bẩm quan viên, cô con có gửi lá thư kính mời ông tối nay ghé nhà dùng bữa cơm nhạt với gia đình.

Người đàn ông trên chiếc ghế tay dựa cầu kỳ giữa căn phòng lộng lẫy, vội đứng dậy mỉm cười thân thiện nhìn nàng. Chàng liên tưởng ngay đến hình ảnh một công nương, sống khép kín đàng sau cấm thành, chợt hiện trong bức tranh đầy màu sắc cổ tích. Một kiểu dáng không quá yểu điệu kiêu kỳ, ngược lại, xen chút bình dị, ngơ ngác, nhìn đâu cũng xa lạ và đầy cạm bẫy.

Giọng người đàn ông nhỏ nhẹ, chứa chan nồng nhiệt:

– Em tự nhiên ngồi xuống ghế đi, có chuyện gì nói cho yên (anh) nghe nào?

– Dạ thưa! Con không dám. Cô con có dặn, nếu quan viên nhận lời thì về bẩm báo lại ở nhà để tiện bề đón tiếp.

Chàng lại cười, nụ cười làm căn phòng ngập tràn trìu mến, mắt không rời khuôn mặt ngây thơ, hồn hậu của người đối diện:

– Ồ! Tôi nhận, tôi nhận lời mà, em về cám ơn và bẩm lại với bà là tôi sẽ đến.

Thực ra họ đã gặp nhau nhiều lần ở nhà bà cô của nàng. Người đàn ông từ phút đầu đã để ý, bụng thầm thương công nương ngơ ngác ấy từ lâu. Với thân phận là bạn của chủ lớn, tuổi đời cũng xa cách, nên chàng đành miễn cưỡng xem nàng như cô cháu nhỏ xinh xắn, vẫn còn vướng đâu đó trên khuôn mặt kia chút ngờ nghệch, vụng dại… Mỗi khi chàng đến thăm gia chủ, khuôn mặt ấy vẫn thường lấp ló sau chiếc màn nhung ngăn sảnh tiếp khách với căn phòng trong.

Bà chủ nhà là một Công Tôn nữ từ Huế ra Bắc, kết hôn với ông chủ đồn điền người Pháp, thân thế lừng lẫy. Và, chàng cũng là một người từ đất Thuận Hóa được đào tạo ở Paris về, đang là chánh văn phòng của tòa Thống sứ Bắc Kỳ, mà người bấy giờ thường gọi là ông bí thư. Họ là bằng hữu của nhau, gọi là bạn nhưng sự liên kết này còn mang nhiều mục đích: đồng hương nơi Bắc địa, tương trợ trên công việc giao dịch lẫn thương trường…

Chồng bà tuy là chủ đồn điền, nhưng tầm ảnh hưởng của ông không nhỏ, bạn bè phần lớn là quan chức Pháp ở nhiều ngành, vị trí “ông bí thư” nhờ vậy mà vững chắc hơn. Bà thì cậy chiếc ghế này để có thể tiếp xúc với ngài Thống sứ dễ dàng trong các thương vụ của mình.

Khép nép nhấp một ngụm trà lấy lệ, dù bịn rịn nhưng nàng đành đứng lên tất tả kiếu về. Chàng cũng loay hoay không kém:

– Khoan! Khoan! Em ngồi lại một chút đã, tiện đây có món quà nhỏ tặng em, yên giữ đã lâu nhưng bây giờ mới có dịp, mong em nhận lấy.

Chàng lấy từ hộc bàn làm việc ra một tấm khăn gấm hoa, gói trong ấy một mảnh giấy, trao đến nàng bằng một cử chỉ dịu dàng, mắt nhìn âu yếm, như muốn chúng nói giùm:

– Mong em đừng nỡ từ chối tấm lòng này của yên.

Nàng ngập ngừng, lúng túng một lúc rồi cúi đầu kính cẩn nhận lấy. Tay họ khẽ chạm nhau. Lòng cả hai thổn thức…

Nàng bước vội ra khỏi cổng dinh Thống sứ, người rộn ràng, tim đập thình thịch. Sự ngưỡng mộ, lòng yêu kính khuôn mặt oai phong kiên nghị và thân thiện của ông chánh văn phòng từ lâu đã in sâu trong trái tim nàng, và nàng không biết gọi nó là gì. Một chút thương, một chút trọng, một chút nhớ nhung, một chút khâm phục… mọi thứ quấn quýt như mối tơ vò.

Cô thiếu nữ chốn Thần kinh một đời không có dịp tiếp xúc nhiều, nép mình thả bộ trên lối đi giữa lòng Hà Nội, náo nức muốn mở vội tấm khăn gấm, tay chân lúng túng, vụng về làm rơi ra mảnh giấy hồng trên lối đi. Nàng ngập ngừng cúi nhặt, và…, món quà chỉ có thế, một bài ca Huế viết tay tô đậm tiêu đề: Với ai xin nhắn…

Dán đôi mắt như bị thôi miên vào những dòng chữ nắn nót thật đẹp, khoảnh khắc ấy rộn ràng đến mức nàng cứ mặc cho những dòng chữ thoải mái tung lượn, nhảy múa đến hoa mắt. Khi tâm lắng và dòng chữ đã đứng lặng yên, nàng mới định thần lẩm bẩm một lượt và biết đó là lời của một bài Nam bình với dấu mở ngoặc: riêng tặng Tuyết Hương.

– Ủa? Của mình mà, Công tằng Tôn nữ Tuyết Hương. Có phải riêng tặng cho mình không? Sự ngưỡng vọng người đàn ông đã trao món quà, khiến nàng đâm ngờ vực luôn cả cái tên người nhận mà cha mẹ đã đặt cho. Hạnh phúc tràn dâng, phút giây diệu kỳ không vẽ nổi được trên khuôn mặt ấy một nụ cười, mà lối nàng đang đi mờ trong nước mắt cảm động, yêu thương…

Cả ngũ quan nàng như dán chặt vào lời hát, ngọt bùi, đằm thắm và sâu kín. Có những đoạn, những từ… nàng biết rằng chỉ có hai người hiểu, để chính nó, đâu đó lan tỏa hương vị của tiếng lòng tương thức, tương cảm hiếm hoi. Cái thứ cảm giác cơ hồ không nằm gọn trong tay nắm mà cứ chập chờn như trêu, như thực…

Và cứ thế, mặc thiên hạ, mặc những hàng cây và từng hàng ô gạch đang lùi dần đàng sau, nàng đi chậm rãi chẳng khác chỗ không người giữa phố thị rộn ràng như mắc cửi, miệng mấp máy nửa đọc, nửa ca, nuốt từng chữ, từng câu chàng gửi trên đường đến chợ.