Buổi sáng, tại mảnh sân nhỏ, thấp thoáng một bóng dáng nhỏ xíu, gầy còm đi vào đi ra hồ như mẹ đang mong chờ một điều gì đó mà lòng bồn chồn khó tả. Rồi mẹ lại trở vào trong nhà khoác thêm chiếc áo, choàng thêm tấm khăn, chân đi ủng và bước ra vườn.
Đã non nửa mùa xuân nhưng dường như trời vẫn đương còn lạnh, nắng chẳng thấy lên, mây mù bao phủ dày đặc, có khi xám ngoét, ủ dột. Chú mèo tam thể õng ẹo bước ra sân rồi cũng quay trở vào trong bếp.
Tôi nhớ bằng thời gian này những năm trước nắng đã về chan khắp cả ngôi nhà ngói ba gian nhỏ xinh của mẹ, lênh láng khắp sân, trườn ra con ngõ hai bên xanh mướt giậu dâm bụt đỏ tươi. Nắng lên, cả nhà chuẩn bị đồ đạc lên nương tỉa đỗ, trồng cà. Người dân quê tôi làm nông cũng chẳng theo phương pháp nào, dựa vào kinh nghiệm chắt lọc cha ông để lại là chính. “Tháng Giêng trồng đỗ, tháng Hai trồng cà” cứ vậy mà làm theo.
Nắng lên bầu không khí thật là dễ chịu, trong lành như thể chẳng có một chút bụi nào vấn vương. Mẹ hay nhẩm tính hết đợt nắng này là cây sẽ tốt tới chừng nào, rồi khi nào thì bón phân lót, khi nào thì thêm phân chuồng. Chị em tôi thì lại chờ đợi những ngọn đỗ vươn dài xanh mướt. Bởi hình ảnh ấy in đậm trong ký ức của những bữa cơm cả nhà quây quần bên nhau đầm ấm hạnh phúc. Ngọn đỗ luộc xanh giòn, bùi ngậy chấm với mắm cáy đưa cơm hết sảy.
Chị tôi đợi nắng để ngồi hàng giờ tỉ mẩn nhặt những bông hoa bưởi đặt gọn gàng vào nia rồi đem đi phơi. Đó là khi chị bị mùi hoa bưởi vấn vương ủ vào từng lọn tóc mỗi khi nấu nước gội đầu. Chị học theo cách của bà, gom những bông hoa bưởi tươi lành lặn, không dập nát mang phơi khô rồi cất vào trong lọ hoặc túi bóng buộc kín. Mỗi bận nấu nước bồ kết gội đầu chỉ cần thả vài ba bông bưởi khô vào thì nồi nước thơm phải biết. Tuổi mười sáu chị tôi có một mái tóc dài chấm eo đen nhánh óng ả. Chị hay xõa tóc mỗi khi nắng lên lấp lóa và bên hiên nhà ngồi thõng chân. Bao chàng trai mê mẩn chị cũng bởi mái tóc dài thơm mùi nắng quyện hương bồ kết, hương bưởi đó. Chị thẹn thùng, mắt lúng liếng cười. Tôi thấy cả một thời thanh xuân rực rỡ.
Mẹ tôi đợi nắng trong một sớm tinh sương, lụi cụi mang đồ mùa đông ra phơi và cất giữ. Lòng bồn chồn không biết rét nàng Bân đi chưa? Dây phơi thường ngày dài thênh thang nhưng nắng lên thì lại không đủ nơi chứa. Hàng rào cũ mẹ tận dụng vắt ngược tấm chăn, tấm mền. Một sự lộn xộn rối mắt nhưng lại là hình ảnh đáng nhớ vô cùng. Lớn lên đi xa, khi nắng lên lấp ló lòng tôi chỉ chực nhớ về hàng rào cũ. Lòng tự hỏi không biết giờ này ở quê mẹ đã kịp phơi quần áo hay chưa? Có còn bận tâm dây phơi ngắn dài không đủ sức chứa? Những đứa con đi xa hết rồi còn đâu. Chỉ còn hai bóng già lặng lẽ trong ngôi nhà nhỏ. Tôi thấy bóng mình nhỏ dại thân thương ở đó. Tôi níu gấu áo mẹ nhìn mảnh chăn phấp phới giữa cơn gió xuân. Và lòng rưng rức khóc khi phải xa mẹ, xa quê.
Tôi đợi nắng, đợi ngày về hong khô niềm đau cũ. Bôn ba xứ người thấy lòng lúc nào cũng chênh vênh. Chỉ có nắng quê nhà mới khiến lòng tôi bình yên, chữa lành tâm hồn người con bao nhiêu năm xa quê. Đợi nắng với tôi còn là đợi những miền ký ức. Ở đó tôi đã trọn vẹn hạnh phúc từng khoảnh khắc mà bất cứ lúc nào tôi cũng muốn nhớ về. Ngoài kia nắng đã lên rồi, lòng tôi rộn ràng quá đi thôi…
Mai Hoàng/Báo Giác Ngộ
Có thể bạn muốn xem
Trí thông minh cảm xúc for Dummies
Nghệ Thuật Đào Tạo Cấp Quản Lý Của Toyota
Vu lan của mẹ tôi
Việt Nam qua tuần san Indochine 1941-1944
Chữa lành bằng năng lượng
Covid-19: Đại Dịch Đáng Lẽ Không Bao Giờ Xảy Ra Và Làm Cách Nào Để Ngăn Chặn Đại Dịch Kế Tiếp – Debora Mackenzie
Brand Story – Thổi Hồn Thương Hiệu, Làm Triệu Người Mê
Nghệ thuật sống vững vàng – Hiện thực hóa cuộc sống mà bạn mong muốn
Người Việt đầu tiên làm cho Học viện Viễn Đông Bác cổ ở Đông Dương là ai?