Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh – Sài Gòn luôn là hai mảnh đất gây nhiều thương nhớ. Hai thành phố ấy là nơi hội tụ tinh hoa, nơi đón nhận biết bao lớp người, nuôi dưỡng biết bao hoài bão, giấc mơ và bao dung hết thảy vui buồn rất đỗi con người. Đó là hai điểm cầu trong tâm tưởng, khiến người ta kẻ mong người nhớ, kẻ đợi người thương.
Liệu, để nhớ Hà Nội hay thương Sài Gòn, có phải là người ta nhớ thương thời hoa niên, tuổi thanh xuân đã qua, những năm tháng tâm hồn sống ăm ắp với mọi va đập của đời? Là tuyển tập hoài khúc viết về nỗi nhớ niềm thương nhằm lưu lại những câu chuyện rung cảm với hai thành phố, tuyển tập “Nhớ Hà Nội, thương Sài Gòn” ra đời “như lời cảm tạ tới hai thành phố khiến chúng ta không ngừng nhớ thương”. Mỗi bài viết về thành phố mang màu sắc riêng.
Thủ đô Hà Nội hiện lên là mảnh đất nghìn năm văn hiến, nơi tập trung nguồn lực và tinh hoa, luôn cố gắng gìn giữ những điều son sắt, nhưng vẫn không từ chối thu nạp lối sống của thời đại mới. Còn mảnh đất Sài thành hiện đại, cởi mở, cuốn hút mà dẫu có đi qua bao nốt lặng vẫn luôn “lấy thương đổi thương”.
Đọc sách, độc giả có thể tìm thấy những quan sát có tính đúc kết, như nhà văn Uông Triều điểm lại những tác phẩm vang bóng viết về mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến hay tản văn của Nguyễn Trương Quý là ký ức về Sài Gòn của một chàng trai đất Bắc. Tuyển tập còn mang đến những câu chuyện của người trẻ từ vùng miền khác sống thế nào ở Hà Nội và Sài Gòn, với muôn sự lạ lẫm, náo nức lẫn va đập ở nơi chốn mới.
Những bài viết như “Bắc tiến”, “Hà Nội – khoảng lặng cô đơn của tôi”, “Nói xấu Sài Gòn” hay “Buôn chữ ở Sài Gòn”… dù không ồn ào, không dùng nhiều từ khóa nhớ hay thương nhưng đọng lại cảm xúc. Dẫu có những nỗi đau, mất mát, chơi vơi của tuổi xuân đi qua nhưng các cây bút đều dành cho hai thành phố ấy những trang viết nhiều tình cảm. Mảnh đất ấy như phông nền cho những quãng đời tốt lành của họ.
Tập sách quy tụ gần 50 cây bút, từ những tác giả có tiếng như Uông Triều, Nguyễn Trương Quý, Phạm Công Luận, Nhật Chiêu, Nguyễn Thị Hậu, Hoài Hương, Trần Lê Sơn Ý, Nguyễn Phong Việt, Tống Phước Bảo… đến những cây bút trẻ đầy triển vọng như Vũ Thị Huyền Trang, Khúc Cẩm Huyên, Hoài Sa, Trang Ps, Lê Ngọc, Liêu Hà Trinh… Đặc biệt, cây bút trẻ nhất Lê Nguyễn Minh Khuê mới 14 tuổi.
Tuyển tập “Nhớ Hà Nội, thương Sài Gòn” do NXB Thế Giới và Wavebooks liên kết xuất bản.
nguồn: https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/1038027/ha-noi-mot-niem-nho-sai-gon-mot-niem-thuong
Có thể bạn muốn xem
TP Hồ Chí Minh khai mạc Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn 2024
Tài chính cá nhân cho mẹ đơn thân
Đọc “Chuyện Làng tôi” của Cao Văn Hà
Niễng xào – đặc sản mùa đông của Nam Định
Cùng nói những lời yêu thương
Xuất bản 15 truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp ở Hàn Quốc
Tại sao ít người viết khoa học giả tưởng tại Việt Nam?
Vì sao nước Úc là “thiên đường di cư” của người giàu trên thế giới?
Ngồi yên đọc sách, nữ streamer thu về hàng nghìn lượt xem