Đặt nụ hôn lên bàn tay người đàn bà, người tình lỡ làng ta trân quý, để khi chia tay dù xót xa nhưng sâu thẳm trong tâm hồn đối phương vẫn còn lại những điều tốt đẹp.
Hôn tay đàn bà là tập truyện ngắn tràn ngập những yêu thương, ngưỡng mộ và dịu ngọt, nồng nàn mà Mạc Thụy dành cho những người đàn bà, người tình đi ngang qua đời mình.
Qua lời bộc bạch của tác giả, ta sẽ thấy đó không phải đơn thuần là thứ tình yêu đầy sùng bái, mê muội của người đàn ông dành cho người đàn bà hớp hồn mình dù chẳng hiểu gì về cô ấy hay tình yêu thương, thấu hiểu nhưng đôi khi chính bản thân mình không tránh khỏi sự nhỏ nhen, đố kỵ.
Trong tình cảm Mạc Thụy dành cho những người đã cũ, những tình nhân lỡ làng ấy lớn hơn vậy, ở đó chứa cả sự ngưỡng mộ lẫn xót xa, thương cảm và thấu hiểu. Anh yêu đàn bà sâu sắc, am tường, tôn quý và bao dung đến lạ. Qua từng trang viết, ai cũng có thể cảm nhận được tình yêu sâu sắc ấy, thậm chí chạm đến đáy tim của bạn đọc.
Cuốn sách Hôn tay đàn bà của Mạc Thụy.
Mạc Thụy tự giới thiệu mình là một “mặc khách sống tại Sài Gòn, yêu nhạc vàng, nói chút tiếng Tây, thích tán chuyện thiên trời địa đất vô tư” và trong chính những sáng tác của mình, anh luôn thể hiện cái chất Sài Gòn – Nam Bộ trong từng câu chữ. Từ việc tạo dựng hình ảnh những con người xưa cũ cùng với lớp từ vựng của một thời đã qua và một Sài Gòn xưa, nay hòa trộn vào nhau hiện lên một cách tự nhiên, đẹp, sang, đầy hoài niệm.
Với phông nền lý tưởng ấy, những niềm thương nỗi nhớ mà nam tác giả dành cho người đàn bà, người tình nhân lỡ làng ấy hiện lên qua từng câu chuyện cũ, kỷ niệm xưa được kể lại với những trang văn đầy yêu thương, dịu ngọt, vừa say đắm, nồng nàn lại lịch sự, lãng mạn tựa như nụ hôn Mạc Thụy đặt lên tay người đàn bà của mình.
Anh cho rằng ta nên dành những nụ hôn trao tay cho người đàn bà, người tình mình thương quý trong cuộc đời. Bởi sau tất cả những mãnh liệt, đắm say, một nụ hôn đặc biệt bày tỏ sự trân trọng và âu yếm chưa bao giờ là thừa để thể hiện trọn vẹn yêu thương.
Gấp lại tập truyện nhỏ của Mạc Thụy ta nhận ra một điều chỉ ai thật sự yêu, thương, trân trọng người đàn bà mới có thể quý trọng đôi bàn tay. Không riêng đôi bàn tay thon dài đài các, đầy đặn sang quý mà ngay cả những bàn tay gầy guộc vất vả, nghèo khó của người mẹ, chị, bạn tình, bạn đời… của mình ta đều quý trọng.
Ngoài tình yêu thương tác giả dành cho người đàn bà bình dị ở gần mình, Mạc Thụy còn trân trọng những người tài mà anh ngưỡng mộ, say mê họ ở bởi cái tốt đẹp ẩn trong người phụ nữ. Dù trong cuộc sống cơ hàn hay phồn hoa Mạc Thụy luôn nhìn thấy vẻ đẹp lấp lánh của họ.
Không chỉ vậy, nhìn sâu trong con người phụ nữ ấy anh cảm nhận được nỗi cô đơn của họ ở mọi lúc mọi nơi. Nỗi cô đơn ấy được tạo ra khi họ phải mang trên vai mình quá nhiều nghĩa vụ và trách nhiệm mà không đòi hỏi một ai san sẻ.
Hôn tay đàn bà, có thể coi đây là những trang hồi ức giản dị về một tình yêu nồng nàn, lúc âm ỉ cháy lúc lại bùng lên dữ dội trong khoảnh khắc… với người đàn bà, người tình đi ngang qua đời anh. Và ở đó, bất kể là đàn bà hay đàn ông đều có một tình yêu nồng nàn. Họ từng trao những nụ hôn đầy yêu thương trên bàn tay nhau để khi chia tay dù xót xa nhưng vẫn còn lại những điều tốt đẹp. Và đôi khi tình cảm ấy không chỉ dừng lại ở chuyện tình yêu luyến ái.
theo Nguyên Phương/Zing.vn
Có thể bạn muốn xem
Con cá thần và người sống 5.500 năm tại Ireland
CHIẾN TRANH VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ HẬU CHIẾN TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI
Hoa trôi trên sóng nước
‘SỨC BẬT TINH THẦN’: NGHỊCH CẢNH LÀ ĐÒN BẨY ĐỂ XOAY CHUYỂN CUỘC ĐỜI
Những chú lợn ghi dấu ấn trong lịch sử
“Ngày hội Astérix 2024” đến với bạn đọc tại TPHCM
Vua lốp Hà thành
“Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” – ký ức của người lính về cuộc chiến bảo vệ biên cương phía Bắc
Than đỏ dưới tro tàn – Đỗ Bích Thúy