Chủ nhân Nobel Văn học 2023 – Jon Fosse – kể về đời cầm bút và sự suy sụp tinh thần khiến ông trở lại viết tiểu thuyết.
Vào ngày giải thưởng Nobel văn học năm nay được công bố, Jon Fosse đang lái xe đến vùng nông thôn ngoại ô Bergen, Na Uy, để thư giãn. “Tôi rất lo lắng khi nhận được thông báo này”, nhà viết kịch và tiểu thuyết gia người Na Uy vừa cười vừa nói dù ông luôn là nằm trong danh sách dự đoán người đoạt giải Nobel được các nhà cái yêu thích kể từ năm 2013.
“Bạn biết đấy, Người đó có thể là tôi. Nhưng tôi vẫn không nghĩ đó sẽ là tôi”, ông nói.
Giải Nobel được trao cho Fosse vì “những vở kịch và văn xuôi sáng tạo mang lại tiếng nói cho những điều không thể nói được” đã tôn vinh một sự nghiệp vượt trội với 39 tiểu thuyết và tuyển tập truyện ngắn, hơn 40 vở kịch (cộng với nhiều bản dịch), 13 tập thơ và một vài sách thiếu nhi. Tất cả đều được viết bằng Nynorsk, một dạng ngôn ngữ chính thức của khoảng 15% người dân Na Uy, chủ yếu ở phía Tây nơi ông sinh ra.
Sinh ra trong một gia đình nông dân ở miền Tây Na Uy vào năm 1959, Fosse trải qua một tai nạn suýt chết khi mới bảy tuổi. Khi được hỏi chi tiết về vụ tai nạn, ông vặn vẹo trên ghế. “Thành thật mà nói, tôi không thích nói về chuyện đó. Tôi mất rất nhiều máu và gần chết, hẳn là vậy. Trong khi cận kề cái chết, tôi nhìn thấy một loại ánh sáng lung linh, rất yên bình và đẹp đẽ. Tôi nghĩ trải nghiệm này đã thay đổi tôi từ bên trong và có lẽ đã khiến tôi trở thành một nhà văn”.
Ở tuổi 20, Fosse giành chiến thắng trong một cuộc thi viết ở trường đại học. Đồng thời, cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông, Red, Black (1983) đã được xuất bản khi ông còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhớ về những năm độ 20 tuổi, ông nói: “Tôi có rất nhiều lo lắng khi thức dậy. ‘Ồ, lại một ngày nữa’. Và sau đó tôi bắt đầu viết và sau khoảng một giờ tôi đã ở một nơi khác và cuộc sống vì thế khá ổn”.
Trên con đường sự nghiệp của một tiểu thuyết gia, việc Fosse trở thành một trong những nhà viết kịch còn sống thành công nhất thế giới lại diễn ra một cách khá tình cờ. Một lời mời vào đầu những năm 1990 đã khiến ông viết vở kịch đầu tiên của mình. Ông ngay lập tức nhận được sự công nhận ở Na Uy và tiếp tục gặt hái nhiều thành công với hơn 1.000 tác phẩm, từ New York đến Berlin, từ Havana đến Tokyo. “Tôi đã viết, viết và viết cho sân khấu, tôi đi du lịch, du lịch và đi đến các buổi biểu diễn, quảng bá, trả lời phỏng vấn, giống như một loại ‘ngôi sao’ sân khấu hay thứ gì đó tương tự”, ông nói với vẻ thích thú về trải nghiệm này.
Thế nhưng, ngay cả khi được tôn vinh trong vai trò là một nhà viết kịch, sự nổi tiếng và việc phải có mặt ở khắp mọi nơi đã khiến ông suy sụp. “Cuối cùng tôi cảm thấy mệt mỏi với tất cả. Tôi đã uống quá nhiều. Tôi đã viết quá nhiều. Mọi thứ đều quá tải”, ông nói. Không lâu sau đó, vào năm 2012, Fosse suy sụp tinh thần. Ông uống nhiều đến mức bỏ ăn và nhập viện. Rượu giúp ông có thể tự tin để trở thành một ngôi sao trên sân khấu. Nhưng tác giả tự nhận mình là một người nhút nhát và kín đáo, không phù hợp với công việc tại nhà hát. Cảm thấy mình đã “cạn kiệt khả năng làm nhà viết kịch”, ông từ bỏ kịch nghệ, đồng thời cũng rút khỏi tầm mắt của công chúng, quyết định về nhà sống ẩn dật để viết thơ và văn xuôi.
Tuy vậy, việc từ bỏ viết kịch của Fosse cũng không hề dễ dàng. Vài năm sau đó, cùng với văn xuôi, ông dịch nhiều vở kịch và đôi khi vẫn quay lại viết vài vở kịch nhỏ. Trên thực tế, cuốn tiểu thuyết ngắn mới nhất của ông, A Shining, là phiên bản văn xuôi của một vở kịch có tên In the Black Forest vừa ra rạp tháng 9.
Fosse là một trường hợp hiếm gặp trong lịch sử giải Nobel Văn học khi nó được trao cho một người chỉ mới xuất bản tác phẩm được đánh giá là kiệt tác, Septology, trong thời gian gần đây. Fosse bắt đầu viết Septology vào năm 2012, nhưng tiến độ rất chậm và phải đến năm 2019 mới ra mắt. Đối với ông, “viết lách giống như bước vào một thế giới mà mình chưa từng biết. Theo một cách nào đó, bạn phải rời bỏ chính mình. Và nếu bạn là kiểu người mong manh thì thật đáng sợ khi phải rời bỏ chính mình. Vì thế phải mất vài năm tôi mới thật sự có can đảm để bắt đầu viết lại”.
Septology là một cuốn tiểu thuyết dài 825 trang được viết chỉ bằng một câu. Đây rõ ràng là một cách tiếp cận đầy thách thức, nhưng sự điêu luyện trong nhịp điệu của Fosse đã đạt đến mức độ hoàn thiện, cùng với sự chú tâm đầy cảm thông mà ông dành cho các nhân vật của mình đã tạo nên một sức ảnh hưởng lớn cho tác phẩm. Cuốn sách nhanh chóng khiến người đọc đắm chìm trong dòng chảy của nó, một trải nghiệm văn học độc đáo.
Trong nhiều tác phẩm của Fosse, độc giả dễ dàng bắt gặp một số nhân vật có sự tương đồng với ông, bao gồm cả trải nghiệm cận kề cái chết. Song Fosse khẳng định không quan tâm đến thể loại tự truyện, thứ mà ông từng thử nghiệm và chỉ xem nó như một “khái niệm”. Nhiều tình tiết câu chuyện vốn được lấy cảm hứng từ cuộc đời ông, tham vọng của ông là viết chính xác như nó vốn có, nhưng không kiểm soát nó. Bởi “ngay khi nó có được một loại chất lượng văn học, nó đã biến thành một thứ khác. Và tôi đoán điều đó gần giống với nội dung của văn học. Những gì bạn viết thì cần phải như thế – nghe thì có vẻ sáo rỗng – nhưng nó cần phải lớn lao hơn cuộc sống”.
Có thể bạn muốn xem
Tháp cổ Champa
Sài Gòn, Một góc ký ức và bây giờ
Vì sao công nghệ phát triển nhưng đi du lịch vẫn cần có bản đồ giấy?
Thương tiếc nhà văn Nguyễn Quốc Trung
19 trang web giúp bạn thông minh hơn
Bí quyết khiến việc đọc sách của con trở nên thú vị hơn
‘Mật ngọt cho tâm hồn phụ nữ’
Hồi ức và thơ trên báo xuân Sài Gòn xưa
Lãnh trấn đẫm máu