Bắc Ninh – Kinh Bắc nổi tiếng là đất trăm nghề, trong đó có làng Chóa được nhiều người biết đến với nghề làm hương trám đen đã có từ lâu đời.
Hương thơm của làng nghề hương trám đen truyền thống
Từ bấy lâu nay, khi nhắc tới làng Chóa thuộc thôn Lạc Trung, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, Bắc Ninh, chắc hẳn ai ai cũng đều biết đến nơi đây nổi tiếng với nghề làm hương trám đen truyền thống.
Có thể nói, nếu như trước đây, loại hương thường được thắp trong dịp Tết Nguyên đán là hương trám đen thì trong thời đại ngày nay, loại hương này lại được nhiều người sử dụng hơn trong các dịp lễ quanh năm. Đây là một trong những sản phẩm hương không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của mỗi gia đình nói riêng, trong văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng nói chung. Cũng chính vì thế mà sự tinh túy, thanh khiết của hương trám đen truyền thống vẫn luôn được người làng Chóa lưu giữ, phát huy và tồn tại theo năm tháng. Đó cũng chính là nét đặc trưng riêng biệt, là tình yêu và nét đẹp của một làng nghề văn hóa hàng trăm năm tuổi.
Sản phẩm hương trám đen tại làng Chóa được làm hoàn toàn bằng các hương liệu tự nhiên, bởi vậy, hương trám đen của làng có hương thơm rất dễ chịu. Nét đặc biệt của hương tại đây là khi thấm nước vẫn có thể cháy được.
Nguyên liệu chính để làm ra hương đen làng Chóa là nhựa trám, than hoa và nứa. Trong các bước để tạo nên những cây hương đạt chuẩn, việc chọn lựa nguyên liệu cẩn thận, kĩ càng là một yếu tố vô cùng quan trọng. Được biết, nguyên liệu nhựa trám phải được lấy từ tỉnh Cao Bằng, than hoa sử dụng không được bẩn hay pha lẫn các tạp chất. Đối với nứa làm hương thì phải được ngâm dưới ao khoảng 3 tháng rồi mới vót thành que và đem phơi khô dưới nắng.
Bên cạnh đó, khâu trộn nguyên liệu cũng được những người thợ làm hương rất chú tâm đến. Đây được coi là công đoạn quyết định việc tạo nên hương thơm khác biệt của loại hương đen đặc trưng của làng. Sau đó, những người thợ sẽ đem nhựa trám đun sôi rồi cho than hoa đã nghiền nhỏ bỏ vào máy nghiền, trộn kỹ để hỗn hợp trở nên dẻo mềm, gọi là nến. Nến sẽ được kéo thành miếng mỏng dài, cắt nhỏ để se vào từng que hương.
Se hương cũng chính là công đoạn cuối cùng để tạo nên cây hương trám đen. Việc se hương thành hình đòi hỏi sự khéo léo và lực tay vừa đủ để bột nhang cuốn tròn đều xung quanh thanh nứa đã được vót nhọn từ trước và cắm vào hũ cát để hong khô. Dụng cụ se nhang là một nồi hấp phôi nhang, một bát nước, một hũ cắm phơi nhang và mặt bàn phẳng. Có thể thấy, việc làm hương trám đen tuy không đòi hỏi quá nhiều sức lực nhưng lại khá cầu kỳ vì bao gồm nhiều công đoạn và cần có không gian rộng để phơi khô nguyên liệu cùng thành phẩm.
Trước đây, tất cả các công đoạn đều được làm bằng tay nên khá vất vả nhưng theo thời gian, với công nghệ ngày càng hiện đại, nhờ có máy móc nên các công đoạn đã trở nên đơn giản hơn nhiều. Tuy nhiên, nhiều người dân trong làng vẫn lựa chọn làm thủ công để giữ nguyên chất lượng của hương trám đen.
Theo ông Nguyễn Hữu Tư, một chủ xưởng sản xuất hương trong làng cho biết, một que hương ở đây có thể cháy trong 3 giờ, hương sào từ 8 -12 giờ. Không những thế, loại hương này rất dễ bảo quản bởi không hút ẩm và không nứt vỡ khi vận chuyển.
Với chất lượng hương luôn được giữ vững và nâng cao, nhưng có những thời điểm, làng nghề truyền thống tưởng như dần bị mai một, phai nhòa theo năm tháng. Có lẽ nhờ những đôi tay khéo léo cùng tính tỉ mỉ, hữu dụng của sản phẩm hương trám đen đặc trưng, nghề làm hương vẫn tồn tại đến ngày nay như một điểm tựa vững chắc của người làng Chóa.
Gìn giữ nghề làm hương trám đen truyền thống
Nghề làm hương đen đã tồn tại ở làng Chóa từ hàng trăm năm nay. Tuy nhiên, trong thời buổi kinh tế thị trường, nghề này cũng gặp không ít những thăng trầm. Sản phẩm hương trám đen tuy không bị làm nhái nhiều nhưng cũng chịu sự cạnh tranh khá gay gắt với các loại hương công nghiệp, hương thẻ khác trên thị trường. Với xu hướng hiện nay, nhiều người quan niệm rằng, hương thắp phải đậu tàn thì làm ăn mới phát tài phát lộc. Trong khi đó, do không tẩm hóa chất như đa số hương công nghiệp khác, chân hương làng Chóa lại không đậu tàn. Điều này khó đáp ứng được thị hiếu của nhiều khách hàng trên thị trường tiêu dùng.
Không những thế, nhiều năm gần đây, nhân lực để làm nghề hương trám đen tại làng Chóa còn rất ít. Đa số lực lượng lao động trẻ, có sức khỏe tốt đều đã chọn các công việc tại các khu công nghiệp trong tỉnh. Chỉ khi tới đầu tháng 10 âm lịch hằng năm, khi thị trường bắt đầu vào vụ Tết thì số lượng lao động mới tập trung đông hơn. Có lẽ lý do khiến nguồn nhân lực bỏ nghề làm hương chính là do kinh tế của nghề này không cao, nhất là so với việc làm hương công nghiệp thì còn ở mức thấp. Ngoài ra, hương trám đen vốn khó làm, riêng với thị trường hương trám đen chỉ bán được số lượng lớn vào những dịp lễ lớn, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán, khi nhu cầu của người dân tăng cao.
Tuy nhiên, dù nguồn nhân lực làm nghề bị hạn chế hay trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều loại hương công nghiệp độc hại, song hương đen làng Chóa vẫn giữ được nét độc đáo của riêng mình. Nhiều khó khăn còn tồn tại khiến làng nghề tưởng chừng như bị mai một, nhưng nhiều người dân nơi đây vẫn luôn mong muốn gìn giữ và đưa nghề hương trám đen phát triển hơn nữa. Nhất là việc tiếp nối truyền thống cha ông, tiếp tục phát huy và truyền dạy lại nghề cho các thế hệ tương lai.
Trong tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam, dâng hương là một nghi thức tượng trưng cho giá trị văn hoá tâm linh truyền thống vô cùng cao đẹp. Mỗi một nén hương thơm được thắp lên là sự tỏ lòng biết ơn của các thế hệ con cháu đối với thế hệ đi trước. Như vậy, những nén hương đen làng Chóa đã có mặt ở nhiều nơi, đem lại sự ấm áp, linh thiêng cho mỗi gia đình, người con đất Việt.
Nguồn: Ngọc Anh/https://congthuong.vn/huong-den-lang-choa-noi-luu-giu-tinh-hoa-gia-tri-truyen-thong-297651.html
Có thể bạn muốn xem
Nâng cao giải thưởng văn học trong xã hội hóa
Cha mẹ độc hại
Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ
Chỉ có bạn mới trả lời được câu hỏi của cuộc đời mình
6 hoạt động đơn giản giúp não bộ của bạn trẻ lại 10 tuổi
Vấn đề ăn chay, ăn mặn trong đạo Phật
Cách Netflix xây dựng con người
Đưa sách vào khu phong tỏa, cách ly
Người Việt đầu tiên làm cho Học viện Viễn Đông Bác cổ ở Đông Dương là ai?