Sau 2 tiểu thuyết Mộ phần tuổi trẻ (2016) và Những vọng âm nằm ngủ (2018), nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang (27 tuổi) được kỳ vọng là cây bút trẻ đầy nội lực cho thể loại tiểu thuyết.
Tiểu thuyết đầu tiên ra mắt sau khi Huỳnh Trọng Khang tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM không lâu. Dẫu còn để lại tranh luận về một số chi tiết chưa khớp với lịch sử, nhưng không thể phủ nhận, bằng trí tưởng tượng không giới hạn của mình, anh đã tạo dựng được không khí của thời cuộc. Mộ phần tuổi trẻ lập tức trở thành hiện tượng của văn chương trẻ năm đó và được vinh danh tại giải Sách hay, hạng mục Phát hiện mới vào năm 2017. Dũng cảm đi qua những ồn ào, năm 2018, anh tiếp tục gây chú ý với Những vọng âm nằm ngủ.
Năm nay, anh vừa ra mắt tập truyện ngắn Phật trong hẻm nhỏ (NXB Phụ nữ Việt Nam), gợi nhiều suy tư về thân phận con người. Theo Trọng Khang, tập truyện lần này không phải “cú rẽ” vì trước giờ anh vẫn viết truyện ngắn song song với tiểu thuyết, các truyện ngắn lần này đa số đã được đăng trên các báo trong vài năm qua.
“Trong Phật trong hẻm nhỏ, có những truyện tôi viết như chuẩn bị cho một tiểu thuyết, nhưng không thành; cũng có những truyện chủ đích ban đầu mang hình hài một truyện ngắn. Tôi nghĩ mỗi câu chuyện sẽ tìm được một dáng hình phù hợp để đến với độc giả”, Trọng Khang chia sẻ.
13 truyện ngắn ở đây không theo một dung lượng nhất định, được trải dài qua nhiều đề tài khác nhau. Đôi khi chỉ là một công thức vật lý của Einstein (truyện Tục đế) như một sự thách đố với người đọc. Cũng có khi là tiếng nói về biến đổi khí hậu, đang là vấn đề mang tính toàn cầu hiện nay (Châu thổ). Và đặc biệt, trong một số truyện ngắn như Bể cá, Quán trọ đào hoa, Cô gái cắt đứt dây đàn của tôi, Tuyết nữ…, độc giả lại nhận ra ở đó thân phận của những người phụ nữ với tiếng nói, vị thế nhỏ bé và yếu ớt, dẫu tác giả không chủ đích nương theo vấn đề bình đẳng giới.
Với Đêm đầu tiên trên địa cầu, truyện ngắn có đề tài về dịch bệnh, Trọng Khang cho hay: “Dù không cố đuổi theo dòng thời sự, nhưng dĩ nhiên, đại dịch đã ảnh hưởng lớn đến đời sống con người; và tôi nghĩ nó đã đi vào những truyện ngắn này như một duyên cớ để các nhân vật trong truyện có cơ hội nhìn lại bản thân cũng như những mối quan hệ”.
Là người thực hành văn chương đa dạng, ngoài tiểu thuyết và truyện ngắn, Huỳnh Trọng Khang còn viết sách thiếu nhi và thơ. Sau tập thơ Mephy! Mephy! ra mắt năm 2018, hiện tập thơ thứ 2 của anh đang trong quá trình hoàn thiện.
QUỲNH YÊN
nguồn: https://www.sggp.org.vn/huynh-trong-khang-va-nhung-suy-tu-ve-than-phan-con-nguoi-779806.html
Có thể bạn muốn xem
Sức mạnh của đạo Phật
Henry Kissinger – Về Trung Quốc
Mật Nắng Biên Thùy
Hãy khen ngợi con trẻ trong 12 trường hợp này
LÒ SÁT SINH SỐ 5
Dân chơi vào trường
Giải mã siêu trí tuệ
Xốc lại tình yêu với văn chương Việt
Để Có Một Tương Lai – Thích Nhất Hạnh