“Chúng ta không thay đổi được những quân bài đã chia, chỉ có thể đổi cách chơi những quân bài đó” – Randy Pausch
Đã có nhiều giáo sư thực hiện các bài thuyết trình mang tựa đề “Bài Giảng Cuối Cùng” và xem đây là cơ hội cuối để suy ngẫm về những điều được xem là có ý nghĩa nhất đối với họ. Và trong khi họ thuyết trình, cử tọa cũng day dứt với cùng câu hỏi: Có thể truyền đạt những thông điệp gì nếu đây là cơ hội cuối cùng của ta? Nếu ngày mai phải ra đi, ta muốn để lại gì?
Khi được mời thuyết trình một bài giảng như vậy, Randy Pausch không cần phải hình dung đó sẽ là buổi thuyết trình cuối cùng của mình, bởi ông vừa bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Nhưng bài giảng của ông – “Thật Sự Đạt Được Những Ước Mơ Tuổi Thơ” – không nói về cái chết, mà về việc vượt qua các trở ngại, về việc giúp những người khác biễn ước mơ thành sự thật, về việc tận dụng từng phút giây trong cuộc đời (bởi “thời gian là tất cả những gì bạn có… và một ngày nào đó bạn sẽ nhận ra rằng bạn có ít hơn là bạn nghĩ”). Đó là đúc kết những gì mà Randy tâm đắc. Đó chính là cuộc sống.
Trong cuốn sách này, Randy Pausch đã kết hợp được sự hài hước, sự cuốn hút và sự hiểu biết để làm cho bài giảng của mình trở thành một hiện tượng và tạo một hình ảnh khó phai mờ. Đây sẽ là cuốn sách được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) có chương trình mang tên “Bài giảng cuối cùng” để mỗi năm, một giáo sư được mời thuyết trình bài giảng cuối cùng của mình cho sinh viên. Đó là một truyền thống tuyệt vời, qua đó người giảng như rút hết tinh túy của mình để truyền lại lần cuối và người nghe có một khoảnh khắc để suy ngẫm về những gì ý nghĩa nhất trong cả cuộc đời và sự nghiệp của vị giáo sư đó.
Ngày 18 tháng 9 năm 2007, giáo sư tin học Randy Pausch, đã thực hiện bài giảng cuối cùng của mình trước 400 khán giả tại Đại học Carnegie Mellon. Vào thời điểm đó, ông biết rằng ông đã bị ung thư tụy và chỉ còn sống khoảng 3 đến 6 tháng nữa. Vợ ông không muốn ông phí thời gian cho việc chuẩn bị bài giảng, bởi nó sẽ choán hết mọi thứ và lấy đi những giây phút cuối cùng của ông bên người thân. Nhưng Randy chấp nhận thử thách, vì đó là cơ hội cuối cùng để ông làm một điều thật sự có ý nghĩa cho các con trước khi đi xa. Trên bục giảng vào ngày hôm ấy, Randy trẻ trung, vui tươi, đầy sức sống và khỏe khoắn trong chiếc áo thun đeo huy hiệu Imagineer của Walt Disney, thực hiện bài tập hít đất và sôi nổi nói về những ước mơ.
Bài thuyết trình của Randy, “Thật Sự Đạt Được Những Ước Mơ Tuổi Thơ”, là những triết lý nhẹ nhàng nhưng thâm thúy về cuộc sống. Nó cuốn hút như chính con người ông. Thay vì nói về bệnh tật và cái chết, bài thuyết trình nói về sự sống, về việc thực hiện những ước mơ của chính mình, và tạo điều kiện cho những người khác thực hiện ước mơ. Ông đã sống thực từng ngày như đó sẽ là ngày cuối cùng còn tồn tại. Đối với ông, đạt được những ước mơ là được sống cuộc đời của chính mình. Hãy sống đúng đắn, ta sẽ đạt được ước mơ và nhớ đừng bao giờ từ bỏ. Cuộc đời của Randy chính là minh chứng hùng hồn cho những gì mà ông đúc kết.
Bài giảng này đã nhanh chóng lan truyền trên Youtube với hơn 10 triệu lượt truy cập. Trên các trang web, blog tràn ngập những lời chia sẻ động viên Randy, trong đó có cả thư của tổng thống Bush từ nhà Trắng : “Tôi vô cùng xúc động trước cuộc chiến dũng cảm của anh với căn bệnh ung thư. Câu chuyện phi thường của anh đã nâng đỡ cho hàng triệu con tim nước Mỹ.” – George W. Bush
Có những cuốn sách khi đọc có thể làm thay đổi cuộc đời chúng ta, thì cuốn sách “Bài giảng cuối cùng” là một trong những cuốn sách này.
Có thể bạn muốn xem
12 trích dẫn của nhà văn Paulo Coelho giúp bạn thay đổi tư duy
Tiêu dùng tối giản – Đẹp, bền và bớt rác
Bước thăng trầm của các ấu chúa
23 mẩu chuyện ngắn thâm thúy về cuộc đời
Thương tiếc nhà văn Nguyễn Quốc Trung
Cuốn sách đầu tiên trên thế giới nói không với AI
Chỉ tại con chim bồ câu
Sôi nổi cộng đồng đọc sách trên mạng
100 nhà khoa học vĩ đại thay đổi thế giới