Nếu rẽ khỏi phố Yio Chu Kang sầm uất nằm ở vùng đông bắc Singapore và đi theo một con đường đất quanh co dài khoảng 300m, ta sẽ tìm thấy một ký ức thời gian nơi chôn giấu hoài niệm của Singapore xưa cũ.
Toạ lạc nơi một khu đất xanh mướt rộng 3 mẫu Anh là Lorong Buangkok, ngôi làng cuối cùng còn sót lại của Singapore, nơi mà những cư dân từ thập niên 1960 vẫn lặng lẽ sống an vui.
Khác hoàn toàn với một quốc đảo Sư Tử hiện đại với các toà nhà chọc trời chen chúc, làng Lorong Buangkok có những căn nhà gỗ thấp sát bên, nhau hệt như khung cảnh cũ trên các tấm bưu thiếp xưa của Singapore.
“Kampong” – có nghĩa là “làng” trong tiếng Mã Lai – là một ốc đảo thôn dã nằm trong lòng một thành phố lớn.
Có khoảng 25 ngôi nhà gỗ nhỏ lợp mái tôn trải quanh một surau (nhà thờ Hồi giáo nhỏ). Chỉ nơi đây, những loài hoa cỏ từng mọc khắp Singapore trước thời đô thị hoá, như ketapang, loài thực vật bản địa mọc ven biển, mới có thể mọc tự do.
Gần đó vẫn còn giăng mắc chi chít các dây điện, một cảnh tượng hiếm thấy ở Singapore bởi vì hầu hết các hệ thống cáp ở đây đều đi ngầm dưới lòng đất. Những người cao tuổi thư thái chuyện trò trước hiên nhà; tiếng gà mái cục tác liên hồi; và dàn đồng ca vang rền của những chú dế với tiếng gáy oai phong của bọn gà trống – những thanh âm của một thời đã qua – át đi những âm thanh ồn ào huyên náo của chốn đô thị. Tất cả làm nên một bản giao hưởng thanh bình êm ái.
Singapore thời còn là nông thôn
Khi nhắc đến đảo quốc Sư Tử, chắc hẳn điều người ta thường nghĩ ngay đến sẽ là những toà nhà lộng lẫy. Đó là toà tháp Marina Bay Sands với đường chân trời trải dài tít tắp, hay Gardens by the Bay vị lai rực rỡ đầy sắc màu, chứ không phải là cảnh thôn dã chân quê.
Vậy nhưng cho đến tận đầu thập niên 1970, các kampong như Lorong Buangkok hiện diện khắp nơi trên đất Singapore. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Quốc gia Singapore ước tính trước đây có khoảng 220 ngôi làng như vậy nằm rải rác khắp đảo quốc này.
Ngày nay, tuy ở các đảo nhỏ lân cận vẫn còn một số ít làng tồn tại, nhưng trên đảo chính thì Lorong Buangkok là kampong duy nhất còn sót lại.
Là một quốc gia trẻ với khát vọng đạt tầm quốc tế, Singapore phát triển với tốc độ đô thị hoá chóng mặt hồi thập nhiên 1980 và đã nhanh chóng chuyển mình từ nước nông nghiệp sang công nghiệp.
Những quầy bán tạp hoá tại tầng trệt của các căn nhà liền kề đông đúc đã nhanh chóng được thế chỗ bởi những khu căn hộ cao tầng và các toà nhà chọc trời, khởi xướng cái gọi là “kỷ nguyên đường cao tốc” với hàng loạt các con đường nhỏ được thay thế bằng đường cao tốc nhiều làn xe chạy dọc ngang khắp đảo.
Đất đai đã dần trở nên khan hiếm ở Singapore, vì thế các kampong chân quê đã gần như bị lấn hết.
Hàng trăm ngôi làng truyền thống đã bị san bằng, các loài thực vật bản địa cũng bị xoá sổ, những con đường đất bị bỏ đi và các quầy tạp hóa là sinh kế của người dân thì bị khai tử hoàn toàn trong chương trình tái định cư của chính phủ.
Dân làng – một số lưỡng lự không muốn từ bỏ tài sản đất đai vườn tược của mình, số khác thì mong muốn được thoát khỏi cuộc sống nông thôn để đổi lấy nhà vệ sinh tiện nghi và nước máy sạch để dùng – đã được chuyển đến ở trong những căn hộ trợ cấp do chính phủ xây dựng ngay trên những ngôi nhà cũ của họ.
Ngày nay, có khoảng hơn 80% người dân Singapore sống trong những hộ nhà quy hoạch theo kiểu này.
Việc san lấp các ngôi làng thôn dã này cũng vô tình làm mất đi “tinh thần làng xã” nổi tiếng, từ được người dân Singapore dùng để miêu tả nét đặc sắc văn hoá của tình làng nghĩa xóm, sự tin cậy và nét hào sảng luôn hiện hữu trong chính con người họ.
Tại các kampong, dân làng không cần phải cửa đóng then cái và các gia đình luôn vui vẻ chào đón nhau. Họ có thể bất chợt ghé qua hàng xóm để mượn bất cứ thứ gì cần thiết.
Đây là một nét sống mà chính phủ đã luôn nỗ lực tái tạo trong các khu nhà trợ cấp bằng cách tăng số lượng mặt bằng không gian sinh hoạt chung để khuyến khích giao lưu xã hội.
Từ ‘thành thị hóa nông thôn’ quay về ‘nông thôn hóa thành thị’
Vào năm 2017, Cục Nhà ở và Phát triển Singapore hợp tác với Đại học Thiết kế và Công nghệ Singapore phát triển mô hình sống kiểu kampong nơi đô thị, một cách tiếp cận sử dụng công nghệ cao với các thiết bị cảm biến di động và không gian wi-fi chung để khuyến khích sự gần gũi tình làng nghĩa xóm giữa các cư dân.
Lawrence Wong, Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc gia khi đó nói rằng một trong những mục tiêu là để “củng cố ‘tinh thần làng xã’ trong các khu chung cư cao tầng của chúng ta”.
Thế nhưng, không gian sinh hoạt chung không phải là thứ duy nhất có thể nuôi dưỡng tình nghĩa láng giềng này, mà còn cả môi trường sống nữa.
Một lý do khiến làng Lorong Buangkok không bị san phẳng như các kampong khác là vì khu vực xung quanh không có triển vọng phát triển thương mại, công nghiệp, dân cư đô thị như những nơi khác trên đảo quốc Singapore – mặc dù điều này nay đã dần thay đổi.
Từng được bao quanh bởi cánh rừng xanh và các trang trại, giờ đây Lorong Buangkok được bao quanh bởi một khu nhà ở tư nhân và một cụm căn hộ nhìn ra các khu nhà ở thấp tầng.
Kiên định bảo tồn
Một lý do khác khiến mọi thứ trở nên rõ ràng khi tôi gặp bà chủ của ngôi làng. Đó là một người phụ nữ kiên định với quyết tâm bảo tồn kampong cuối cùng của Singapore.
Bà Sng Mui Hong, gần 70 tuổi, đã sống gần như cả đời mình ở làng. Bà là con út trong gia đình có bốn người con và là người duy nhất còn ở lại.
Người cha đã quá cố của bà, thầy lang bốc thuốc Đông y, mua mảnh đất này vào năm 1956, ngay thời điểm ngôi làng được thành lập và chín năm trước khi Singapore tuyên bố độc lập.
Theo hướng dẫn viên địa phương Kyanta Yap, người dẫn các chuyến tham quan du lịch quanh Lorong Buangkok, thì phần lớn đất của làng được công nhân từ các bệnh viện và đồn điền cao su lân cận thuê – và rất nhiều con cháu của họ vẫn còn sống ở đây.
Hồi đó, tiền thuê nhà hàng tháng cho mỗi ngôi nhà chỉ khoảng từ 4,50 đến 30 đô Singapore (khoảng 2,40 – 16,20 bảng Anh).
Ngày nay, bà Sng vẫn tính phí 25 hộ dân cư của Lorong Buangkok với giá cũ hoặc thậm chí thấp hơn.
Ngược lại, thuê một căn phòng của căn hộ chính phủ với diện tích chỉ bằng một phần mười ngôi nhà của làng có thể đắt hơn tới 20 lần. Và những căn nhà ở phía bên kia con kênh còn có thể được bán với giá lên đến vài triệu đô la Singapore.
Mặc dù ngôi làng hiện đang được đánh giá là nơi có giá cả nhà đất phải chăng nhất ở Singapore, nhưng vẫn không có người mới nào chuyển đến kể từ thập niên 1990, và cũng không có dấu hiệu gì cho thấy rằng việc này sẽ xảy ra trong tương lai gần.
Yap nói với tôi rằng muốn sống ở đây phải đạt điều kiện: ai đó đang sống ở đây phải dọn đi hoặc qua đời thì mới có nhà để cho thuê, và chỉ có những người có quan hệ với dân làng cũ hoặc bây giờ, hay người nhà bà Sng thì mới được xem xét cho thuê.
Kể từ khi Singapore hết lệnh cách ly xã hội vào tháng Sáu năm ngoái, Yap nhận thấy sự quan tâm đến Lorong Buangkok tăng lên đáng kể và những chuyến tham quan cuối tuần của Yap đều nhanh chóng bán sạch vé.
“Cũng không có gì quá bất ngờ bởi vì mùa dịch thì không ai đi đâu được, và đây là một địa điểm du lịch độc đáo của địa phương,” anh nói. “Có rất nhiều người tự đến tìm hiểu; dân chúng, người tập xe đạp, người chạy bộ và thậm chí cả các nhóm kết bạn trên Meetup.”
Yap nói rằng hầu hết mọi người đến để dạo bộ thong thả khắp làng, chụp ảnh kỷ niệm để ghi lại hình ảnh ốc đảo xanh mát hiếm hoi ẩn mình giữa lòng một quốc gia có mức độ đô thị hoá và mật độ dân cư đông thuộc mức đông nhất thế giới.
Yap nói thêm rằng cộng đồng 25 hộ gia đình trong làng vốn gắn bó thân thiết với nhau và sống tách biệt với xã hội hiện đại nay đã dần quen hơn với sự hiếu kỳ của khách tham quan đổ tới đây.
Tuy thể hiện một ký ức khó phai trong tâm hồn nhiều người dân Singapore, nhưng làng Lorong Buangkok còn nhiều ý nghĩa hơn nữa đối với bà Sng.
Bà nhớ lại kỷ niệm ngày nhỏ theo cha đến vùng đất này. Từ cha, bà đã học nghề thuốc và nay bà hết mình chia sẻ với người làng.
Ví dụ như lá của cây lá móng (henna plant) trong làng có thể dùng để làm dịu vết thương chưa lành miệng và vết bỏng, và người làng tin rằng khi ăn vào chúng còn có tác dụng chống viêm loét ruột.
Sng biết rằng hiện bà đang có trong tay một khối bất động sản nhiều người ao ước.
Trong một đất nước mà không gian quá chật hẹp, tấc đất tấc vàng, luôn không thiếu những nhà đầu tư khao khát mua lại ngôi làng.
Thế nhưng sẽ không có bất cứ một lời đề nghị nào có thể thắng nổi lời hứa mà bà Sng đã cam kết với người cha quá cố – bảo tồn làng Lorong Buangkok.
Bà luôn lặp đi lặp lại điều mà bà đã khẳng định qua hàng thập niên, và là điều mà một trong những người anh chị ruột của bà, người thường xuyên quay về thăm làng, nhấn mạnh: chừng nào mà bà còn quản được được mảnh đất này sẽ không bị đem bán.
Vào năm 2014, có đề xuất san bằng ngôi làng để xây một con đường cao tốc, hai trường học và một công viên công cộng.
Mặc dù chính phủ có thể vẫn đang xem xét kế hoạch này, nhưng Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc gia Desmond Lee tuyên bố rằng “không có ý định thực hiện dự án này trong tương lai gần”.
Nhiều người dân Singapore đã lên tiếng phản đối đề xuất trên. Thậm chí có nhiều người còn kêu gọi công nhận làng Lorong Buangkok là một Di sản Thế giới Unesco.
Trước kia, các kampong từng bị chính phủ Singapore cho là “tồi tàn lụp xụp”, nhưng giờ đây, giới chức lại đánh giá cao những di tích thôn dã và nền văn hoá chân quê mà các ngôi làng này đang gìn giữ bảo tồn.
“Làng Lorong Buangkok có thể được giữ lại như một phần của các trường học cho những hoạt động học tập ngoài trời, hoặc tích hợp vào các công viên hay sân chơi trong tương lai,” Giáo sư Intan Mokhtar, cựu chính trị gia và hiện là Phó Giáo sư khoa Chính sách và Lãnh đạo tại Viện Công nghệ Singapore, phân tích. “Hầu như tất cả dân làng đã sống ở đó hơn nửa đời người, và họ xem nhau như người thân trong gia đình.”
Ít nhất, người dân Singapore cũng an tâm vì đã có những lời khẳng định từ chính phủ rằng họ sẽ tiếp cận vấn đề một cách thấu tình đạt lý.
“Trước khi chính phủ hoàn thiện các kế hoạch phát triển cho toàn bộ khu vực, thì chúng tôi sẽ làm việc chặt chẽ với các bên liên quan để đảm bảo các dự án được thực hiện toàn diện và suôn sẻ,” Bộ trưởng Lee từng nói. “Để làm được điều này thì cần có sự hợp tác vững mạnh đến từ những hộ gia đình đang sống ở đó, cần hiểu rõ và lưu ý những nguyện vọng của họ.”
Một trong những người dân sống tại Lorong Buangkok, Nassim, nói với tôi rằng: “Thật tốt khi chính phủ nay đã có thể thấy được tầm quan trọng của ngôi làng chúng tôi.”
“Cần gửi gắm lại một điều gì đó để nhắc nhở những thế hệ trẻ về cách mà đất nước này đã hình thành. Chúng ta vốn xuất thân từ chính những mái chòi bình dị này.”
Nassim nói thêm là thật tốt khi bà Sng, người đã từng sống rất khép kín với người ngoài làng, nay đã chào đón người ngoài đến thăm mảnh đất của bà. “Điều này giúp họ hiểu thêm về chúng tôi và hiểu rằng tại sao Lorong Buangkok cần được bảo tồn.”
Ở Singapore, nơi đất đai là vàng bạc kim cương, sẽ luôn có xung đột giữa việc giữ lại các di sản cổ xưa và việc phát triển cái mới.
Mặc dù hiện tại tương lai của Lorong Buangkok vẫn chưa thể chắc chắn, thế nhưng bảo tồn nó đồng nghĩa với việc lưu giữ và truyền lại một phần cội nguồn, nền văn hoá, và di sản của đất nước cho các thế hệ tương lai – điều cần thiết ngay cả đối với một quốc gia trẻ như Singapore.
nguồn: BBC travel
Có thể bạn muốn xem
9 điều không nên làm trong mùa hè nóng nực
Sự bùng nổ của sách nói tại nhiều quốc gia
Hãy đọc sách cùng con!
Chết giữa mùa hè
Thà cứ một mình rồi quen
Nghệ An ký
Mô hình mới thay đổi thói quen mua sách của người Việt
Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất
Đi tìm vẻ đẹp mong manh và bất tận của văn học Nhật Bản