Lấy bối cảnh miền Tây sông nước, trong tập truyện ngắn Linh đinh tình phù sa (Phương Nam Book và NXB Thế giới) của nhà văn Tống Phước Bảo, nhiều mảnh đời cơ cực hiện lên rõ nét nhưng dù ngặt nghèo, chông chênh cách mấy, thì đâu đó vẫn đượm lên một chữ “tình” mà cơ hồ chẳng ai thoát được.

Chữ tình quấn lấy những nhân vật trong Linh đinh tình phù sa, dắt dìu họ đi qua nỗi buồn, dẫn họ chạm đến niềm vui. Chữ tình khiến họ đắng đót với nỗi đau nhưng cũng là niềm thương để họ bám víu mà sống cho trọn đoạn đời phù sinh. Bởi, người miệt thứ buồn đó rồi lại vui đó, như sóng nước xứ này vơi rồi lại đầy, như phù sa châu thổ muôn đời vẫn dâng người những mùa màng tốt tươi.

Tống Phước Bảo rất xem trọng yếu tố thiên nhiên, anh dùng thiên nhiên để nói lên tâm tư con người. Ngay từ cách đặt tiêu đề, anh đã cho người đọc thấy rõ điều đó. 12 tiêu đề cho 12 truyện ngắn đều lấy những yếu tố thuộc về thiên nhiên, mùa màng để đặt tên: Như lục bình trôiMùa so đũa trổ bôngDòng trôiĐò qua sông vắngCâu hát linh đinhRáng chiều cù laoMây về cố quận

Tập truyện ngắn “Linh đinh tình phù sa” là tác phẩm thứ 7 của nhà văn Tống Phước Bảo

Chính vì vậy, những đoạn miêu tả sông nước trong truyện không đơn thuần là miêu tả phong cảnh để làm tiền đề dẫn nhập vào truyện hay giới thiệu phân cảnh mới; ngược lại, phần nào đó, đã chính là truyện, bởi lẽ từng biến động của sông nước cũng là từng biến động của lòng người.

Sông nước không chỉ đem lại nguồn cảm hứng cho Tống Phước Bảo kể chuyện mà còn thúc đẩy nhà văn tìm cách vận dụng chữ sáng tạo để diễn tả lại một khái niệm quen thuộc. Chẳng hạn như, thay vì viết “tận cùng”, “cuối cùng”, tác giả sẽ lựa chọn viết chữ “cạn cùng” nhiều hơn để diễn tả ý niệm về việc chạm đến điểm kết thúc: “Má bảo thôi cứ vậy mà để má sống khỏe thêm chừng nào hay chừng đó, nhà làm gì có trăm triệu đồng mà chạy chữa, ai rồi cũng tới lúc heo may gõ ngang đời mình, cạn cùng cuộc đời má muốn nằm ở đất quê”.

Trong Linh đinh tình phù sa, Tống Phước Bảo đã vận dụng linh hoạt, nhuần nhuyễn phương ngữ miền Tây nhưng không hề khiến cho độc giả cảm thấy suồng sã; ngược lại, những câu chữ vẫn rất đậm tính văn chương, có sự thể nghiệm sáng tạo trong cách kể chuyện.

Những truyện ngắn thường có lối vào đề trực diện, nhanh gọn, đúng như tính cách thật thà, thẳng thắn của người miền Tây. Chẳng hạn, truyện Như lục bình trôi đã bắt đầu ngay bằng cảnh xung đột, thể hiện được lập tức vấn đề cốt lõi mà nhân vật phải đối diện chỉ bằng một câu văn đơn giản: “Một tối, má Dũng hoảng hồn khi thấy thằng con quấn cái mền, lấy cây son của chị nó tô môi đỏ choét, đứng trong phòng mà múa hát”.

Ở tập truyện ngắn này, Tống Phước Bảo vận dụng lối kể chuyện theo vòng tròn, giống như hình ảnh bạn bè đang ngồi quây quần bên nhau để cùng hàn huyên. Ở đó, có lúc nhân vật lên tiếng (qua những lời thoại), có lúc người viết lên tiếng (qua lời kể và bình), còn người đọc tuy lúc nào cũng im lặng lắng nghe cuộc đối thoại tung hứng đầy tự do, hào sảng giữa người viết và nhân vật nhưng hẳn là trong lòng luôn có những tiếng nói đồng cảm – tiếng nói này tuy vô thanh nhưng sẽ còn vang vọng mãi trong tâm trí kể cả khi những trang cuối cùng của quyển sách đã khép lại từ rất lâu.

Tống Phước Bảo (còn có bút danh Trúc Thiên), là hội viên Hội Nhà văn TPHCM. Trước Linh đinh tình phù sa, anh đã có 6 tác phẩm được xuất bản. Ngoài ra, anh cũng là người có duyên với nhiều giải thưởng như: Giải C Trại sáng tác “Hình ảnh chiến sĩ Cảnh sát Nhân dân”, Bộ Công an, 2022; Giải B giải thưởng “Cây bút vàng”, Bộ Công an, 2021; Tặng thưởng Văn xuôi, tạp chí Văn nghệ Quân đội, 2020; Giải Nhất cuộc thi Tạp bút “Thành phố tôi yêu”, báo Thanh Niên, 2020; Giải Nhất cuộc thi Tạp bút “Quê nhà dấu yêu” báo Áo Trắng, 2020; Giải Nhất cuộc thi Truyện ngắn “Một nửa làm đầy thế giới”, NXB Văn hóa – Văn nghệ, 2019…

nguồn: https://www.sggp.org.vn/linh-dinh-tinh-phu-sa-nhung-phan-nguoi-mien-song-nuoc-post685232.html