Nếu họa sĩ được định danh bằng đường nét, hình khối và màu sắc thì văn nhân được định danh bằng ngôn từ. Và sự đọc là cách duy nhất để hiểu một nhà văn.
Một tác phẩm văn học, dù ở bất cứ thể loại nào: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch… đều là diễn ngôn mang tính cá nhân của tác giả. Con người và cá tính của văn nhân luôn hiện hữu trong những đứa con tinh thần của họ.
Từ lẽ đó, sự đọc với Văn Thành Lê không chỉ để giải trí hay học hỏi tìm tòi. Đọc và nghiền ngẫm con chữ còn là cách để anh hiểu về nhiều thế hệ văn nhân của nền văn học nước nhà.
Tập chân dung văn học Như cánh chim trong mắt của chân trời giống như một cuốn “nhật ký đọc sách” đầy thú vị của Văn Thành Lê. Ở đó, chúng ta sẽ gặp gỡ 25 văn nhân đầy cá tính qua chính những đứa con tinh thần của họ.
Những cuộc gặp qua trang giấy
Thông thường, khi muốn thực hiện một bài kí chân dung, tác giả và nhân vật sẽ có một cuộc gặp gỡ. Chân dung của các văn nhân sẽ hiện hiện lên qua chính lời kể của họ, hoặc những người thân. Nhưng Văn Thành Lê không viết chân dung văn học theo cách ấy.
Những cánh chim trong mắt của chân trời dựng chân dung các nhà văn nổi tiếng qua tác phẩm của họ.
Anh viết chân dung văn học từ chính “vốn đọc” của mình. Bởi trong số 25 nhà văn, nhà thơ được tác giả phác họa trong Như cánh chim trong mắt của chân trời có những người anh chưa một lần gặp mặt. Đó chính là nhà văn Đoàn Giỏi.
Cha đẻ của Đất rừng phương Nam ra đi đã hơn một phần tư thế kỉ. Khi ấy, Văn Thành Lê mới chỉ là cậu bé. Anh biết đến “đại thụ” của văn học thiếu nhi miền Nam qua những trang sách sống mãi cùng năm tháng. Từ những tác phẩm ấy, Văn Thành Lê kể câu chuyện về bậc tiền bối mà anh kính trọng, theo cách của riêng anh.
Những gương mặt được phác họa trong Như cánh chim trong mắt của chân trời đa phần là những văn nhân đương đại. Họ là những người đang sống và miệt mài cùng con chữ.
Giữa Văn Thành Lê và các nhà văn, nhà thơ được anh phác họa trong tập chân dung này, phần nhiều đã có những cuộc gặp gỡ. Nhưng điều đó ít được tác giả đề cập trong những bài viết của mình. Bởi cuộc gặp gỡ lớn nhất giữa anh với tất mọi người đều diễn ra trên trang giấy.
Ngay từ nhan đề của mỗi bài viết, Văn Thành Lê đã làm bật lên cá tính của nhân vật. Cá tính ấy, như “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt “đường văn” của các tác giả. Cá tính khiến những câu chuyện mà họ viết nên trở nên độc đáo và riêng biệt.
Đó là Nguyễn Đình Tú với hình ảnh mới về nhà văn mặc áo lính, một văn nhân quân đội nhưng không bị bó buộc trong hình ảnh người lính nghiêm ngắn, chỉn chu với quân phụ và những câu chuyện chỉ toàn mùi thuốc súng.
Đọc bài kí của Văn Thành Lê, chân dung của một Nguyễn Đình Tú đa chiều, hào sảng và có phần dí dỏm được khắc họa một cách tinh tế và chân thực.
Hay như một Nguyễn Ngọc Thuần sinh động, nhiều chiều, vừa “ngọt ngào, trong trẻo” với Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ và Một thiên nằm mộng.
Cũng trong con người ấy lại có cái “điên khùng và huyễn hoặc” chất đầy những trang viết như: Chuyện tào lao, Về cô gái này, Sinh ra là thế… Vậy mới biết, cá tính trong văn chương không phải là điều thuần nhất. Nó cũng rực rỡ và đang dạng như bảng màu trên tay người họa sĩ.
Chuyện của mình lẩn khuất trong chuyện về người ta
Trong các nhà văn nhà thơ được tác giả Văn Thành Lê nói đến trong cuốn sách của mình, có những cố nhân mà văn chương đã đem đến cho anh và họ một mối duyên gặp gỡ.
Chính họ là những người đã dìu dắt và tiếp lửa cho niềm đam mê sáng tác của Văn Thành Lê.
Tác giả – nhà văn Văn Thành Lê.
Văn Thành Lê cũng là một nhà văn “tay ngang”, anh vốn là một chàng sinh viên sư phạm Sinh học. Người mà nếu đi đúng đường sẽ theo nghiệp gõ đầu trẻ và gắn bó với những câu chuyện về tế bào và quá trình quang hợp.
Nhưng anh là một chàng trai mê đọc sách và luôn muốn kể câu chuyện của riêng mình. Định mệnh với con chữ thôi thúc anh “rẽ ngang” để trở thành một nhà văn.
Trong những câu chuyện kể về người ta, thấp thoáng hình ảnh một chàng trai đầy nhiệt huyết không ngại đường xa đạp xe tới gặp nhà văn Trần Thùy Mai trong một buổi sáng đầu xuân.
Trên trang giấy, niềm vui của một tác giả trẻ được nhà văn Đoàn Thạch Biền “mời đi nhậu” để trò chuyện và tiếp lửa văn chương từ cách đây gần chục năm trời dường như vẫn vẹn nguyên.
Với Như cánh chim trong mắt của chân trời, Văn Thành Lê đã mượn câu thơ của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm để đặt tên cho tập chân dung văn học của mình.
Bởi văn chương là chân trời rộng và mỗi nhà văn như một cánh chim nhỏ, miệt mài thồ chữ. Văn Thành Lê tâm sự anh không tham vọng xây dựng một bức chân dung tròn đầy về bất cứ một nhân vật nào. Vì anh hiểu phác họa chân dung một con người là điều bất khả.
Tập chân dung văn học này chỉ mong như một “đường link” kết nối giữa những nhà văn và người đọc. Tác phẩm đem đến cho độc giả, một cái nhìn đa chiều hơn về chặng đường sáng tác của các nhà văn, nhà thơ đến hiện tại.
Có lẽ, do được viết từ chính cái nhìn của một “độc giả đặc biệt” với đầy trân trọng và say mê nên mỗi bài viết đều mang dáng dấp của những cuộc trò chuyện gần gũi. Tác phẩm do đó cứ thế tự nhiên đi vào lòng người.
Thụy Oanh/zing.vn
Có thể bạn muốn xem
Trạng nguyên khai khoa của Đại Việt đòi đất từ nhà Tống
Miền Đất Hứa – Tự truyện của Barack Obama
Tập văn liệu về biển đảo trong nghìn năm lịch sử dân tộc
Đa dạng sách hè cho thiếu nhi
Ai đó chạy cùng ta
Gốm Chăm
1491: Những Khám Phá Mới Về Châu Mỹ Thời Kỳ Tiền Columbus
Để đời xanh mát hãy đắp vun chiếc bát ngôn từ
Hạnh phúc tùy cách nhìn