Cuốn sách đưa ra những công thức các món ăn đậm chất Việt Nam từ khắp các vùng miền theo phong cách thực dưỡng. Đồng thời cũng là lời tâm sự của một người phụ nữ Việt, một người mẹ, một người vợ với mong muốn đem đến những bữa ăn an lành và bổ dưỡng cho gia đình mình. Từ đó cuốn sách truyền cảm hứng cho chúng ta về việc sống thuận tự nhiên, yêu thương và trân quý những điều giản dị thường ngày để có thể an lành từ bữa ăn cho đến đời sống.

Trong những trang văn đầu tiên, tác giả Xuân Phương đã chân thành chia sẻ: “Có thể nói Nếm vị an nhiên là một hành trình tuyệt vời với những khám phá vô cùng thú vị trong cuộc đời mình. Từ giây phút đầu tiên khi mình thai ngén nó cho đến lúc này đây, thấm thoát cũng đã hơn năm năm rồi, một thời gian không ngắn cũng không dài, đủ để nó chính thức được hoàn thiện. Mặc dù có thể một số nội dung và hình ảnh chưa được trọn vẹn lắm, nhưng với mình nó đã tròn đầy sự ấp ủ và yêu thương, nó đã tròn đủ sự góp nhặt và biểu hiện qua nhiều năm tháng. Đây thực sự không phải là cuốn sách của mình, chỉ là nó được góp nhặt và ghi chép lại theo cách riêng của mình mà thôi.

Mình đã luôn ý thức để có thể ghi chép nó một cách cẩn trọng và chân thật nhất. Mỗi giây phút khi mình viết cũng là cơ hội cho mình thực hành quan sát và chia sẻ với tâm hoan hỷ, khiêm nhường. Mỗi giây phút khi mình nấu cũng là cơ hội cho mình thực hành sự bình thản với đầy đủ tình yêu thương. Mỗi giây phút trong suốt hành trình này đều là cơ hội cho mình rèn luyện và thực hành sống tỉnh thức, an vui.

Mong sao có thể trao tặng nguồn năng lượng an lành này đến cho tất cả mọi người. Đặc biệt là bạn, người có nhân duyên gặp gỡ mình và đang hiện hữu cùng với NẾM VỊ AN NHIÊN ở đây, ngay lúc này. Chúng mình sẽ cùng nhau trải nghiệm sự tươi mát trong từng món ăn và lan tỏa tình yêu làm bếp đến cho tất cả nhé!”

Trích đoạn nội dung:

  1. Nhớ lại ngày trước, khi cả nhà mình mới chuyển sang ăn chay, gia đình, người thân và bạn bè đều rất lo lắng. Họ thường xuyên thăm hỏi vì lẽ “Tại sao nhiều người ăn chay lâu năm mà vẫn ốm yếu và bệnh tật suốt?” Lúc ấy, mình cũng còn loay hoay lắm, vì sự thật đúng như họ nói, và ngay cả gia đình mình cũng chưa hoàn toàn khỏe mạnh với chế độ ăn thuần chay như thế. Tại thời điểm đó mình thực sự lúng túng và chưa có câu trả lời rõ ràng cho việc này. Làm thế nào để thân tâm mình luôn được vui khỏe và an lành nhỉ… Mãi cho đến một ngày khi được bén duyên với THỰC DƯỠNG, mình mới có được cái hiểu chân thật về cách ăn đúng, về thức ăn đúng dành cho con người.

Có lẽ đa số chúng ta đã từng nghe qua hoặc biết rất rõ về THỰC DƯỠNG. Đã có rất nhiều tài liệu, sách của tiên sinh Ohsawa và các vị tiền bối, chúng ta có thể tìm đọc và thực hành để bắt đầu hoặc tiếp tục cuộc hành trình này. Và mình cũng như vậy, mình chỉ là một đứa trẻ đang chập chững bước đi rồi thực tập chia sẻ lại những câu chuyện, mối nhân duyên trên con đường trở về với những gì tự nhiên và chân thật nhất. Bởi lẽ tự nhiên là quy luật bất biến của vũ trụ, tự nhiên vốn rất kì diệu và luôn sẵn sàng.

  1. Từ trước đến nay và cho mãi về sau, thế giới nhân tạo vẫn không ngừng tạo tác, khai quật và học hỏi từ thiên nhiên để có thể có những phát minh mà họ cho là tiên tiến nhất. Vậy cớ sao chúng ta cứ mãi chạy theo nó, theo công nghệ và hiện đại? Thay vì như thế, chỉ cần trở về với tự nhiên, ngay lập tức chúng ta sẽ có mặt ở một nền văn minh trường tồn nhất theo thời gian, phải vậy không? Một nền văn minh thực sự, đúng với bản chất của nó sẽ luôn có mặt khi chúng ta sống thuận theo dòng chảy của tự nhiên, khi chúng ta lắng nghe và hòa hợp thành một với thiên nhiên, khi chúng ta luôn thực tập để trở về với những gì tự nhiên nhất trong từng cách sống, cả từ hơi thở cho đến cách chúng ta ăn uống. Chúng ta sẽ cùng nhau thực hành để có thể sống như thế, để có thể chỉ sử dụng nguồn lực mà đất trời trao tặng, để có thể chỉ sử dụng nguồn thực phẩm tự nhiên và an lành mà thôi.
  2. Trở lại câu chuyện về nguồn thực phẩm, chắc chắn thức ăn chính của chúng ta là GẠO, thức ăn phụ là rau củ bản địa. Tại sao lại là bản địa? Vì cơ thể và môi trường sống của chúng ta vốn không tách rời, “THÂN THỔ BẤT NHỊ”. Tại sao ở vùng đất này chúng ta đều có tóc đen da vàng? Rồi ở xứ sở xa xôi khác người ta lại tóc nâu da trắng? Mọi thứ trên mảnh đất mà chúng ta sinh sống từ không khí, thời tiết đến thức ăn vốn dĩ đã hòa hợp với thể trạng riêng của mình rồi, tất cả các yếu tố bên ngoài và bên trong chúng ta luôn là một tổng thể hoàn chỉnh không thiếu xót. Vì thế chúng ta không thể tách rời nguồn nước và thức ăn ở nơi đây được. Chúng ta chỉ nên sử dụng thực phẩm trong phạm vi 1000 km trở lại, đây chính là thức ăn phù hợp với cấu trúc cơ thể vật lý của chúng ta. Luôn nhớ, chúng ta vẫn đang trên hành trình trở về với thiên nhiên. Vì vậy chắc chắn những thực phẩm mà chúng ta sử dụng đều nên được trồng hoặc tạo ra một cách tự nhiên và gần gũi nhất, đó chắc chắn sẽ là nguồn thực phẩm an lành và mang tính nuôi dưỡng.
  3. Chúng ta chỉ nên sử dụng rau sạch hữu cơ, hoặc rau tự trồng thì càng tốt. Hãy cùng nhau thực hành trồng rau làm vườn để có thêm cơ hội quan sát và hiểu về thiên nhiên, đặc biệt là cho các bạn nhỏ. Khi biết được cách gieo hạt, cách chăm sóc và đồng hành với quá trình lớn lên của một vườn cây, các bạn ấy sẽ hiểu hơn về sự vận hành của thiên nhiên, hiểu hơn về công phu lao tác của các bác nông dân. Một cách tự nhiên, các bạn ấy sẽ biết trân quý thức ăn và tự mình có ý thức không lãng phí hoặc bỏ đi một miếng rau củ nào. Với sự thực tập mỗi ngày như thế, “lòng biết ơn” của các bạn ấy sẽ ngày càng tăng trưởng. Việc này vô cùng quan trọng vì khi có lòng biết ơn, chúng ta sẽ luôn biết đủ và quý trọng mọi thứ mình đang có, chúng ta sẽ thôi đi những mong cầu để luôn cảm thấy hạnh phúc và sống trọn vẹn với thực tại.

Do vậy, việc tự trồng cây cũng như việc tự mình làm, tự mình sáng tạo… sẽ giúp chúng ta hiểu rõ về bản chất của mọi việc, sẽ giúp chúng ta biết yêu quý cuộc sống và trưởng thành hơn rất nhiều. Trong việc nấu ăn cũng thế, chúng ta nên tự mình chế biến thức ăn, nguyên liệu và gia vị cho các món ăn, tuyệt đối không nên dùng những thực phẩm sẵn có, đồ đóng gói, sản phẩm công nghiệp hay những sản phẩm có hóa chất như chất điều vị, chất bảo quản, chất tạo mùi, chất phụ gia…