Bắt đầu từ thế kỷ thứ 2 sau Công Nguyên, Phật giáo dần được truyền nhập vào Trung Hoa một cách rời rạc không hoàn chỉnh do sự cách biệt về ngôn ngữ. Sang đến thế kỷ thứ 3, các nhà dịch thuật mới bắt đầu xuất hiện. Người ta thường cho rằng Phật giáo được truyền vào Trung Hoa qua vùng Trung Á, nhưng còn có một con đường khác mà ít người biết tới hơn, đó là con đường từ Giao Chỉ tới Đông Ngô.
Vào thế kỷ thứ 5 và thứ 6, có rất nhiều cái tên nổi bật và quen thuộc của Phật giáo xuất hiện ở Trung Hoa, như Bồ Đề Đạt Ma, Đường Tam Tạng. Tuy nhiên, trước các ông, Phật giáo nơi đây đã chứng kiến sự đóng góp của nhiều cao tăng khác từ tận thế kỷ thứ 3, thứ 4. Và một người nổi bật trong số đó chính là thiền sư Tăng Khương Hội, một vị thiền sư sinh ra ở Giao Chỉ, có ảnh hưởng lớn tới cả Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Đông Ngô.
Theo cuốn “Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam” của Lê Mạnh Thát thì cha Khương Tăng Hội là người nước Khương Cư (Sogdiana) nằm giữa hai sông Amu Darya và Syr Darya (ngày nay nằm ở vùng biên giới Afganistan, Uzbekistan và Tajikistan) đến Giao Châu buôn bán, còn mẹ ông là người Việt. Cũng có nguồn cho rằng cha mẹ ông đều là người nước Khương Cư.
Khương Tăng Hội sinh ra và lớn lên ở Giao Chỉ. Đến năm ông lên 10 tuổi thì cha mẹ qua đời. Ông liền xuất gia và chuyên tâm tu luyện. Trong quá trình đó, Khương Tăng Hội cũng xây dựng đạo tràng, huấn luyện đồ chúng, phiên dịch kinh sách. Tương truyền rằng trung tâm của Phật giáo Giao Chỉ thời bấy giờ được lập ở chùa Diên Ứng, còn gọi là chùa Dâu hay chùa Pháp Vân, ở thủ phủ Luy Lâu (Bắc Ninh ngày nay).
Do giỏi cả tiếng Phạn lẫn tiếng Hán, Khương Tăng Hội quyết định qua đất Trung Hoa truyền đạo. Năm 247, ông đến Kiến Nghiệp, là kinh đô của Đông Ngô (nay là Nam Kinh, Trung Quốc), tiếng tăm vang khắp chốn.
Vua nước Ngô khi đó là Tôn Quyền vốn không tin Phật Pháp, nên gọi Khương Tăng Hội tới chất vấn.
Để chứng tỏ sự màu nhiệm của Phật Pháp, Khương Tăng Hội đã xin vua thời gian 7 ngày để cầu xá lợi. Tôn Quyền đồng ý. Khương Tăng Hội cầu 7 ngày không được, lại xin thêm 7 ngày nữa, vua cũng chấp thuận. Nhưng Phật Pháp vẫn không hiển linh. Khi vua chuẩn bị giáng tội, thì Khương Tăng Hội lại tiếp tục cầu 7 ngày. Và lần này, ông đã thực sự cầu được xá lợi.
Tôn Quyền lấy làm kỳ lạ trước xá lợi phát sáng thần kỳ, bèn sai người đem đi thử. Kết quả xá lợi lửa đốt không cháy, búa đập không vỡ, bất khả xâm phạm. Bấy giờ Tôn Quyền mới tin, thành tâm nghe Khương Tăng Hội thuyết pháp. Ông cũng cho phép Khương Tăng Hội được xây dựng đạo tràng, từ đó Phật giáo phát triển tại Đông Ngô.
Cũng tương truyền rằng, xá lợi mà Khương Tăng Hội cầu được là xá lợi hiển linh đầu tiên xuất hiện trên vùng đất Trung Hoa.
Trần Hưng
Nguồn: trithucvn
Có thể bạn muốn xem
NXB Trẻ phát hành “Cẩm nang khuyến đọc” gửi tặng độc giả
“Người Hà Nội: Chuyện ăn chuyện uống một thời” vào đề cử giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội
Tuyến hỏa xa ngầm
Hướng Nghiệp Trong Thời Đại 4.0
Miền sương tản phố
Lời răn của người xưa: “Người sợ nổi danh, heo sợ béo”
BIẾN MỌI THỨ THÀNH TIỀN
‘Flow’ Experiences – trải nghiệm dòng chảy
Cây bàng mùa xuân