Mùa gặt bao giờ cũng vào mùa nắng. Bởi gặt xong rồi thì phải phơi thóc, phơi rơm. Những năm tôi thơ bé, người quê chẳng bỏ thứ gì từ cây lúa. Sau khi tuốt lúa, rơm lúc đó còn nguyên cuống rạ sẽ được dựng dọc hoặc chất đống đâu đó trong sân, góc tường hoặc quẳng cả ngoài đường.
Vào cữ gặt chạy mưa bão, thóc được mang đi hong, đi quạt, sấy, rơm đắp đống chờ phơi. Từ cuống rạ, đôi ba mầm lúa non vẫn chồi lên. Tôi và bọn trẻ con hàng xóm hay lẩn mẩn bóc những thân rạ ấy ra. Mầm lúa non ram ráp nhưng nhai kỹ cũng ngòn ngọt. Đốt rơm còn tươi bóc khéo vàng sọng như đốt mía bói, nhai bã ra chít lấy nước vừa đỡ buồn mồm mà lại như có nước đường.
Cả buổi sáng bốn, năm đứa quần trên đống rạ, thể nào trưa về cũng có đứa bị đòn vì tội các bó rạ tung hết cả ra, làm đà cho lũ gà xông vào mót nốt những hạt thóc lép rồi bĩnh cả vào đó.
Khi ngày mưa hết, rơm được xổ ra đường. Lũ trẻ chúng tôi cũng phóng tế ra sau những ngày tù cẳng. Khắp làng trên xóm dưới, khắp các ngõ ngách, đường đê, thậm chí cả bờ ruộng, cả bờ tường, cành cây cao đều có sự hiện diện của rơm. Trong cái nắng chói lói của tháng 5, tháng 6, hơi nước từ rơm bốc lên với mùi ai ải không làm cho chúng tôi khó chịu mà còn thích thú ra trò.
Rơm như thiên đường với lũ trẻ. Tha hồ chạy đuổi nhau khắp chốn cùng nơi, thích chí hoặc mệt cứ việc ngã lăn ra. Thảm rơm dày ở dưới đã đỡ êm ơi là êm. Chạy chán lại hò nhau vác rơm dồn lại thành đống lớn mà nhún nhảy chồm chồm. Có những lúc còn bày trò chơi trốn tìm quanh các ụ rơm. Đứa nào đứa nấy chui hết xuống dưới, lấy rơm phủ lên mình, nằm yên hồi hộp nghe tiếng bước chân đến gần.
Đứa đi tìm có lúc chơi khăm, cứ thẳng chân mà nhảy lên chỗ rơm phồng cao cho đứa ở dưới kêu oai oái. Cũng có khi nó bỏ về nhà làm bát cháo hay củ khoai nướng rồi quên khuấy cuộc chơi, mặc cho đứa đi trốn cứ phì phò thở dưới lớp rơm ngứa ngáy. Làng cả ngày chỉ có vài chiếc xe đạp phóng qua nên có ngủ luôn ở giữa đường cũng chẳng phải bận lòng.
Ngày trước mặt đê còn là đất, rệ đê xanh rì những cỏ nhưng do mưa xói mòn nên ngoằn nghoèo mấp mô chẳng ai dám đi. Dốc đê ai đi không khéo còn ngã. Khi rơm trải khắp làng, trẻ con chỗ nào cũng bệt mông xuống. Đê cao sừng sững, từ mặt đê đến chân đê có khi cả chục mét. Có rơm rồi, a lê hấp, cứ thế mà trượt xuống.
Từng đám, từng đám cười như nắc nẻ, va vào nhau ngã lộn tùng phèo. Cả con Ki, con Mực cũng quấn quýt chạy ra, nhảy lên sủa ủng oẳng vui như hội. Suốt từ sáng cho đến tối, đầu tóc quần áo đứa nào cũng rối bù, dính cả những cọng rơm. Trong giấc ngủ say nồng đêm hè có đứa còn ngủ mê cười khanh khách.
Vào những buổi chiều cơn dông bất chợt ập đến, đứng trên đê nhìn xa phía chân trời đằng Tây trời còn nắng chói chang nhưng đằng Đông sấm chớp dồn như vỡ trận. Từng đụn mây đùn đủ sắc màu như những tòa cao ốc khổng lồ chực đổ sập xuống đầu. Cả làng hô nhau chạy rơm. Chân chạy sầm sập, gọi nhau í ới, quát tháo thúc giục nhau cuống quýt khi gió mỗi lúc một mạnh. Từng cuộn rơm khổng lồ to bằng cái nong được chằng bẹp lại kéo về các sân, che đậy bằng những tấm cót chèn vài hòn đá lên cũng là lúc gió ném xuống từng hạt mưa to như quả cà. Bọn trẻ chúng tôi lại khoái mưa đến mau hơn, khi chưa dọn xong. Đó là cái cớ để vừa ôm từng bó rơm vừa nhảy múa tưng bừng tắm mưa bất chấp sấm chớp nổ vang trời đây đó.
Rơm phơi khô cong là lúc tôi mè nheo đòi bà tết cho con gà. Bàn tay xù xì thô ráp những đồi mồi của bà rút, kéo một lúc thế nào mà cái đầu con gà trống đã hiện ra từ những sợi rơm vàng óng nuột nà. Con gà ấy thể nào tôi cũng giữ khư khư rồi bỏ quên chỗ nào không nhớ, khóc sưng mắt. Bà sẽ lại tết cho tôi một con từ bó sợi rơm nếp được bà tuốt đều tăm tắp treo ở ngoài hè dùng để bện chổi hay làm lạt buộc.
Sợi rơm mềm mại nhưng lại rất dai vặn xoắn quanh miếng đường gói bằng lá chuối khô để trên gác bếp cả năm không hỏng, khi nào khóc quá mà không có cái dỗ bà lại bỏ xuống chặt cho tôi một miếng. Sợi rơm buộc túm quanh gói kẹo bột, kẹo chó, bi don don là quà tôi hớn hở đợi chờ mỗi khi bà đi chợ về. Món thịt chuột đồng chuột bãi béo mẫm mà không được thui bằng rơm thì chẳng thể nào toát lên cái mùi thơm béo ngậy tứa mỡ trên lớp da vàng xộm.
Chúng tôi bắt được con cào cào, châu chấu chỉ lùi vào nắm rơm vào bếp tro thổi phù phù lửa lên nướng là đã có món ăn ngon lành. Tro rơm nhanh tàn vậy mà lại ủ khoai tây, khoai lang nướng vừa khéo không cháy khét để bất cứ lúc nào đói cũng có thể guồng cẳng chạy về bới lên ăn rồi lại nhổng đi khắp làng.
Nhớ rơm tôi còn nhớ cả những cây rơm. Sau này lớn lên và đi qua các làng quê Bắc bộ tôi mới cảm nhận rõ, không chỉ là chỗ tích trữ chất đốt, cây rơm còn là một tác phẩm nghệ thuật của “người nghệ sĩ nông dân” tạo nên một cách rất ngẫu nhiên cho không gian sống của mình. Ngôi nhà ngói, cây mít, mảnh vườn quê đầy tre chuối nào đó sẽ chẳng thể đẹp đến nao lòng khi không có những cây rơm. Màu vàng ươm đặc trưng, chỗ xỉn màu là chỗ mưa nắng theo thời gian làm sáng lên cả không gian trầm ngâm khói cũ.
Mỗi vùng quê cây rơm có một hình dáng khác nhau. Quê tôi cây rơm thường cao chót vót và phần mái rất nhọn. Thường thì những chỗ rơm rút nhiều sẽ hõm vào tạo thành một cái hốc mà có khi cả đứa trẻ con lẫn con chó thân thiết có thể ôm nhau ngủ khoèo trong đó mặc người lớn ra rả gọi tìm.
Tôi thì thích chí nhất ở đống rơm đấy là thi thoảng lại bắt được trứng của những con gà đẻ lang không chịu đẻ vào ổ của mình. Mà có khi chúng muốn giấu trứng vào đó nhưng vẫn bị tôi tìm ra cũng nên. Cây rơm vào dịp tháng chớm đông đã dùng được kha khá khiến phần trên mái xòe ra như cây nấm còn là chỗ che mưa che gió khiến tôi và đám bạn ngồi chơi cả buổi mà vẫn không thấy chán.
Bây giờ đi qua mỗi cánh đồng mùa gặt tôi thấy nhớ tuổi thơ xa quá. Về làng mà bước chân không được sục vào rơm, bánh xe không được nghẽn lại vì rơm, không còn mùi khói bếp thơm thơm, bên nóc nhà ngói thâm nâu không còn cây rơm đứng im lìm cùng những tàu lá chuối vẫy, tự dưng thấy nhớ rơm vàng xưa cũ quá đỗi.
Rơm như thiên đường với lũ trẻ. Tha hồ chạy đuổi nhau khắp chốn cùng nơi, thích chí hoặc mệt cứ việc ngã lăn ra. Thảm rơm dày ở dưới đã đỡ êm ơi là êm. Chạy chán lại hò nhau vác rơm dồn lại thành đống lớn mà nhún nhảy chồm chồm. Có những lúc còn bày trò chơi trốn tìm quanh các ụ rơm. Đứa nào đứa nấy chui hết xuống dưới, lấy rơm phủ lên mình, nằm yên hồi hộp nghe tiếng bước chân đến gần.
nguồn: Như Trang/http://daidoanket.vn/rom-vang-ngay-cu-5721536.html
Có thể bạn muốn xem
Nghệ thuật lãnh đạo
Hương đen làng Chóa – Nơi lưu giữ tinh hoa giá trị truyền thống
Vở ballet: Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ ngọt ngào đêm Giáng Sinh
Đường sách TP Hồ Chí Minh mừng đón tuổi lên 3
Nhà có nhiều sách, trẻ em sẽ sở hữu những kỹ năng quan trọng
Sở Mật vụ Mỹ huấn luyện nhân viên lái xe hộ tống Tổng thống ra sao?
Thay đổi hay là chết
Bây giờ mình đi đâu
Đất nước tôi và thế giới – Hồi tưởng & suy ngẫm II