Tiền giấy ‘không yêu dân’ của Hồ Quý Ly

Tiền giấy Thông Bảo Hội Sao là một chính sách kinh tế lớn của Hồ Quý Ly. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy sự áp chế của ông khi thực hiện chính sách này.

In thời Trần, tính công thời Hồ

Khi nhóm tác giả cuốn Lịch sử đồng tiền VN (NXB Hồng Đức, 2021) thực hiện cuốn sách, họ đã mau chóng thống nhất về việc tiền giấy Thông Bảo Hội Sao được tính là đồng tiền của thời Trần hay thời Hồ. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, đồng tiền này được in vào thời Trần Thuận Tông. “Tiền giấy Thông Bảo Hội Sao theo ghi chép của sử biên niên, đó là sản phẩm thuộc về thành tựu của vương triều Trần, do Hồ Quý Ly khởi xướng khi ông nắm nhiều quyền bính của vương triều trong tay. Tuy nhiên ở vương triều Trần, loại tiền giấy này chưa được lưu hành. Triều Hồ mới lưu hành rộng rãi. Do đó, chúng tôi xếp tiền giấy Thông Bảo Hội Sao vào triều Hồ”, sách Lịch sử đồng tiền VN nêu.

GS Đỗ Văn Ninh (Viện Khảo cổ học VN) cũng cho rằng bàn về tiền tệ thời Hồ thì không nên theo thông lệ. Có nghĩa là không nên bắt đầu từ đồng tiền đầu tiên ban hành dưới triều Hồ mà bắt đầu từ loại tiền Thông Bảo Hội Sao vốn ban hành 4 năm trước khi triều Hồ chính thức ra đời. “Nhiều nhà nghiên cứu trước đó cũng nhìn nhận vấn đề như vậy. Các tác giả Trương Hữu Quýnh, Dương Minh, Trần Văn Khang… khi thảo luận về nhân vật Hồ Quý Ly đều coi việc phát hành tiền giấy Thông Bảo Hội Sao là một chính sách cải cách của Hồ Quý Ly”, GS Đỗ Văn Ninh viết.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mùa hạ, tháng 4 năm Bính Tý, niên hiệu Quang Thái năm thứ 9 (1396) bắt đầu phát hành tiền giấy Thông Bảo Hội Sao”. GS Đỗ Văn Ninh cho biết từ năm 1396 cho tới ngày cuối của triều Trần, tiền đồng mang niên hiệu của vua Trần không có. Khi phát hành tiền, Hồ Quý Ly giữ chức Nhập nội phụ chính Thái sư Bình chương quân quốc trọng sự, đeo lân phù bằng vàng, quyền hành lớn nhất trong triều, quyết định mọi việc lớn nhỏ.

Tiền Thông Bảo Hội Sao được sử sách mô tả với các hình vẽ tương đương giá trị khác nhau. Giấy 10 đồng vẽ rau rong. Giấy 3 tiền vẽ sóng. Giấy 1 tiền vẽ mây. Giấy 2 tiền vẽ rùa. Giấy 3 tiền vẽ lân. Giấy 5 tiền vẽ phụng. Giấy 1 quan vẽ rồng…

Những đồng tiền đúc Thánh Nguyên Thông Bảo thời Hồ
ẢNH TƯ LIỆU TRONG CUỐN LỊCH SỬ ĐỒNG TIỀN VIỆT NAM

Không có ý “yêu dân”

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, khi tiền Thông Bảo Hội Sao in xong, triều đình cho người đem tiền đi đổi. Cứ một quan tiền đồng đổi lấy tiền giấy 1 quan 2 tiền. Ai làm giả tiền giấy phải tội chết, tịch thu điền sản vào nhà nước. Cấm hẳn việc chứa tiền đồng và thu lại tại Ngao trì ở kinh thành và ở trị sở các xứ.

Việc này được GS Đỗ Văn Ninh lý giải theo hướng Hồ Quý Ly đã bắt chước việc phát hành tiền giấy ở Trung Quốc, nhưng áp dụng ở ta vào lúc cơ sở kinh tế và thương mại chưa đòi hỏi. Chính vì nhà nước áp đặt vượt ra ngoài quy luật phát triển của kinh tế nên phải kèm theo sự cưỡng bức của pháp luật mới giữ cho đồng tiền sống nổi.

GS Đỗ Văn Ninh còn cho rằng tiền giấy Thông Bảo Hội Sao của Hồ Quý Ly đã gây thêm khó khăn cho đời sống, gây thêm mối lo cho nhân dân. Tuy nhiên, triều đình lại giải quyết được nguy cơ kho tàng trống rỗng. Điều đó cho phép họ Hồ, trong một thời gian ngắn ngủi có tiền để xây dựng một quân đội lớn cùng những công trình cũng rất to lớn mà nhiều thời khác không làm nổi. Thành nhà Hồ với quy mô lớn, như nhiều người đã biết, đã được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới.

Tuy nhiên, triều Hồ cũng có tiền đồng. Năm 1400, bên cạnh tiền giấy Thông Bảo Hội Sao, nhà Hồ cũng đúc tiền Thánh Nguyên Thông Bảo. Khảo cổ học đã phát hiện những đồng tiền mang niên hiệu Thánh Nguyên này (Thánh Nguyên là niên hiệu của Hồ Quý Ly). Với đường kính từ 19 – 21 mm, đây được coi là tiền đúc nhỏ nhất trong tiền cổ VN.

Về đồng tiền Thánh Nguyên Thông Bảo, sách Lịch sử đồng tiền VN cho rằng tiền đúc chủ yếu mang tính biểu trưng, số lượng rất ít và hiếm, có thể loại tiền này không đưa vào lưu thông. Trong khi đó, sách Tiền cổ VN (NXB Khoa học xã hội, 2019) lại cho rằng trong khi thúc đẩy cả nước tiêu tiền giấy, nhà Hồ vẫn cho đúc tiền đồng. Việc này một phần do theo lệ thường để chính thức hóa niên hiệu, phần khác vì phải đáp ứng chi tiêu buộc phải dùng tiền đúc, chẳng hạn như ngoại thương.

Theo GS Đỗ Văn Ninh, triều Hồ vừa mất, tiền giấy cũng mất theo lập tức. Vua Lê Thái Tổ ngay năm thứ hai của vương triều (1429) đã truyền cho các quan bàn phép dùng tiền. Trong lời chiếu của vua có đoạn có người dâng thư xin lấy tiền giấy thay cho tiền thực. Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú chép nhà vua có chiếu: “Tiền giấy là vật vô dụng mà cho lưu hành ở trong dân hữu dụng, thực không phải là cái ý yêu dân dùng của”. Sau đó, tiền giấy không xuất hiện vào thời Lê nữa.