Những chuyện lạ ở Tokyo (Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn ấn hành, Vương Hải Yến chuyển ngữ) là tập truyện ngắn mang đến không gian văn chương hư ảo vừa được ra mắt của Haruki Murakami.
Ngẫu nhiên và kỳ lạ
Ra mắt sau thành công lớn của cuốn tiểu thuyết Kafka bên bờ biển, Những chuyện lạ của Tokyo như tác giả chia sẻ, được viết trong một bối cảnh đặc biệt. Ông nói: “Năm 2005… lần đầu sau một thời gian dài tôi bỗng có một khao khát mãnh liệt là muốn viết một chùm truyện ngắn. Khao khát ấy tóm lấy tôi, có thể nói là như thế. Vậy là tôi ngồi xuống bàn, viết mỗi tuần một truyện, và viết 5 truyện chưa đầy 1 tháng. Thành thật là tôi không thể nghĩ gì khác ngoài chúng, và tôi viết gần như không nghỉ”.
Hệt như tiêu đề, cả 5 truyện ngắn trong tác phẩm này đều chứa trong mình những diễn biến lạ, góp phần định hình phong cách của vị nhà văn. Đó là những cuộc gặp gỡ tình cờ, những sự biến mất kỳ lạ hay các tình tiết bất khả lý giải… Chúng được viết gần như độc lập và có thể đọc từng truyện riêng lẻ. Cách viết của ông cũng rất lý thú, khi chọn ra 3 từ khóa bất kỳ cho mỗi truyện ngắn và tiến hành viết từ điểm mốc này. Do đó giống với Những người đàn ông không có đàn bà, đa số những truyện ngắn này đều được viết từ trí tưởng tượng, thay vì có phần tự truyện như tập Ngôi thứ nhất số ít ra mắt sau này.
Trong đó Lữ khách tình cờ là truyện đậm tính cá nhân nhất của nhà văn, không chỉ trong cách dẫn chuyện đậm tính kịch nghệ mà ông từng được đào tạo, mà còn ở những chi tiết thiên về nhạc jazz, cũng như trải nghiệm khi ông trở thành nhà văn lưu trú ở Mỹ. Với truyện ngắn này, ông đã viết về sự ngẫu nhiên, trùng hợp, và vai trò của nó trong cuộc sống chúng ta. Chẳng hạn khi đi nghe jazz ở một sân khấu, Murakami đã rất bất ngờ khi 2 bài hát không mấy nổi tiếng mà mình yêu thích và muốn được nghe lại được trình diễn, mặc cho xác suất điều ấy xảy ra gần như bằng 0. Cũng là một trùng hợp khác khi ông đi vào cửa hàng đĩa than và mua được đĩa 10 to 4 at the 5 Spot vào đúng lúc 4 giờ kém 10 như tên đĩa nhạc…
Sự kỳ lạ ấy cũng sẽ được thấy ở truyện ngắn Tại nơi mà dường như tôi có thể tìm ra thứ ấy ở bất cứ đâu, khi Murakami trong vai một thám tử tư đã điều tra về một người đàn ông cứ thế mất tích vào một ngày nọ giữa cầu thang tầng 24 và tầng 26 ở tòa chung cư mà mình đang sống. Sau khi tìm hiểu nhưng không có chuyển biến gì, vào một ngày nọ, người đàn ông ấy trở về nhưng bất khả nhớ những gì xảy ra trong thời gian đó, như cổng thời gian mở ra còn tâm trí mình thì bị hút sạch… Qua đó, tác giả như ngầm ý nói những con người đô thị mải mê tìm kiếm những thứ không thực, để rồi cuối cùng cũng không thể biết đâu mới là động cơ khiến mình đã sống như một cỗ máy từ trước đến nay.
Tất cả những câu chuyện này có phần nào đó cho ta thấy một Murakami thấm nhuần ý tưởng Đông phương, về các quan niệm như dung thông, tương tức, trùng trùng duyên khởi hay cõi hư vô, cảm giác buông bỏ… Tuy trưởng thành và sớm cách ly khỏi văn hóa truyền thống, nhưng các truyện này đã cho ta thấy một phần nào đó có sự kết nối giữa ông với cội nguồn của bản thân mình.
Xoa dịu những tâm hồn đô thị
Ẩn sâu trong các truyện ngắn, ta luôn thấy được một sự nhẹ nhàng mang tính chữa lành mà vị nhà văn luôn muốn gửi gắm. Chẳng hạn trong truyện Lữ khách tình cờ, bên cạnh câu chuyện của mình thì Murakami cũng kể về sự ngẫu nhiên giữa 2 con người khi họ tình cờ gặp nhau trong một trung tâm thương mại vắng vẻ, cùng đọc một cuốn sách và rồi trở nên thân thiết với nhau. Điều bất ngờ là người phụ nữ ấy giống hệt chị gái của người còn lại – người đã không còn liên lạc với em trai mình từ khi lập gia đình, và những gì mà “người thế thân” trải qua cũng đồng xảy ra với người chị gái, từ đó 2 người tìm ra được sự hòa giải, thấu hiểu cho nhau.
Hay trong Vịnh Hanalei, đó là một bà mẹ Nhật có con trai bị cá mập tấn công và qua đời khi đang lướt sóng ở Mỹ. Cứ thế, cuộc đời của chị như một vòng lặp, khi mà mỗi năm sẽ lại đến vịnh để nhớ về người đã khuất. Tại đó chị cũng gặp được 2 chàng trai trẻ đồng hương ngờ nghệch, để rồi từ đây mà từng nấc thang diễn biến nội tâm xảy ra, đi từ cay nghiệt, hoài nghi cho đến chấp nhận và dần buông bỏ… Chính bởi điều đó giúp ta hiểu rằng thời gian rồi sẽ chữa lành tất cả mọi thứ, và qua hình bóng của người mới đến, chị đã dần hiểu về tuổi mới lớn của cậu con trai, và thấy mình tha thứ được cho những khúc mắc cũ.
Tập truyện lần này cũng chứa đựng mẫu chuyện đầu tiên về khỉ Shinagawa, một nhân vật cũng rất biểu tượng của Murakami, rồi sẽ trở lại trong tập truyện ngắn Ngôi thứ nhất số ít hơn 10 năm sau. Với khả năng lấy cắp tên người, khỉ Shinagawa là một ẩn dụ cho sự chôn giấu cũng như phớt lờ những nỗi đau hằn dẫu ta có phủ nhận nó. Việc dùng hình tượng chú khỉ như việc giáng cấp con người theo hướng nguyên thủy, nhưng cũng qua đó lại gắn chặt nó với yếu tố danh tính, bản lai diện mục… Vì vậy mà khi chính ta không dám đối mặt với những nỗi đau mà mình ôm ấp, thì sự che đậy chỉ là dặm son đánh phấn không hơn không kém.
Tình yêu, chủ đề vẫn thường xuất hiện trong các tác phẩm của nhà văn, cũng xuất hiện lại trong truyện Viên đá hình quả thận dịch chuyển mỗi ngày. Thông qua một vật vô tri, nhà văn cho thấy mọi vật đều có tâm tư, không riêng con người. Các yếu tố huyền ảo được thêm thắt vào như một nỗ lực cố gắng giãi bày nội tâm của các nhân vật. Và dù cho bị khô kiệt bởi công việc, đời sống quá nhanh hay bị đóng khung bởi cách giáo dục hay xuất thân nào đó, thì điều quan trọng là tình yêu phải là cảm giác sẵn lòng đón nhận một người nào đó mà lần đầu tiên luôn là lần cuối, bởi lẽ điều thuộc về ta sẽ luôn ở đó, không thể khác đi.
Với 5 truyện ngắn được viết một cách chặt chẽ và đầy ngón nghề, khi thì lớp lang, khi thì đầy ắp ngẫu hứng như jazz ứng tác, Những chuyện lạ ở Tokyo qua xứ sở văn chương hư ảo của Murakami đã gửi gắm nhiều thông điệp giá trị, để chậm lại một phút, ta sẽ được nghe và được thấu hiểu chính con người mình.
Haruki Murakami sinh năm 1949 tại Kyoto. Ông từng theo học về kịch tại Đại học Waseda. Khi đang còn là sinh viên, ông mở một quán nhạc jazz và bắt đầu viết tiểu thuyết. Văn phong của ông chịu ảnh hưởng lớn từ văn học Mỹ. Các tác phẩm của ông chủ yếu miêu tả cuộc sống và con người ở đô thị hiện đại, tiêu biểu có thể kể đến Rừng Na Uy, Biên niên ký chim vặn dây cót, Cuộc săn cừu hoang…
nguồn:https://thanhnien.vn/sach-hay-nhung-manh-ghep-bat-dinh-lam-nen-cuoc-song-185240112215020084.htm
Có thể bạn muốn xem
Ra mắt cuốn sách của Tổng Bí thư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
15 cách giúp trẻ tư duy số học
Chết giữa mùa hè
Những Tù Nhân Của Địa Lý
Viết lại mã sự sống
“Eight”: Những cách để chiến thắng trí thông minh nhân tạo
Cẩm Nang Du Lịch – Top 10 Bắc Kinh
Ấn phẩm “Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập” hướng đến bạn đọc trẻ
Trao giải và ra mắt ấn phẩm “Món Tết quê nhà”