Cuốn “Phác họa Nghê – gã linh vật bên rìa” trình bày cấu tạo, lai lịch, ý nghĩa, sự phong phú của con nghê – linh vật quan trọng của người Việt.
“Làm phượng thì múa làm nghê thì chầu” là câu nói từ bao đời nay cha ông để lại. Nghê là một linh vật chầu rìa, ngồi án ngữ tại các di tích, dinh thự, chốn thường dân hay nơi cung đình… của người Việt. Nhưng ngày nay, dường như nghê Việt đã dần mai một, bị bỏ quên khỏi những cuốn sách về nghệ thuật cổ truyền, thậm chí bị nhầm tên trong một số công trình nghiên cứu của các học giả nước ngoài.
Gần đây, một “cuộc chiến” trong lĩnh vực văn hóa được thực hiện, đó là phong trào “nói không với linh vật ngoại lai”; di dời các sinh vật biểu tượng ngoại lai ở nhiều địa điểm di tích, công sở, nơi công cộng trên cả nước. Phong trào này xuất phát từ việc thiếu kiến thức về linh vật thuần Việt.
Sách Phác họa Nghê – Gã linh vật bên rìa.
Một cuốn sách mới được xuất bản nhằm cung cấp, bổ sung kiến thức về con nghê – linh vật quan trọng bậc nhất của người Việt. Cuốn Phác họa Nghê – gã linh vật bên rìa (Nhìn từ đền Vua Đinh, Vua Lê) của nhóm tác giả Trần Hậu Yên Thế (chủ biên) và Nguyễn Đức Hòa, Hồ Hữu Long.
Sách nghiên cứu những con nghê tại đền Vua Đinh, Vua Lê ở cố đô Hoa Lư, Ninh Bình, từ đó mở rộng sang các vùng miền khác.
Công trình nghiên cứu cho thấy nghê có mặt ở đền, miếu, lăng tẩm, đình chùa, từ thường dân cho đến chốn hoàng cung. Sách dày 332 trang đầy ắp tư liệu, hình ảnh, những bản đạc họa, sơ đồ về nghê Việt. Đi kèm hình ảnh phong phú là các chú giải ngắn gọn, dễ hiểu.
Nhóm tác giả đã công phu sưu tầm hình tượng nghê từ thời Lý đến thời Nguyễn, nghê xuất hiện từ Bắc đến Nam, thậm chí so sánh với một số linh vật của các nước trong khu vực.
Trong sách, nhóm tác giả đánh giá hiếm có linh vật nào có thần thái sinh động như nghê, đủ cả hỷ nộ ái ố, lúc chau mày ứa lệ, lúc toe toét miệng cười.
Phần “Đôi lời cảm khái” trong sách miêu tả: “Dù chỉ là phác họa ban đầu, khuôn mặt nghê hiện ra lúc thì trầm lắng, trang nghiêm, lúc thì nghênh nghênh, hớ hênh phóng túng, miệng ngoác ra cười đến tận mang tai. Cung cách bông lơn, bộ dạng dung tục đến hồn nhiên vẻ như bất chấp mọi lễ giáo và khuôn phép của những gã nghê được đục đẽo, tô đắp một cách hả hê, làm náo nức các mảng chạm, bất kể đó là ở đình, ở chùa hay lăng tẩm, đền miếu”.

Hình ảnh trong sách Phác họa Nghê – Gã linh vật bên lề.
Các tác giả không quên đánh giá tầm quan trọng của nghê: “Gã linh vật bên lề – nghê – đã góp phần làm nên một diện mạo tinh thần sống động, lạc quan, bình dân và thân thuộc cho nghệ thuật người Việt thời Trung đại. Nghê đã gắn bó ân tình với người Việt hàng nghìn năm nay. Nhỏ nhắn và khiêm nhường, chất phác và thuần hậu, bởi không ham công không thích lớn nên nghê thể hiện chính xác nhất chiều kích văn hóa Việt”.
TS Đặng Thị Bích Liên – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch –nhận xét: “Cuốn sách Phác họa nghê – gã linh vật bên rìa (Nhìn từ đền Vua Đinh, Vua Lê) bước đầu trình bày lai lịch, danh xưng, hình tướng và ý nghĩa biểu tượng của một linh vật rất thân quen trong văn hóa Việt… Đây là cuốn sách có giá trị, có nội dung hữu ích đối với những người làm công tác quản lý, nghiên cứu, cũng như giáo dục và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống Việt Nam trong giai đoạn hội nhập hiện nay”.
Một buổi lễ ra mắt sách được tổ chức lúc 18h30 ngày 19/12 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội với sự tham gia của tác giả, giới nghiên cứu, quan tâm tới linh vật và di sản văn hóa Việt Nam. 

theo Tần Tần/zing.vn