Đất thiêng Dị Nậu, huyện Tam Nông (Phú Thọ) bao đời nay nức tiếng gần xa không chỉ bởi sở hữu quần thể di sản văn hóa đồ sộ mà còn là địa danh lịch sử ghi lại dấu ấn đặc trưng của ngôi làng Việt cổ. Trải qua dâu bể thời gian, Tết cổ truyền tại làng quê này vẫn luôn đẫm đầy phong vị truyền thống. Từ những tập quán, phong tục riêng đến lễ tế, hội làng đều được lưu giữ, bảo tồn và trao truyền qua bao thế hệ người dân Dị Nậu, để lại nhiều giá trị nhân văn sâu sắc trên vùng Đất Tổ linh thiêng.
Đất trời vào Xuân, làng quê thay áo mới, lòng người rộn rã trong tiếng nhạc, tiếng trống thúc giục bước chân. Giữa dịu dàng màu nắng, hương Xuân len lỏi khắp ngõ xóm, đường làng, hòa cùng nhịp sống tấp nập, hân hoan của người dân Dị Nậu đang nô nức chuẩn bị cho mùa lễ hội quan trọng nhất trong năm. Theo phong tục truyền thống làng Dị Nậu, từ ngày mùng 1 đến hết ngày 12 tháng Giêng là ngày Tế Hội Đồng. Người dân nơi đây mở màn mùa lễ hội bằng lễ rước Thánh Cao Sơn tại Đền Quốc Tế.
Để chuẩn bị cho lễ hội trọng đại này, mỗi năm, cả làng sẽ nuôi 6 con lợn đen tuyền dùng vào việc tế lễ, cầu phúc ở Đền Thượng, Bệ Cả và 4 ngôi Điện Đông, Tây, Nam, Bắc. Những gia đình được chọn để nuôi lợn cầu ở Đền phải sống gương mẫu, vợ chồng song toàn, con cháu thảo hiền và không có tang. Người dân Dị Nậu quan niệm, đây là những con lợn mang ý nghĩa thiêng liêng trong tâm linh đối với các đấng thần linh, cầu cho năm mới người dân được sung túc, đủ đầy, gặp nhiều phước lành. Bởi vậy, các gia đình khi được dân làng giao phó nuôi lợn cầu luôn tự giác chăm chút cho con lợn thật chu đáo.
Cách Tết chừng 2 – 3 tháng, nhà nào cũng chuẩn bị vỗ cho lợn thật to, thật béo, lợn cầu được ăn nhiều bữa trong ngày với những thức ăn ngon và được tắm rửa sạch sẽ, thường xuyên. Vào giờ Tý, ngày mùng 3 Tết, sau khi hồi trống báo hiệu giờ lành vang vọng trên Đền Quốc Tế, lợn cầu được các gia đình khiêng đến Đình Dộc để làng đánh giá, xếp hạng. Con lợn cầu nào to béo, đẹp mã được giải Nhất năm đó thì gia đình nuôi lợn sẽ được làng trao thưởng và tuyên dương đã hoàn thành tốt nghĩa vụ với dân làng.
Cùng với tục lệ nuôi lợn cầu, để chuẩn bị chu toàn cho ngày đại lễ tháng Giêng, tập quán làm bánh Mật bằng gạo tẻ cũng đã quen thuộc với người dân Dị Nậu mỗi dịp Tết đến Xuân về. Ông Tạ Đình Hạp, Phó ban Di tích lịch sử văn hóa xã Dị Nậu cho biết: “Theo sử sách còn lưu giữ được và lời kể của các bậc cao niên, thuở xưa, khi Đức Tản Viên sơn Thánh cùng các vị Đại vương và quân lính triều đình đánh giặc Thục, cuộc chiến thường kéo dài đằng đẵng tới vài tháng trời, để nguồn lương thực dự trữ không bị ôi thiu, người dân Dị Nậu đã sáng tạo ra loại bánh Mật bằng gạo tẻ làm lương khô cho quân lính dùng lâu dài”.
Trải qua thời gian, loại thực phẩm gắn liền với truyền thuyết đã trở thành sản vật mang đậm phong vị quê hương. Kỹ thuật làm bánh Mật của người dân Dị Nậu xưa nay đều rất kỳ công.
Loại gạo tẻ được lựa chọn làm bánh Mật phải là loại tẻ thơm, hạt đều và chắc. Trước khi cho vào cối đá xay, gạo được ngâm chừng 2 đến 3 ngày, mỗi ngày thay nước hai lần. Sau khi xay mịn, bột được cho vào nồi to, đổ thêm nước xăm xắp (người Dị Nậu quan niệm loại nước nấu bánh Mật phải được lấy ở giếng Vàng tại miếu thờ Đức Thánh Tản Viên thì bánh mới ngon và dẻo) và đảo đều tay cho đến khi bột trong, sền sệt và quánh lại mới đạt đến độ chín cần thiết để làm bánh.
Bánh được gói đều tay bằng lá chuối khô rồi cho vào nồi chõ để đồ, sau 2 tiếng là bánh chín hẳn. Mật mía sử dụng để chấm bánh phải vừa sánh, vừa trong, có mùi thơm dịu không có cắn đọng, đặc biệt, khi rót mật phải chảy thành giọt đều và liên tục. Trong lễ tế Thánh Cao Sơn tại Đền Quốc Tế, đĩa bánh Mật dẻo thơm được đặt trịnh trọng lên mâm cỗ cúng. Đĩa bánh Mật tượng trưng cho sự tôn kính của người dân dành cho các bậc thánh thần làng quê Dị Nậu.
Về Dị Nậu những ngày đầu tháng Giêng, ta không chỉ được hòa mình vào không gian lễ hội rực rỡ sắc màu mà còn được thưởng thức những tiết mục diễn xướng “Bách nghệ trình làng” đặc sắc, tham gia “Cướp Kén” cầu may, “Đánh đu” dân dã cùng người dân Dị Nậu. Mặc dù đã trải qua hàng ngàn năm thăng trầm lịch sử, nhưng cho đến nay phong tục Tết của ngôi làng Việt cổ này vẫn tồn tại đa dạng, phong phú và ảnh hưởng sâu sắc đến mọi sinh hoạt, đời sống tâm linh, là sợi đây kết nối nghĩa tình của mọi thế hệ người dân nơi đây. Để rồi, những phong tục ấy trở thành tài sản tinh thần vô giá, dấu ấn đặc trưng gắn bó với sự phồn vinh của đất thiêng Dị Nậu đến mãi sau.
nguồn Baophutho.vn
Có thể bạn muốn xem
Henry Kissinger – Về Trung Quốc
Tĩnh Lặng – Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Vật lý thiên văn cho người vội vã
Ba nghìn dặm
Những tác phẩm đặc sắc của nhà văn Sơn Tùng viết về Bác Hồ
‘Mật thi’ và lời thì thầm từ đồi thông
Câu chuyện cảm động về con chó vùng Flandes
SÁCH GIẢ “MUÔN KIẾP NHÂN SINH P1-2” ĐƯỢC BÀY BÁN CÔNG KHAI
100 nhà khoa học vĩ đại thay đổi thế giới