Phải, đàn bà nước ta chưa cần gì phải ra tranh luận ở giữa nghị trường, xông pha ở nơi hàng ngũ mới là làm được quốc sự đâu. Chị em cứ việc ở trong buồng the trướng gấm, lo lắng khuyên chồng dạy con, mà tức là làm quốc sự một cách rất sâu xa, rất cao thượng.

Thử coi chị em ta làm thế nào?

Đời nầy, đừng có ai đeo cái tư tưởng quá khích lắm thì mới chối cãi rằng gia đình không có quan hệ cho xã hội. Còn thì ai, từ bực thánh hiền cho tới những hạng tầm thường, đều phải công nhận rằng gia đình là cái gốc của xã hội, hễ gia đình có vững vàng, thì xã hội mới tốt đẹp được. Có người thấy người Âu châu trọng về phương diện xã hội mà biểu là họ sơ về phương diện gia đình là lầm. Họ mới là quan tâm đến gia đình thứ nhứt. Ta có xét kỹ mới thấy ở trong gia đình của họ, cũng trọng về lễ nghĩa và giáo dục lắm. Thứ nhứt là họ chú trọng vào việc giáo dục trong gia đình, vì họ cho là cái tinh hoa của xã hội từ trong gia đình nặn khuôn ra trước, rồi xã hội mới tô điểm cho thành hình sau. Cái nghĩa gia đình có quan hệ đến xã hội là ở chỗ đó.

Khi tôi nói rằng trọng gia đình, là nói ngay vào việc gia đình giáo dục, chớ không phải có cái tư tưởng muốn giữ những thói xưa tục cũ là những thứ có thể ngăn trở bước đường tiến hóa của ta. Đó lại là một vấn đề khác.

Điều tôi muốn nói là nói hiện nay người mình không mấy ai chịu lo đến việc gia đình giáo dục hết. Nói bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu. Chẳng qua là chúng mình lầm mà quá đem lòng tin cậy vào việc giáo dục ở trong xã hội ta hiện thời, tưởng vậy là đủ đào tạo cho con em mình nên người, chớ có biết đâu việc giáo dục của xã hội ở trong cái cảnh ngộ của chúng ta không có thể tin cậy được. Ta có con cái, từ nhỏ tới tuổi đi học, ở trong gia đình, không lo đến một sự giáo dục nào riêng, cứ nói rằng có trường lớn trường nhỏ, thầy tây thầy ta đây kia, thiếu gì chỗ dạy biểu chúng nó, ấy là một điều lầm to. Kết quả chỉ là gây nên một bọn nhìn tỏ là người… (*) và thuộc sông núi ở đâu đâu, chớ không biết Trung Nam Bắc ba kỳ là một nước một giống. Ở trong thứ lò đào chú như thế mà ra, dầu có nên ông chi bà chi đi nữa, cũng không nên vội mừng cho xã hội, mà có khi buồn cũng nên, vì nó thiếu mất cái bổn lãnh phải nhờ sự gia đình giáo dục mới có.

Bổn lãnh có thể nói là cái tinh thần hay là nhơn cách của người ta, từ trong nền gia giáo mà đào luyện ra. Làm người phải có bổn lãnh để làm cái gốc lập thân xử thể, còn sự học vấn là để tô điểm thêm vào mà thôi, chớ không thể ỷ y nguyên vào đó được. Cho nên ta thấy có nhiều người học vấn rộng, mà nhơn cách hèn, là chỉ vì họ không có bổn lãnh, nghĩa là không từng có sự giáo dục trong gia đình. Trái lại, có người chẳng có học vấn gì, mà nhơn cách của họ cao, ấy là từ khi còn ở trong nhà với cha mẹ anh em, họ đã chịu được nhiều điều khuyên hay dạy phải lắm.

Còn sự giáo dục trong gia đình nên làm thế nào, thì tưởng ta nên lấy câu nói nầy của ông Léon Tolstoi làm câu thiên cổ định án: “Nếu mình muốn nâng cao con cháu mình lên, mà tự mình không nâng cao mình lên, thì hình như việc giáo dục là một việc khó khăn lắm. Ví bằng người ta, ai cũng hiểu rằng sự làm gương là một cách giáo dục hay hơn hết, thì cái vấn đề nầy rõ ràng lắm vậy”.

Phụ nữ tân văn 1929: Đàn bà với quốc sự

Bây giờ, nên trở lại câu chuyện tím ruột của ta.

Trên nửa thế kỷ nay, cái cảnh non sông tổ quốc của ta đã sanh ra bao nhiêu nhà làm quốc sự, có người tư tưởng đến trắng tóc bạc đầu, có người hiến thân đến xương tan thịt nát, tuy không thành công gì, nhưng trước cái hùng tâm tráng chí của những bực ấy, ta cũng nên cúi đầu. Trừ một số người rất ít, có thành tâm, có tư cách, có tài năng làm việc quốc sự ra, còn biết bao nhiêu kẻ không thành tâm, không tư cách, không tài năng mà cũng lăm le ra gánh vác quốc sự, nếu công phu và ngày giờ của họ đem làm việc khác còn có ích hơn. Thời đại khác thì phong tục khác. Thuở xưa còn chuộng những thi cử và quan cách, thì ai cũng đổ xô vào con đường ấy, còn đời nay trọng những người chí sĩ, thì người ta cũng tranh nhau mà đi, dầu tự mình không xứng đáng gì cũng mặc. Quốc sự đối với những hạng ấy, cũng là một cái nghĩa hiếu danh như đời trước mà đổi mục đích đi đó thôi.

Bởi vậy, ta thấy có phần nhiều người làm quốc sự, đã không ích gì cho nước nhà, lại gây thêm những tiếng chê trò cười, cho thiên hạ thấy hết chỗ dụng tâm của họ. Rất đỗi có kẻ gặp bước gian nan, nửa đường gai góc thì bao nhiêu mạch máu như dầu sôi, lời nói như gươm chặt hồi trước đều đổ đi đâu mất hết, trở lại năn nỉ ai khất với người đối địch của mình. Cái tâm đức của những người muốn ghé vai gánh vác việc non sông mà như thế, thiệt là làm nhục cho cả quốc dân. Đừng kể chi sự thất bại là một sự đáo đầu thì khỏi phải nói, nhưng lấy ngay tâm sự và cách hành vi của một số người làm quốc sự mà coi, thì hình như tự ngay trong tòa án lương tâm của họ cũng đã hành phạt một cách nghiêm khắc. Cái đó chỉ là tự họ thiếu mất bổn lãnh làm người, bổn lãnh làm việc, mà còn phải giáo dục nhiều nữa mới được.

Sự giáo dục ấy, tuy có nhờ về hoàn cảnh và cơ hội gây nên nhiều, song chị em ta cũng có thể tự nhận một cách vẻ vang rằng ta có cái thiên chức rất cao ở trong đó.

Thiệt vậy, chị em ta làm quốc sự mà làm gián tiếp từ trong gia đình.

Có con thì ngay từ lúc chúng nó ở quanh gối bên mình, là lúc cái thiên lương của chúng nó còn trong sạch, thì nên đem ngay đại nghĩa ra mà khuyên răn dạy biểu, để cho chúng nó in sâu cái nghĩa quốc gia chủng tộc từ hồi còn thơ, tới khi lớn ra làm việc đời, đã có cái kết tinh ấy, thì tự khắc biết cả quyết và hy sanh mà làm, không có gì lay chuyển được. Thành công là nhờ chỗ đó, có thất bại hoặc cũng là thời mà thôi. Xưa nay biết bao nhiêu bực thánh hiền hào kiệt, làm nên anh danh trong một thuở, để lại sự nghiệp cho muôn đời, là nhờ có mẫu giáo.

Có chồng thì nên nhơn lúc đêm khuya canh vắng, chuyện nhỏ lời êm, phải làm sao cho họ biết trọng liêm sỉ, có lòng phân phát, biết để lòng lo đến việc quốc gia xã hội, biết việc công là trọng niềm tây sá gì. Đã có người làm quốc sự là việc vong gia, mà còn quay đầu lại vợ dại con thơ, sanh ra thối chí. Vậy cần phải có cách khuyến khích như thế, đừng có ai là hạng chồng gỗ đá thì không nói làm gì, còn ai có cái chí khí nam nhi lại không trợn mắt nghiến răng bỏ thân làm việc cho được. Cái tiếng thỏ thẻ của đàn bà, đã êm tai như chim hót buổi sớm, mà cũng giựt mình như trống giục nửa đêm, thiệt là dễ khiến cho người ta sanh lòng cảm hứng và phấn phát lạ thường. Ta còn nhớ chuyện xưa có người đàn bà, chồng đi học nửa chừng bỏ về, mà chặt đứt khung cửi; có người đàn bà, chồng ra trận mới bị gãy có một cánh tay chạy về, thì biểu ra cho gãy luôn cánh kia hãy về ngó mặt thiếp.

Đó, chị em ta ở trong gia đình mà biết lo cái thiên chức của mình để khích động nhơn tài như vậy, thì chẳng làm quốc sự, mà kỳ thiệt là làm quốc sự có ý nghĩa sâu xa và cao thượng lắm. Cần gì phải thở vắn than dài, liều thân hoại thể mới được sao?

Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 5 (30.5.1929)

Chú thích:

(*) Chỗ này báo gốc để chấm lửng một khoảng, dự đoán có chừng 3-4 từ bị đục bỏ trước khi báo in.

nguồn: Fanpage Thú Chơi Sách