Có lẽ, chỉ đến khi ấn phẩm Lương Văn Can trong lịch sử dân tộc và lịch sử doanh nhân Việt Nam được xuất bản, thì công chúng mới có một cuốn sách tương đối đầy đủ, chính xác và toàn diện về thân thế, sự nghiệp và những gì mà cụ Lương Văn Can đóng góp cho dân tộc.
Ngày 20-11, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 – 20-11-2022), Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn phối hợp với Đường sách TPHCM tổ chức chương trình ra mắt cuốn sách Lương Văn Can trong lịch sử dân tộc và lịch sử doanh nhân Việt Nam của TS Lý Tùng Hiếu, do NXB Khoa học Xã hội ấn hành.
Danh nhân Lương Văn Can (1854 – 1927), sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nhị Khê (nay thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội), một vùng đất địa linh nhân kiệt. Là một trí thức yêu nước, Lương Văn Can đã dành trọn đời mình cho sự nghiệp Duy Tân về văn hóa, đặc biệt là về văn hóa kinh doanh, thương mại.
Đóng góp của Lương Văn Can đối với phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và những trước tác của ông về kinh doanh, thương mại đã đưa ông trở thành “Người thầy đầu tiên của giới doanh nhân Việt Nam”. Với tư tưởng xây dựng đội ngũ doanh nhân có “thương đức”, “thương tài”, cuộc đời Lương Văn Can luôn làm theo đúng “đạo kinh doanh” mà ông đã xây dựng: Kinh doanh chính là phụng sự xã hội. Kinh doanh phải minh bạch và chính đáng. Cần kiệm là cái đạo lớn của người kinh doanh. Sử dụng đồng tiền để phục vụ lại xã hội.
Cuốn sách Lương Văn Can trong lịch sử dân tộc và lịch sử doanh nhân Việt Nam viết về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp Lương Văn Can, được gắn kết chặt chẽ với hành trình của đất nước, hành trình kinh doanh của giới công thương Việt Nam. Cuốn sách được TS Lý Tùng Hiếu biên soạn như một công trình nghiên cứu đầy đủ, chính xác, và toàn diện về Lương Văn Can.
Trước Lương Văn Can trong lịch sử dân tộc và lịch sử doanh nhân Việt Nam, TS Lý Tùng Hiếu từng biên soạn và xuất bản Lương Văn Can và phong trào Duy Tân – Đông Du (NXB Văn hóa Sài Gòn) vào năm 2005, cuốn sách đã được trao giải khuyến khích Giải thưởng Sách Việt Nam lần II.
Chia sẻ tại chương trình về lý do bị thu hút và tiếp tục đào sâu về thân thế và sự nghiệp của cụ Lương Văn Can, TS Lý Tùng Hiếu cho biết, một trong những lý do lớn nhất đó là sự khác biệt mà cuộc đời và sự nghiệp để lại của cụ Lương Văn Can so với những chí sĩ khác. Theo ông, thời điểm bắt đầu sưu tầm tư liệu để biên soạn bản biên sử đầu tiên về cụ Lương Văn Can, sau đó tiếp tục khai thác thêm tư liệu để tiếp tục viết thành sách, lúc đó những lãnh tụ của các phong trào yêu nước của các tổ chức trong những năm 1920 như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh đã được nghiên cứu và in rất nhiều. Nhưng những chí sĩ còn lại như Lương Văn Can, Nguyễn Quang Diêu… đều chưa có sách vở.
“Khi đọc tư liệu, sau 8 năm, nhờ sự giúp sức của các nhà sử học, chúng tôi phát hiện ra Lương Văn Can có những lối đi riêng khác hẳn với những đồng chí của cụ. Đó là họ vận hành với nhau trong sự nghiệp Duy Tân, lấy giáo dục làm con đường để khai thông dân trí nhưng nội dung giáo dục mà cụ theo đuổi suốt đời đó là không chỉ “canh tân lão đại” của dân chúng Việt Nam mà còn khuyến khích phát triển kinh tế thương mại”, TS Lý Tùng Hiếu chia sẻ.
Cũng theo TS Lý Tùng Hiếu, trong quá trình thực hiện cuốn sách, ông gặp phải rất nhiều thách thức. Thách thức đầu tiên là tình trạng tư liệu tản mạn, không thống nhất. Sau khi đối chứng lại thì bị sai lạc rất nhiều, thậm chí sai lạc ngay trong những tài liệu mà hậu duệ của cụ Lương Văn Can còn giữ được. Bởi chính họ cũng không có tư liệu và cũng chỉ biên soạn tư liệu về tiểu sử về cụ Lương Văn Can dựa vào những nguồn tư liệu tản mạn và không thống nhất đó.
Tuy nhiên, với sự nghiêm cẩn của một người làm nghiên cứu khoa học và tình cảm trân quý với cụ Lương Văn Can, TS Lý Tùng Hiếu đã miệt mài tìm hiểu và đối chiếu với tất cả những tư liệu mà mình sưu tầm được, nhờ đó, đã có thể kết nối được toàn bộ quá trình sinh trưởng, lập nghiệp, đóng góp cho xã hội, đóng góp cho đất nước của cụ Lương Văn Can. “Cuốn sách lần này có thể cung cấp cho bạn đọc những thông tin tương đối đầy đủ, chính xác và toàn diện về thân thế, sự nghiệp và những gì mà cụ Lương Văn Can cũng như các đồng chí của cụ đóng góp cho dân tộc, cho đất nước chúng ta”, TS Lý Tùng Hiếu bày tỏ.
nguồn: https://www.sggp.org.vn/ra-mat-cuon-sach-ve-nguoi-thay-dau-tien-cua-gioi-doanh-nhan-viet-nam-857767.html
Có thể bạn muốn xem
Brand Strategy
Tranh cãi về việc sử dụng sách mô hình để trang trí
Trí khùng tự truyện
Nhịn khô
Tập văn liệu về biển đảo trong nghìn năm lịch sử dân tộc
Mắt nói – những tiếng nói được hồi sinh từ mắt
Lời nói thần kỳ nuôi dưỡng những đứa trẻ hạnh phúc
Đường sách phố cổ Hội An, một điểm đến trong lòng di sản
Mẹ chiến binh nuôi con trai tự kỷ khôn lớn