“Hồi bé, nội em rất thích cải lương. Em nghe cùng nội, riết rồi mê lúc nào không hay”. Hồ Phương Thảo (sinh năm 1992) bắt đầu cuộc trò chuyện như vậy khi nói về artbook Gánh hát lưu diễn muôn phương (Comicola và NXB Dân Trí).
Viết tiếp tình yêu thời thơ ấu
Hồ Phương Thảo kể, sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Long nên cải lương và những làn điệu đờn ca tài tử ngọt ngào là một dấu ấn đặc biệt trong ký ức tuổi thơ của cô. “Mỗi lần có đoàn hát, đoàn nghệ thuật nào về quê biểu diễn, tôi vô cùng háo hức và ngóng đợi màn trình diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng”, Phương Thảo nhớ lại.
Đến bây giờ, nhiều tuồng cải lương vẫn nằm trong tâm trí của cô gái 9X này như Hoàng hậu không đầu, Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài… cùng với thần tượng là nghệ sĩ Vũ Linh. Chính vì lẽ đó, khi bắt tay vào thực hiện ấn phẩm artbook Gánh hát lưu diễn muôn phương, tôn vinh 36 loại hình nghệ thuật diễn xướng và lễ hội dân gian truyền thống ở khắp mọi miền đất nước, loại hình Thảo nghĩ đến đầu tiên là cải lương.
Ngoài cải lương, sách của Thảo còn các loại hình diễn xướng khác như chèo, kịch nói, đờn ca tài tử, hát then, ví giặm…, được chia theo các khu vực địa lý. Mỗi nội dung đều được thể hiện một cách cô đọng và súc tích, chỉ từ 1-1,5 trang sách kèm theo hình vẽ minh họa. “Mong muốn của tôi và những người thực hiện là mọi người đọc sách xem hình, rồi “nạp” vào đầu cái tên của loại hình diễn xướng nào đó. Một lúc nào đó, tình cờ đến một địa phương có loại hình nghệ thuật ấy và nhớ ra đã từng đọc nó ở trong sách rồi tìm hiểu xem. Như vậy là thành công rồi”, Phương Thảo bày tỏ.
Hồ Phương Thảo nói, cô không phải là nhà nghiên cứu, chỉ là một người trẻ đam mê và thích tìm hiểu về văn hóa truyền thống. Đi sâu vào tìm hiểu, Thảo nhận thấy ngoài Cục Di sản, dường như chưa có một thống kê nào cho vấn đề này. “Tài liệu khá hàn lâm, đa phần là chữ và hình chụp. Trong khi đó, tôi đang muốn hướng đến giới trẻ nên sẽ dựa trên những tài liệu nghiên cứu, biến nó trở nên gần gũi hơn, kích thích các bạn trẻ đọc, từ đó khơi gợi và truyền cảm hứng để các bạn tìm hiểu”, Phương Thảo nói.
Cẩm nang du lịch cho du khách
Ngoài nét vẽ ấn tượng đến từ họa sĩ trẻ Tấn Nguyễn, artbook Gánh hát lưu diễn muôn phương còn được Hồ Phương Thảo đầu tư thực hiện song ngữ Việt – Anh, qua phần chuyển ngữ của Ngô Mỹ Triều Giang. Thảo cho biết, cô muốn ấn phẩm của mình được bán ra nước ngoài và cô có một kênh để thực hiện việc này. Thực tế, ấn phẩm của cô đã được đi muôn phương, qua Mỹ, châu Âu… với khách hàng đa phần là người gốc Việt, cũng có cả người nước ngoài.
Mong muốn lớn nhất của Hồ Phương Thảo khi thực hiện artbook Gánh hát lưu diễn muôn phương là trở thành cẩm nang du lịch cho cả du khách trong nước lẫn nước ngoài. Theo cô, đất nước Việt Nam trải dài từ Bắc vào Nam có rất nhiều cảnh đẹp, ẩm thực hấp dẫn, nhưng các loại hình nghệ thuật diễn xướng và lễ hội dân gian thì vẫn chưa được quảng bá nhiều.
“Tôi tưởng tượng nếu một ai đó đi du lịch Việt Nam, sau quá trình khám phá thiên nhiên và ẩm thực, họ muốn tìm gì đó để chơi hoặc thưởng thức thì cuốn sách này sẽ giống như cẩm nang du lịch chuyên về diễn xướng. Họ đến nghe, có thể không hiểu nhưng họ vẫn cảm nhận được làn điệu, giai điệu đó”.
Dù đã mang đến cho bạn đọc một con số tương đối nhiều với 36 loại hình nghệ thuật diễn xướng và lễ hội của cả nước, tuy nhiên, ấn phẩm của Phương Thảo đã bỏ qua khá nhiều loại hình quan trọng như Hò khoan Lệ Thủy (Quảng Bình), Hát Đố thai (Trà Vinh), Hò sông Mã (Thanh Hoá)…
“Đúng là một phần do bị áp lực về thời gian, thêm vào đó, tôi và nhóm bạn muốn đặt ra một con số để mình có thể hoàn thành nên cuốn sách của tôi vẫn chưa thể thống kê hết các loại hình nghệ thuật diễn xướng của cả nước. Điều này chứng tỏ di sản nghệ thuật truyền thống của nước mình rất giàu có, vô cùng phong phú và đa dạng. Có thể trong lần tái bản tới hoặc trong một dự án mới liên quan, tôi sẽ cố gắng để cập nhật đầy đủ hơn”, Phương Thảo chia sẻ.
Phương Thảo cho biết, cô có may mắn tham gia vào một số hội nhóm, và nhận ra các bạn trẻ đều yêu thích văn hóa Việt Nam ở một khía cạnh nào đó, hoàn toàn không giống như lo ngại rằng, các bạn trẻ đang “quay lưng” với văn hóa truyền thống.“Có bạn yêu mến trang phục, có bạn yêu mến món ăn, có bạn mê làm đồ trang sức… Họ đều rất trẻ và giỏi. Tôi nhìn thấy xung quanh mọi người đang cố gắng và nỗ lực cho văn hóa của mình, tôi cảm thấy mình chỉ là một phần rất nhỏ nhoi trong đó”, Phương Thảo bộc bạch. |
nguồn: https://www.sggp.org.vn/co-gai-9x-ra-mat-sach-ve-dien-xuong-dan-gian-859306.html
Có thể bạn muốn xem
Săn kẻ giết người
Tiền – Hiểu rõ hơn, kiếm tốt hơn và cho đi nhiều hơn
3 câu đố của công chúa Turandot trong tập truyện cổ “Ngàn lẻ một ngày”
Cánh chim nhỏ đắm say trong biển chữ
Khoa học não bộ trong Thiền và tâm hồn
Độc đáo áo dài Huế xưa và nay
8 nơi lạnh giá nhất trên thế giới vẫn có người sinh sống
Chung tay bảo vệ động vật, thực vật hoang dã
“Về chốn thư hiên” – Sự lôi cuốn của những trang sách ngả màu thời gian