Ba tác phẩm vừa được giới thiệu, dù của 3 tác giả khác nhau, lại gặp nhau ở một mạch cảm xúc: nỗi nhớ da diết về quê hương, về những người thân yêu đã từng gắn bó. Đây cũng là những cuốn sách có thể giúp bạn đọc có một tinh thần nhẹ nhàng, thư thái hơn trong những ngày thực hiện giãn cách. 

1. Khói bếp không tan (NXB Trẻ) là tập tản văn, bút ký mới nhất của nhà thơ Lê Giang, tác giả vừa bước sang tuổi 91. Lẽ thường, càng nhiều tuổi, ký ức càng đầy lên và người ta luôn có tâm lý hoài niệm về những chuyện đã qua, người đã gặp. Ở vào tuổi bên kia của cuộc đời, nhà thơ Lê Giang cũng mang tâm lý đó. 

Ba tác phẩm mang đến cho bạn đọc những câu chuyện ấm áp từ quá khứ

Trong cái ngoái đầu kia, có biết bao nỗi nhớ hiện lên với một sự nhẹ nhàng và trìu mến, đôi khi chỉ là những chi tiết nhỏ nhặt cũng khiến lòng trở nên ấm áp. Bà nhớ về những ngày tháng đóng quân chan chứa tình quân dân ở Bàu Dừa miền sông rạch Cà Mau trước ngày giải phóng với những nhạc sĩ hồi bấy giờ như Nguyễn Xuân Khoát, Tô Hải, Huy Du… Đó còn là nỗi nhớ về lần ăn tết ở chiến khu, dẫu thiếu thốn nhưng lại “thương nhau chết đi được”. Cũng có khi giản dị hơn là nhớ đến cái ơ kho quẹt – món quà của má, mà sau này trong những ngày ở rừng đã giúp bà “nổi tiếng nhờ món kho quẹt không thể nào quên”… 


Còn rất nhiều nỗi nhớ mà cuốn sách hơn 200 trang đã tái hiện. Nhưng có lẽ, lay động nhất vẫn là nỗi nhớ về những món ăn của mẹ, về sau trở thành thứ tài sản vô giá trong chuỗi ngày trở thành “chị nuôi” ở chiến khu, hay những bữa cơm gia đình đầm ấm. Như bà đã đúc kết trong bài viết được chọn làm tên sách: “Cho nên, suốt quãng đời làm “chị nuôi” cũng vậy, bắt chước má, tuy làm dâu trăm họ mắm muối rau rừng, đọt vừng, đọt choại, tôi thường nhớ má. Sao mà má tạo được cái mùi dậy tình đời, tình người, để ai ăn tôi nấu, cũng chép miệng khen ngon…”. Và khi đó, những yêu thương lại giống như khói bếp, không tan mà tiếp tục được lan tỏa. 

2. Có lẽ, phải khi đi xa người ta mới thật sự thấu tỏ hết nỗi lòng dành cho quê hương. Khi đó, những gì của quê hương hiện lên mới chân thật, tha thiết và đẹp đẽ. Nha Trang mùa đẹp nhất (Chibooks và NXB Lao động) của nhà văn Đào Thị Thanh Tuyền là một cuốn sách dường như nói thay cho nỗi niềm ấy. Nha Trang mùa đẹp nhất giống như một món quà ân tình mà chị gửi về quê. 

Liệu mấy ai biết mùa đẹp nhất của Nha Trang là lúc nào? Với tác giả, đó chính là tháng tám, lúc đó cảnh sắc nên thơ và đầy mời gọi với “sóng êm vừa đủ cho khách hụp lặn đã đời trong làn nước trong xanh nhìn tận đáy cát, có lũ cá bé tí lượn lờ, cảm giác như quơ tay là tóm được”. Lật giở từng trang sách, có cảm tưởng như đang được tác giả – một thổ địa mến khách, cầm tay rồi vừa đi vừa thủ thỉ cho nhau nghe về những nơi chốn quen thuộc lẫn mới lạ từ thành phố tứ bề giăng núi. Viết về một vùng đất nào đó mà khi đọc xong, người đọc có cảm giác thôi thúc được đến, để được ngao du, khám phá và tìm hiểu về vùng đất đó, thì đó là một cuốn sách thành công. Và Nha Trang mùa đẹp nhất là một cuốn sách như vậy. 

3. Với 35 bài viết, tập tùy bút Rửa chén cùng mẹ (NXB Tổng hợp TPHCM) của nhà báo Nguyễn Đình Xê để lại ấn tượng bởi giọng văn mộc mạc, rất mực chân tình. Đó giống như những lát cắt trong cuộc sống, mà nhiều trong số đó đã là chuyện của quá khứ nhưng vẫn còn để lại dư âm trong lòng tác giả. Là sự biết ơn khi được hưởng cái dìu dặt thanh tân, gợi mở cảm hứng bình yên cho một ngày mới từ tiếng đàn của một nhạc công khiếm thị. Là giây phút cảm động khi gặp lại người thầy cũ qua nét chữ quen thuộc trong thân phận của một công nhân… 

Trong Rửa chén cùng mẹ, người đọc còn có cơ hội ngẫm ngợi nhiều bài học về luân thường đạo lý, được tác giả đúc kết bằng những câu chuyện giản dị như Ngoại dạy chúng tôi nhắm mắt, Chuyện hạt nhãn, Chạm vào nhau, Chịu ơn tiếng đàn… Cũng ở đó, qua nhiều trang, người đọc còn thấy bóng dáng của đồng nghiệp, đồng môn của tác giả cùng vài văn nghệ sĩ như nhà văn Thu Bồn, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, họa sĩ Chóe…

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến những bài viết về quê cũ, về những người thân ruột thịt của tác giả. Bởi đó cũng là những bài viết khiến người đọc không khỏi rưng rưng. Là giây phút chạnh nhớ đến người cha trong một lần đi cắt tóc, hay lúc cha băng đồng lội suối vời cho được thầy thuốc danh tiếng ở phương xa để giành lấy đứa con từ thần chết. Là khoảnh khắc ấm áp khi rửa chén cùng mẹ, để rồi sau này “loay hoay hoài mà chẳng tìm đâu ra cái chén năm xưa mình suýt đánh vỡ”. Đó là khi tất cả những yêu thương đã nằm lại trong quá khứ, nhưng vẫn được nối tiếp đến sau này bằng sợi dây kỳ diệu của ký ức.

HỒ SƠN

nguồn: https://www.sggp.org.vn/sach-cho-ngay-gian-cach-754261.html