Khai sanh tên Lê Lade và Chuyện tập tàng

Lade, cái tên nghe có vẻ sính ngoại ghê!

Đúng vậy. Tui vốn dĩ rất khoái ngoại… ô. Ở phố xá đông đúc, ồn ào náo nhiệt riết nên rất cần những khoảng không gian yên tĩnh, hít thở không khí trong lành cho sảng khoái lồng ngực. Hồi nhỏ xíu tui hay được ba má dắt đi, tới nay lớn thì có chứ khôn thì chưa, tự mình cũng thường dìa“Vùng ngoại ô”. Mà thiệt tình ra là dìa căn nhà nhỏ xinh của… ngoại ở ngoại ô. Trong dân gian có câu “Còn tiền dìa nội, hết tiền dìa ngoại”, vậy coi ra, dù ngoại nào – ngoại ô hay ngoại của ta – cũng đều lý thú.

Tác giả: Lê Lade
Nhà xuất bản: NXB Văn Hóa – Văn Nghệ
Công ty phát hành: NXB Văn hóa – Văn nghệ

Xưa, ông ngoại tui là công chức. Nhà công chức nào hồi đó mà chẳng cất vài chai la de mà bây giờ gọi là bia trong tủ lạnh. Rồi ở ngoài thể nào cũng để thêm một két, có khi chồng sẵn hai ba két nữa. Thằng con nít tui tò mò hổng biết có chi ngon trong chai la de mà ông ngoại nhấm nháp khà khà quá đã. Vậy là tui len lén chôm chĩa một chai, rủ vài thằng bạn nữa ra bờ ruộng khui uống thử. Tợp một ngụm, ui chu cha quá xá… đắng nghét, phun cái vèo chớ khà nỗi gì. Thằng nào cũng vậy, nhăn mặt thấy ớn, nên thôi dừng, đem cho mấy ông tuổi đã bẻ gãy sừng trâu.

Rồi hôm sau, ra đồng chơi gặp lại mấy ông này, mấy ổng búng tay kêu “Ê, la de?”, ý hỏi có la de hông. Bà con lại tưởng đâu kêu tên là Lade. Thứ nữa, la de gì mà la de mấy ông ơi, tởn tới già bởi cái mông sưng chù vù. Cái tội trộm cắp bị ông ngoại đét cho cả chục roi và thêm chục roi tội con nít con nôi bày đặt tập tành “chuyện của người lớn”, lại thêm mấy roi nữa tội rủ rê, làm đầu lãnh kéo bè kết bợm.

Hỗm đó, một thằng hổng chịu phun ra, ráng ực vô nên say mòng mòng, về bị ba nó khảo phải khai, bị ba nó dắt qua nhà tui mắng vốn. Trong lúc ông ngoại uýnh đòn, mỗi một roi ngoại còn kèm theo câu “la de nè”. Bà con cũng tưởng là uýnh thằng cháu tên Lade. Từ đó gặp mặt là kêu “Lade”, nên tui chết cái tên này. Ban đầu tui cũng mắc cỡ, quạu quọ cau có, sau thấy tên khá… lạ, dần dần khoái chí luôn, và cũng để nhớ “kỷ niệm” ăn trộm, hổng dám làm bậy nữa.

Lade, tên rặt Việt Nam chớ ngoại quốc, ngoại quyết gì đâu hà!

Nhà ngoại tui có rất nhiều rau tập tàng. Tập tàng là những loại rau mọc rài, tức là tự mọc trong tự nhiên, mọc dân dã trong vườn, ngoài đồng, hoang dã trong rừng. Tui khoái rau này lắm lắm, ăn miết không ngán, ăn miết nó thấm. Bởi vậy cái bản ngủ… ý lộn cái bản ngã cũng chẳng khác xa với nhóm rau này là mấy. Vị chỉ có một chút xíu ngót ngót, bùi bùi thôi còn lại là chua chua chát chát, cay nồng và đăng đắng. Nhưng vắng những mùi những vị này thì “đời còn gì mà vui” hen bà con cô bác!

Thường người ta nói “cà lăm hay nói”, với tui thì dốt mà khoái cầm cây viết. Cầm để… nói, để kể chuyện lan man, tào lao bát xế, chớ học hành như vậy thì lấy chữ nghĩa, văn chương đâu ra mà viết. Nên chuyện kể có của mình và có chút đỉnh của thiên hạ. Cũng toàn là chuyện nghe lóm được khi la cà ở đầu đường xó chợ, ở những quán cà phê lề đường, hẻm hóc, chuyện thiệt chuyện dóc,… quẩn quanh ở Sài Gòn chứ có bao giờ được… “xuất ngoại” đi đâu.

Nói ra nó bay lung tung tứ táng, xin lấy… rau “gói ghém” lại gọi là Chuyện tập tàng– tập tàng bút  vậy.

Và mấu chốt Chuyện tập tàngvẫn là chuyện khơi gợi để bà con cô bác có cái hứng chí nhớ lại, kể lại cho vui những kỷ niệm, lưu những chuyện đời,… chứ Lade tui hổng có đủ sức, đủ trình độ nói hết, nói sâu được đâu à nghen. Và chắc chắn rằng có nhiều chỗ còn nói trật lất, sai chỗ nào bà con cô bác chỉnh lý cho và xin thông cảm!

Ở tập xuất bản trước, Lade tui cầm cây viết nói về các thức uống (Bà con cô bác có thể tìm đọc cuốn 1: Sài Gòn, chuyện tập tàng (Lược sử truyền miệng thức uống Sài Thành)). Tập này nói tiếp về món ăn chính hàng ngày của bà con ta, vậy là chuyện thường ngày ở chỗ… “sanh chuyện” – cái miệng và cái bao tử, đó là cơm.

Thường, nói rằng “ăn uống”, vừa vần điệu vừa có nghĩa ăn xong mới uống. Uống trước no nước ăn đâu có ngon. Tánh tình ngược đời của tui thì bà con cô bác biết rồi, nói ngược hoài, nói uống rồi mới nói ăn.

Chân thành cảm ơn bà con cô bác lắm lắm!

Lê Lade