Sách “Bảy nàng con gái của Eva” ghi lại quá trình tìm mối liên kết giữa người hiện đại và cổ đại thông qua những sợi DNA đặc biệt.

Từ khi nhận thức về lịch sử, và sau đó là khoa học, loài người chưa bao giờ ngừng nhìn về quá khứ. Nhân loại tìm kiếm thông tin qua những bản viết cổ, những di tích còn sót lại trong lòng đất, hay thậm chí là những hành tinh xa xôi.

Cuốn "Bảy nàng con gái của Eva" do NXB Trẻ tái bản vào tháng 7 năm nay, xuất bản lần đầu năm 2008. Sách gốc có tên là "The Seven Daughters of Eve", xuất bản lần đầu năm 2001, thuộc thể loại sách khoa học. Ảnh: Ngạn Bình
Cuốn “Bảy nàng con gái của Eva” do NXB Trẻ tái bản vào tháng 7 năm nay, xuất bản lần đầu năm 2008. Sách gốc có tên là “The Seven Daughters of Eve”, xuất bản lần đầu năm 2001, thuộc thể loại sách khoa học. Ảnh: Ngạn Bình

Song, đối với giáo sư Bryan Sykes của Đại học Oxford, Anh, một chuyên gia hàng đầu thế giới về DNA và tiến hóa nhân loại, câu trả lời về nguồn gốc loài người có thể được tìm thấy ở ngay trong chính chúng ta, thông qua những sợi DNA không bao giờ bị phá hủy, thứ được truyền từ người nguyên thủy cho đến tận ngày nay.

Năm 1994, Bryan Sykes được mời để khám nghiệm tử thi của một người đàn ông sống vào khoảng 5.000 năm trước bị đông cứng trong băng đá tự nhiên ở miền bắc Italy. Việc lấy được mẫu DNA của Người Băng vào thời điểm đó đã làm say mê giới nghiên cứu và báo chí trên toàn thế giới. Nhưng điều làm cho câu chuyện của Bryan Sykes trở nên lôi cuốn hơn cả chính là việc ông tìm ra một hậu duệ của Người Băng – một phụ nữ đang sống ở nước Anh vào thời điểm đó.

Khám phá này đã dẫn Bryan Sykes tiến vào một lĩnh vực mới khi ông nhận ra mỗi con người đều mang ngay trong từng tế bào một thông điệp từ tổ tiên của mình. Nó nằm trong thứ gọi là DNA ty thể – loại gen được truyền đi nguyên vẹn trong nhiều thế hệ thông qua một dòng những người mẹ.

Với những tiến bộ của công nghệ nghiên cứu di truyền và quá trình miệt mài nghiên cứu hàng ngàn mẫu DNA, Bryan Sykes lần lượt tìm ra bảy người phụ nữ được xem như những tổ mẫu của người châu Âu. Nghiên cứu của Bryan Sykes chỉ ra rằng có hơn 95% người Tây Âu bản xứ là hậu duệ của một trong bảy người phụ nữ này, và vì vậy họ được gọi là “Bảy người con gái của Eva”.

Tác giả Bryan Sykes (1947-2020), từng là giáo sư Di truyền học Người của Đại học Oxford, là người đầu tiên công bố sự tái tạo DNA cổ từ xương năm 1989. Ảnh: Wolfson College
Tác giả Bryan Sykes (1947-2020), từng là giáo sư Di truyền học Người của Đại học Oxford, là người đầu tiên công bố sự tái tạo DNA cổ từ xương năm 1989. Ảnh: Wolfson College

Trong cuốn sách Bảy nàng con gái của Eva, ông lần đầu tiên mô tả lịch sử của thế giới từ hơn 100 nghìn năm trước thông qua di truyền học. Đồng thời, đây cũng là câu chuyện của riêng tác giả trong chuyến hành trình kỳ thú tìm về quá khứ, những ngọt bùi và cả đắng cay của ngành nghiên cứu khoa học mũi nhọn đứng đằng sau những khám phá này. Nhiều thông tin về di truyền học có thể là thách thức lớn đối với những độc giả thông thường, song Bryan Sykes (bên cạnh công việc khoa học còn là một phóng viên truyền hình) đã dùng lối kể chuyện gần gũi và giàu liên tưởng để giúp câu chuyện trở nên dễ hiểu và hấp dẫn hơn.

Bảy thị tổ của người Tây Âu được cho là đã sống vào khoảng 45.000 – 10.000 năm trước. Mỗi người, theo như Bryan Sykes giải thích, không nhất thiết phải là người phụ nữ duy nhất ở thời điểm họ đang sống, mà là người duy nhất có được mối dây liên hệ theo dòng mẹ liên tục đến ngày nay. Họ không hiện lên như những người nguyên thủy xa lạ, mà với những cái tên được đặt cho lần lượt là: Ursula, Xenia, Helena, Velda, Tara, Katrine và Jasmine. Bằng những thông tin có được nhờ di truyền học, kết hợp với các tài liệu khảo cổ học, khí tượng học, những quy luật di cư của loài người lúc đó, Bryan Sykes đã phác họa những nét chính về thời kỳ và cuộc sống của những người phụ nữ này.

Tranh minh họa hình ảnh Adam và Eva ở vườn địa đàng. Ảnh: palaisdurosaire
Tranh minh họa hình ảnh Adam và Eva ở vườn địa đàng. Ảnh: palaisdurosaire

Một số phần trong sách được viết ra theo trí tưởng tượng của tác giả để làm sinh động hơn cuộc sống của bảy người con gái, song công trình của Bryan Sykes vẫn đem lại một cách tiếp cận khoa học và phiêu lưu về thời đại trước cả bình minh của lịch sử. Bên cạnh đó, quá trình nghiên cứu của ông cũng đem lại nhiều khám phá thú vị như chuyện ông xác định hài cốt của Sa hoàng Nicholas và Sa hậu Alexandra thông qua DNA của hai người họ hàng đang sống, hay chuyện ông tìm ra nguồn gốc Tây Phi của một phụ nữ Caribe mà tổ tiên của bà đã bị bán làm nô lệ hàng thế kỷ trước.

Phần lớn cơ sở nghiên cứu của cuốn sách được tiến hành ở Polynesia (một phân vùng của châu Đại dương) và châu Âu, thông điệp gửi đến người đọc dường như chính xác khắp thế giới. DNA – sống trong mỗi tế bào của cơ thể chúng ta – đã đến với mỗi người qua hết thế hệ tổ tiên này đến thế hệ tổ tiên khác và có thể được khám phá.

Thông qua tác phẩm, Bryan Sykes còn đưa ra nhiều suy tư của một nhà khoa học, rằng liệu những tiến bộ ngày nay có làm tăng thêm khoảng cách của con người với tổ tiên xa xưa, cũng như với các loài? Song, ông nhận ra rằng khám phá về DNA cũng chính là công cụ để tái kết nối con người với những bí ẩn của quá khứ và làm tăng thêm ý thức về bản ngã của mỗi cá nhân. Mỗi người không chỉ là hiện thân của hiện tại mà còn chưa đựng “món quà quý giá nhất” từ tổ tiên xa xưa.

Tờ Nature nhận xét sách: “Chính xác về mặt khoa học và dễ tiếp cận đối với người bình thường. Bảy cô con gái của Eva được công nhận là một tác phẩm quan trọng, đưa nhân học phân tử đến với đông đảo khán giả”. Còn theo Wall Street Journal, sách “thú vị, trực tiếp và rõ ràng. Một cái nhìn hấp dẫn về nhân học trong kỷ nguyên của gen”.

nguồn: Ngạn Bình/vnexpress