Có thể nói, trên thế giới này có loại thức uống gì thì Sài Gòn cũng có, trong cuốn sách vừa mới phát hành Sài Gòn chuyện tập tàng (ảnh, NXB Văn hóa Văn nghệ) đã cho thấy điều này. Hơn thế, tác giả Lê Lade đã thông qua các loại thức uống, cách dùng các loại thức uống để khái quát nên một Sài Gòn với văn hóa đa chiều.

Lê Lade, cái tên nghe lạ hoắc lạ huơ (phát âm theo giọng miền Nam là lạ quắc lạ quơ), nhưng nếu độc giả nào từng đọc qua bộ sách Sài Gòn – Một sợi tơ lòng (NXB Trẻ), hẳn sẽ nhận ra tác giả của giọng điệu têu tếu, tưng tửng mà có duyên của bộ sách đó, Lê Hoàng Hựu cũng chính là tác giả của tập tạp văn này. Về gốc gác của bút hiệu mới toanh này, Hựu cho biết lúc nhỏ anh đã trộm mấy chai bia Lade của ông ngoại đem ra bờ ruộng rủ bạn bè uống thử. Bị ông ngoại đánh đòn và từ đó “chết tên” Lade với đám con nít của vùng ngoại ô Sài Gòn khi đó.

Lê Lade gọi tập sách là “Chuyện tập tàng” như một nồi canh rau đủ loại hái trong vườn nhà thường xuất hiện trong các bữa ăn của người Việt, thay vì tạp bút hay tản văn. Chuyện tập tàng là những câu chuyện kể cà riềng cà tỏi của một gã sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, trung niên theo tuổi tác, nhưng vẫn còn “trẻ trâu” lắm lắm ở tâm hồn. Có lẽ, Sài Gòn một thời, nhất là vùng ngoại ô vẫn còn nguyên sơ với kênh rạch, cây cối, ruộng vườn trong ký ức chưa bao giờ tàn phai của Lê Lade.

Nhà văn Nguyễn Thành Nhân, cũng sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, nhận xét: “Lê Lade viết cà riềng cà tỏi, nhưng lôi cuốn, cầm lên đọc rồi là bứt không ra. Từng trang, từng câu chuyện mở ra những hồi ức với cánh đồng, khu vườn nhà nho nhỏ, ngọn đồi cao nguyên heo hắt…; những tao ngộ với các bậc kỳ nhân dị sĩ khi lê la quán xá, khi đột nhập vào hầm rượu… dẫn dắt chúng ta vào thế giới ẩn mật khôn lường của “kính thưa các loại chất lỏng có cồn và không cồn, có đường và không đường…”, túm lại một câu là những thứ có thể nốc một cái ực cả ly hoặc nhâm nhi từng ngụm”.

Sài Gòn, trong tựa đề của sách, chỉ là phạm vi mà từ đó những câu chuyện phát sinh. Thật ra, tác giả dẫn người đọc tới tận những phương trời Á Âu xa lạ, hoặc đi dọc theo những dặm đường dài đất nước, từ Ải Nam Quan tới Mũi Cà Mau, lần về nguồn của các thức uống đã và đang hiện diện ở Sài Gòn. Chẳng hạn, về nguồn gốc của rượu đế được lý giải: “Nấu rượu ở đâu, giấu rượu ở đâu ngon lành nhứt? Hổng ở đâu ngon lành bằng các ruộng cỏ lát, cỏ tranh, lau sậy,… sau vườn, sau rẫy. Nhưng tốt nhứt phải kể đến những ruộng cỏ đế bạt ngàn um tùm thời đó. Cho nên tên rượu đế xuất phát từ đây. Ở miền ngoài thì kêu là quốc lủi hay cuốc lủi”.

Người Hà Nội thường mời khách về nhà, còn người Sài Gòn hay mời bạn ra quán. Đó là nét khác nhau khi mà ở quán có nhiều loại thức uống để bạn tha hồ lựa chọn. Nhà văn Nguyễn Thành Nhân kể: “Chỉ xin bổ sung một chi tiết, mà tôi nghĩ cũng rất ư thú vị: Vài năm trước, trên bước đường lưu lạc quán xá đầu đường cuối phố, tôi và tác giả đã tình cờ quen biết nhau trong một buổi “tửu phùng tri kỷ”.

Vì vậy, sau này câu chào đầy tình thương mến thương của một dân nhậu Sài Gòn: “Bạn thân mến, hẹn gặp lại bạn ở Quán Tai Heo! Quán Tai Heo là loại quán bình dân thường gặp ở Sài Gòn và cũng là tên một truyện ngắn của nhà văn Bình Nguyên Lộc”.

Sài Gòn chuyện tập tàng được tác giả ghi chú: “Lược sử truyền miệng thức uống Sài Thành” thiết tưởng chỉ là chuyện lê la nghe rồi chép lại, nhưng đọc hết 200 trang sách thấy được sự “say đắm Sài Gòn chính hiệu” của tác giả dành cho thành phố này mới có thể nhớ nhiều đến vậy thông qua các loại thức uống mà người Sài Gòn dùng hàng ngày từ xưa đến nay.

theo SONG NHÂN/ SGGPO