Ngày 25-4, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật phối hợp Đài Tiếng nói Việt Nam và gia đình tổ chức lễ ra mắt cuốn tự truyện “Sống đến bình minh” của cố nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh. Đây là tự truyện đầu tiên của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh, ghi lại một hành trình cuộc đời nhiều thăng trầm, gắn chặt những sự kiện lịch sử của đất nước.

"Sống đến bình minh" - tự truyện của cố nhà báo Trần Mai Hạnh
“Sống đến bình minh” – tự truyện của cố nhà báo Trần Mai Hạnh

Nhà báo Trần Mai Hạnh là một chứng nhân nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước; một phóng viên chiến trường theo chân đoàn quân giải phóng; một nhà quản lý giai đoạn đất nước bắt đầu Đổi mới và đối mặt nhiều vấn đề kinh tế nan giải; hay đơn thuần, là một viên chức nghèo sống trong thời bao cấp. Dù ở vai trò nào, ông cũng là một thư ký đầy trách nhiệm của thời đại, với các ghi chép tỉ mỉ về sự kiện, con người, về cả những cảm xúc riêng tư.

Một tài liệu tuyệt mật thu thập được trong Dinh Độc lập vào buổi trưa ngày 30-4; một văn bản hành chính; hay một lá thư riêng của một người bạn xưa, tất cả đều được tác giả Trần Mai Hạnh lưu giữ cẩn trọng suốt hơn nửa thế kỷ. Để rồi được tái hiện trong Sống đến bình minh.

Bà Phạm Thị Thinh, Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập NXB Chính trị Quốc gia Sự thật chia sẻ: “Có thể nói, trong các tác phẩm của ông luôn có sự kết hợp nhuần nhuyễn, uyển chuyển, hài hòa giữa “chất văn” và “chất báo”, vừa bảo đảm tính lịch sử, thời sự của báo chí, song cũng thấm đẫm chất trữ tình, bay bổng của văn chương. Điều này đã tạo nên nét riêng, không lẫn với bất kỳ cây bút nào của tác giả Trần Mai Hạnh”.

Cuốn sách là những lát cắt cuộc đời của tác giả từ hình ảnh thị xã Hải Dương nhỏ nhắn, yên tĩnh tràn ngập niềm vui những năm đầu được giải phóng khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. Rồi chàng trai tỉnh lẻ trở thành sinh viên văn khoa Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; ra trường trở thành phóng viên Việt Nam Thông tấn xã và trong suốt 10 năm (1965-1975) lăn lộn trên các mặt trận chiến trường trong Nam, ngoài Bắc; đã may mắn có mặt chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên của giới báo chí Việt Nam về những giờ phút lịch sử diễn ra trưa ngày 30-4-1975 tại Dinh Độc Lập…

Trong gần 700 trang sách "Sống đến bình minh", độc giả được đối thoại với một người viết giàu rung cảm với cuộc sống, yêu thương con người
Trong gần 700 trang sách “Sống đến bình minh”, độc giả được đối thoại với một người viết giàu rung cảm với cuộc sống, yêu thương con người

Độc giả cũng sẽ theo bước tác giả vào những ngày tháng đổi mới báo chí, những ngày cùng các đồng sự tạo dựng diện mạo của xã hội thông tin như chúng ta thấy ngày nay, trong tư cách Thư ký tòa soạn Bản tin “Bóng đá Espana 82”, Tuần báo Văn hóa, Thể thao Quốc tế; Phó Tổng Biên tập Thường trực các Báo Tuần Tin Tức, Tin Tức Buổi chiều của Thông tấn xã Việt Nam; Tổng Biên tập Tạp chí Nhà báo và Công luận của Hội Nhà báo Việt Nam.

Có mặt tại buổi ra mắt sách, nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ: “Anh Hạnh yêu nghề đến quên mình, mà phải như vậy mới làm được; nghề văn chương, nghề báo chí vất vả lắm!”. Với nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà báo Trần Mai Hạnh đã để lại bài học về sự cố gắng, kiên trì để đến được với bình mình của mình.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều có cùng quan điểm khi khẳng định: “Nhà báo Trần Mai Hạnh đúng là đã đi qua bóng tối cuộc đời, ở cả thời chiến lẫn thời bình để đến được ngày tươi sáng”.

Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh qua đời ngày 2-4-2024. Tự truyện Sống đến bình minh được ra mắt đúng dịp kỷ niệm chiến thắng 30-4-2024, theo di nguyện của ông.

Theo chia sẻ của gia đình, đây sẽ chưa phải tác phẩm cuối cùng, bởi trong máy tính của ông vẫn còn bản thảo đang viết dở, những thước phim về lịch sử Việt Nam đang chờ ngày thành hình… Gia đình tin rằng, hành trình của nhà báo Trần Mai Hạnh chưa kết thúc và vẫn sẽ được yêu thương, kề vai sát cánh.

nguồn: Sài Gòn giải phóng