Được xem là đề tài lớn để những người cầm bút khám phá và sáng tạo, tuy nhiên, đến nay sách về đề tài biển đảo mà cụ thể là cuộc sống và chiến đấu của quân dân ta ở quần đảo Trường Sa vẫn còn khá hạn chế.

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên (ngoài cùng bên phải) trong buổi ra mắt bộ sách Trường Sa! Biển ấy là của mình tại Đường sách TPHCM
Nhà văn Bùi Tiểu Quyên (ngoài cùng bên phải) trong buổi ra mắt bộ sách Trường Sa! Biển ấy là của mình tại Đường sách TPHCM

Chưa tương xứng

Một trong những tác phẩm viết về Trường Sa được xuất bản sớm nhất là truyện ký Đảo chìm của nhà thơ Trần Đăng Khoa, xuất bản lần đầu năm 2000. Tiếp đến, năm 2008, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy ra mắt tiểu thuyết Biển xanh màu lá. Cả hai tác giả đều là những người lính từng công tác ở Trường Sa nên những trang viết của họ mang đến hiện thực sinh động và hấp dẫn, tạo nên luồng dư luận tích cực về tác phẩm.

Hàng năm, trong những chuyến thăm Trường Sa, có nhiều người là nhà báo, nhà văn, nhà thơ. Chính điều này góp phần bổ sung thêm những tác phẩm về Trường Sa. Điển hình như, sau chuyến đi vào tháng 4-2019, nhà văn Bùi Tiểu Quyên lần lượt ra mắt truyện dài thiếu nhi Cà Nóng chu du Trường Sa (NXB Kim Đồng) và bộ sách tranh Trường Sa! Biển ấy là của mình (Lionbooks và NXB Hà Nội). Nhà thơ Lữ Mai ngay sau chuyến công tác ra quần đảo Trường Sa và khu vực Nhà giàn DK1 vào năm 2019, với cảm xúc còn nóng hổi, chị đã cho ra mắt hai tập tản văn Nơi đầu sóng và Mắt trùng khơi (in chung với kỹ sư Trần Thành). Năm 2020, chị xuất bản trường ca Ngang qua bình minh.

Tuy đề tài biển đảo Tổ quốc đã được nhiều tác giả quan tâm hơn, nhưng nhìn vào số tác phẩm đã xuất bản, không khó để nhận thấy vẫn còn quá ít so với các đề tài khác. Nhà thơ Lữ Mai bày tỏ: “Tôi nghĩ rằng, không chỉ tôi mà số đông người làm nghề và độc giả đều chung cảm nhận sách viết về Trường Sa còn rất khiêm tốn về số lượng, chưa tương xứng với thực tế phong phú của đề tài đặc thù này”. Một điều đáng nói nữa là do thiếu các tác phẩm văn học, vốn được xem là nền tảng cho các loại hình nghệ thuật khác như sân khấu, điện ảnh… nên các lĩnh vực nghệ thuật này cũng ít có các tác phẩm về biển đảo.

Cần quan tâm đầu tư

Hơn 10 năm trước, NXB Kim Đồng ra mắt tủ sách Biển đảo Việt Nam với nhiều ấn phẩm được yêu thích và tái bản nhiều lần như Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa (Nguyễn Xuân Thủy), Trong giông gió Trường Sa (tuyển chọn những bút ký hay về Trường Sa của nhiều tác giả). Cùng với đó là những ấn phẩm Cùng em tìm hiểu Hoàng Sa – Trường Sa (Nguyễn Như Mai – Nguyễn Huy Thắng – Nguyễn Quốc Tín), sách ảnh Trường Sa nơi ta đến (Nguyễn Mỹ Trà)… Đặc biệt, nhiều tác phẩm văn học mới cũng được đưa vào tủ sách này như Cà Nóng chu du Trường Sa (Bùi Tiểu Quyên), Cá chuồn vượt biển (Lê Toán), Trường Sa kỳ vĩ và gian lao (Sương Nguyệt Minh)…

Theo chia sẻ của bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc – Tổng Biên tập NXB Kim Đồng, tủ sách Biển đảo Việt Nam mong muốn giới thiệu đến độc giả, nhất là các em nhỏ phần lãnh thổ của Tổ quốc mà có thể các em chưa có nhiều cơ hội được đặt chân đến. “Tủ sách Biển đảo Việt Nam cố gắng đa dạng về thể loại, bao gồm cả truyện, sách ảnh…, nhưng có một thực tế là các tác giả viết về đề tài này vẫn còn hạn chế, ít có các tác phẩm đầy đặn”, bà Vũ Thị Quỳnh Liên cho biết thêm.

Khi ra mắt sách, chúng tôi đã tự đặt ra cho mình nhiệm vụ tuyên truyền về biển đảo với phạm vi vượt khỏi nội dung sách. Chúng tôi phối hợp các câu lạc bộ, nhà trường, đoàn thanh niên… tổ chức triển lãm ảnh về Trường Sa trong các trường từ mầm non tới đại học; giao lưu, tọa đàm; quyên góp quà cho bộ đội Trường Sa và hậu phương của các anh… Bằng nỗ lực cao nhất, chúng tôi cố gắng làm những gì mình có thể để Trường Sa gần hơn với mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ

Nhà thơ Lữ Mai

Với những ai một lần đặt chân đến quần đảo Trường Sa, mới thực sự hiểu rõ hơn về những hy sinh của cán bộ, chiến sĩ và người dân nơi đầu sóng ngọn gió. Họ chính là đề tài chân thực và sinh động nhất cho những trang viết. Nên chăng cần có sự quan tâm và đầu tư hơn cho đề tài Trường Sa. Bởi nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa, chính những tác phẩm đó góp phần “cắm thêm những cột mốc chủ quyền bằng văn chương cho quần đảo thiêng liêng, bất khả xâm phạm của chúng ta”.

nguồn: SGGPO