Cuốn sách đã khiến tôi nhiều lần suy nghĩ về đích đến của đời mình. Tác động của nó với tôi là không nhỏ. Mình nên làm gì để trở nên có ích…
 

“Thất lạc cõi người” của nhà văn Dazai Osamu là một cuốn sách được viết dưới dạng ghi chép của một người tên Ooba Youzou. Ngay từ đầu cuốn sổ ghi chép thứ nhất, Ooba Youzou đã viết một câu tóm tắt lại đầy đủ cuộc đời mình: “Tôi đã sống một cuộc đời đầy hổ thẹn”. Sinh ra trong một gia đình giàu có, nhưng lớn lên dần trở thành một tội nhân, một cuồng nhân, một phế nhân, và rồi đến chữ “nhân” cũng không thể giữ được. Cuộc đời của Ooba Youzou được vẽ lên bởi màu sắc của sự bất hạnh. Tất cả đều bất công, đều chỉ là sự lạnh lẽo đến tận cùng. Bằng chứng cho phần người còn sót lại của Ooba chính là bức tranh tự họa về “bản chất mà tôi luôn che giấu”, một bức tranh Ooba dùng cả tâm huyết để vẽ nên. Nó như một thứ để nhắc nhở anh rằng: “cậu đã từng là một con người”, nhưng rồi, nó cũng thất lạc sau nhiều lần chuyển nhà. Bằng chứng về phần nhân cách cuối cùng biến mất, đó cũng là khởi đầu cho chuỗi bi kịch kéo dài trong vô vọng của Ooba. Có thể, lời văn của Dazai Osamu có phần tàn nhẫn, nhưng rất thật. Thật đến không có chỗ cho tình cảm chen vào.  
 
Ooba tính đến chuyện tự tử không chỉ một lần. Với anh, có lẽ nó là một sự giải thoát, một lựa chọn dẫn đến sự bình yên vĩnh cửu. Tôi đã từng nghĩ, tại sao nhân sinh quan của một con người có thể lệch lạc, tệ hại đến nhường này ?
 
Tại sao lại phải ép bản thân vào nỗi tuyệt vọng, sa chân vào tệ nạn, lầm đường lạc lối, rồi hủy hoại tư cách được sống như một con người? Nhưng thật may mắn, tôi đã đọc lại cuốn sách một lần nữa, để chú ý đến những xung đột nội tâm vô cùng khắc nghiệt, những diễn biến tâm lí phức tạp tới mức khó hiểu. Sau đó, tôi nhận ra rằng, “Thất lạc cõi người” không cho ta cảm giác về một con người đang sống. Ooba có đấu tranh, anh đã từng muốn sống và nghĩ mình phải sống. Nhưng quyết tâm của anh không thể đấu lại với nỗi ám ảnh dai đằng đẵng từ khi còn thơ ấu. Ba lần quyết định tự tử, anh kéo theo hai người phụ nữ, hủy hoại cuộc đời của họ, hướng họ đến nỗi tuyệt vọng mà anh coi đấng cứu thế, như một sự giải thoát êm đềm.   
 
“Thất lạc cõi người” tuy nặng nề nhưng lại để lại rất nhiều ý nghĩa, nó thuộc kiểu sách không thể chỉ đọc một lần, đọc một lần thì sẽ không ngộ ra được cái hay thật sự. Cá nhân tôi thấy, “Thất lạc cõi người” là một tác phẩm hiện thực xuất sắc, nội dung tuy đơn giản, chỉ là những lời tự truyện của một thanh niên trẻ, nhưng lại khoáy sâu vào tiềm thức con người với sự bế tắc, nỗi tuyệt vọng, sợ hãi và căm phẫn với một lưỡi dao sắc lạnh mang tên “hiện thực”.
 
 “Thất lạc cõi người” đã giúp tôi thấy được những tầng ý nghĩ sâu xa ở đó, nơi phơi bày trần trụi những mặt tối của con người, điều mà không phải ai cũng có thể nhìn thấy được. “Thất lạc cõi người” là một cuốn sách đáng đọc, đáng ngẫm, đáng để dành một sự quan tâm, đáng để cảm nhận bằng trái tim mình…
 
Cuốn sách đã khiến tôi nhiều lần suy nghĩ về đích đến của đời mình. Tác động của nó với tôi là không nhỏ. Mình nên làm gì để trở nên có ích, nên sống sao cho thật với bản thân mình. Ooba đã thua cuộc, Dazai cũng thế, họ đều là người chùn chân trước số phận, phải tự chấm dứt cuộc đời. Họ trốn chạy khỏi thực tế, không dám đương đầu với hiện thực, để rồi mắc kẹt trong sự bế tắc. Thực tế luôn tàn nhẫn, khắc nghiệt với mọi người, ai cũng phải trải qua những biến cố trong cuộc đời, nhưng mấy ai có thể tự đứng lên, vượt qua số phận? Tôi có thể làm được không? Tôi phải cố gắng như thế nào? Làm sao để trở thành một “con người” đúng nghĩa? Tôi đã tìm được cho mình những câu trả lời nhất định sau khi gấp cuốn sách lại như thế.
 
Tô Mai Phương 
Lớp 11A5 trường PTTH Hạ Hòa, huyện Hạ Hòa tỉnh Phú Thọ

Nguồn: báo Phụ nữ Thủ đô