Có một sự dẫn dắt mộng mị, mê hoặc của Đỗ Bích Thuý ở tập tản văn mang tính tự sự đầy cảm xúc “Tôi đã trở về trên núi cao”.

“Cảm ơn những dấu yêu đã níu giữ trái tim, tâm hồn này. Tôi tặng tôi cho bạn, bằng vào những mến thương tha thiết mà chúng ta có thể chạm tới”, như một sự tạm khép lại cánh cửa tâm hồn của nhà văn Đỗ Bích Thúy trong tập tản văn mang tính tự sự đầy cảm xúc “Tôi đã trở về trên núi cao” – Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Nhà sách Liên Việt.

Nói đến nhà văn Đỗ Bích Thúy, chắc chắn những người yêu văn chương Việt đương đại khó quên được một cú “sốc” ở Nhà số 4 – Nickname của Trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 4 Lý Nam Đế, Hà Nội, vào 18 năm trước, cô sinh viên người Hà Giang mới tốt nghiệp đại học đã đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn của tạp chí với chùm truyện ngắn gửi đến vào những khoảnh khắc cuối cùng, đánh bật rất nhiều tên tuổi “cây đa cây đề” của làng văn chương Việt lúc ấy.

Nhà văn Đỗ Bích Thuý.

Và hiện tại, với quân hàm Trung tá, và vị trí Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhà văn Đỗ Bích Thúy sau 19 cuốn sách từ truyện ngắn đến tiều thuyết, những kịch bản phim từ tác phẩm của mình: Chuyện của Pao, Lặng im dưới vực sâu, Người yêu ơi, Chúa Đất, như một quãng dừng, hay sống chậm lại để nhìn vào chính mình, đễ trải lòng với những độc giả thân yêu bao nhiêu năm qua của mình trong “Tôi đã trở về trên núi cao”.

Có thể nhận ra một sự liên kết xuyên suốt qua 30 tản văn được tác giả “ngầm” chia ra ba phần, từ thuở niên thiếu trong veo như giọt sương sớm ở miền rừng cao nguyên đá, đến khi trưởng thành dù hòa vào cuộc sống phồn hoa đô hội Thủ đô vẫn giữ trong sâu thẳm khí chất “rừng và đá” trên từng trang viết , và tình bạn đẹp như trăng sao trong thế giới màu sắc đa chiều của những thi – họa tài hoa Việt…

Như một sự dẫn dắt mộng mị, mê hoặc, tác giả kể về những ngày thơ bé của mình ở miền rừng với những câu chuyện tưởng rằng rất vu vơ trẻ con, nhưng lại đầy những chi tiết gợi cho trí tưởng tượng bay bổng, nhiều hình ảnh rậm rịt như tầng tầng lớp lớp rừng cổ thụ, điệp điệp trùng trùng như những ngọn núi tai mèo, nhưng dưới ánh mắt trẻ thơ của tác giả lại trong veo như sương mai.

Ngay những tựa đề nho nhỏ mà gợi bao nhiêu si mê, như cùng với tác giả xuyên không lạc vào một cõi xưa cổ tích nơi miền rừng cao nguyên đá Hà Giang vừa bí ẩn vừa kỳ vĩ, vừa quyến rũ vừa kỳ lạ, vừa đẹp như bức tranh thủy mặc thần tiên lưu bút, lại vừa run rẩy sờ sợ lành lạnh như chạm vào thế giới ma mị liêu trai: Vạn năm triệu năm, Ngồi trên những đám mây, Người có thể yêu người, Chết chỉ là một cuộc rong chơi, Bà Đỉnh và những câu chuyện bịa tạc, Cá trẻo trên đồi…

Đôi khi rưng rưng như thấy mình đâu đó trong những hoài niệm ký ức xưa của tác giả. Từ hình ảnh người bố chỉn chu nghiêm khắc nhưng không bao giờ đánh roi con, yêu thương nâng niu con mình từ đôi guốc đi dưới chân trong Ký ức đôi guốc đỏ. Hay hình ảnh người mẹ chịu thương chịu khó tần tảo chăm sóc lũ con trong Tôi ngồi bên mẹ trong đêm lạnh buốt…

Và không biết có ai khi đọc Cây có vui buồn, mang cảm giác trở về một miền đồng quê, để nói chuyện cùng với những cây rau, ngắm nghía vẻ đẹp của chúng từ khi là mầm cây đến ra lá ra hoa kết củ kết quả… Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là cái cách tác giả viết về những cây rau đó, như những món quà tặng đặc biệt, như một sự biết ơn: Hôm nay mày tặng mày cho tao nhé rau. Và từ đấy, từ cái lúc cắt cây rau mà bảo nó trao tặng mình ấy, đứa bé con là tôi đã nghĩ: Trao tặng là một niềm hạnh phúc…

Hà Nội gắn với đam mê nghề và nghiệp văn chương, cũng là một phần cuộc sống  gia đình nho nhỏ ấm áp của nhà văn Đỗ Bích Thúy. Có lẽ thế, khi viết về Hà Nội, vừa như sự khám phá rất riêng những góc khuất mang vẻ đẹp khác biệt của một người khách, vừa như tình yêu thật đằm sâu nhưng phảng phất một sự lo lắng sợ sẽ vuột mất khi lỡ có một cơn gió thoảng qua.
Hà Nội đã trao cho tôi tất cả những điều đó, vui và buồn, hạnh phúc và đắng cay, một vài thành công, không ít thất bại, nhưng hơn cả, Hà Nội cho tôi một thái độ sống – luôn trân trọng tất cả những gì đã đến, đang đến và có thể đến trong cuộc đời này – Một chỗ vừa vặn.

Khi trò chuyện với nhà văn Đỗ Bích Thúy, có một khoảnh khắc tôi thấy mình trong chính câu chuyện của chị khi kể về Tấm áo của mùa đông năm ngoái, tấm áo mùa đông như một người bạn, như một sự thân thuộc, như chính là mình đang gặp lại mình… Một sự đồng cảm rung động làm tôi cảm thấy xốn xang cả một chiều đầu thu trong một góc quán café Hà Nội cũng chứa đầy những ký ức xưa.

Những trải lòng của chị với những gì đã trải nghiệm, hay với nghề viết văn: Trong như sương rơi, Buồn bã nhưng hạnh phúc, Viết văn như đẽo một con quay, Những khúc quanh, Và một quãng nghỉ, Về nơi ra đi… Là những trăn trở, băn khoăn, là những lúc chị đang tự đánh giá mình, để có một ứng xử với mình tiếp theo. Những trang viết “rút ruột” này của chị, cảm giác chị đang “chín” trong nghề và cả nhân sinh quan.

Có chút gì ghen tị khi đọc những bài viết về tình bạn của chị. Chị có những người bạn tài hoa, nổi tiếng, và cách yêu của chị cũng rất khác biệt. Chị yêu bằng cách “đọc” những tác phẩm của họ để hiểu vị của họ, chia sẻ, cảm nhận: Người thì cho tôi sự cẩn trọng tận cùng… Người cho tôi thái độ sống, làm việc thật bằng an… Người thì cho tôi sự tha thiết với mọi điều dù là nhỏ bé trong cuộc sống… Người cho tôi một nỗ lực làm việc không mệt mỏi…  – Bạn bè là những người thầy.

Với họa sĩ Lê Thiết Cương là Trên bề mặt dưới dòng chảy, là sự quan sát và học hỏi cách thẩm thấu sự vật để tinh giản khi thể hiện, để tạo nên chất ngọc trong tác phẩm nghệ thuật. Cũng nói thêm, họa sĩ Lê Thiết Cương đã thiết kế mỹ thuật cho “Tôi đã trở về trên núi cao” rất đặc biệt, trong cuốn sách còn có 5 bức tranh minh họa của anh vẽ theo lối giản lược rất độc đáo. Tranh được in bằng kỹ thuật khá phức tạp, đưa tay sờ vào thấy tranh nổi trên giấy, làm cho cuốn sách thật sự là một tác phẩm văn chương – mỹ thuật.

Ngoài ra bạn đọc còn có thể Lưu lạc thế gian với Đỗ Doãn Hoàng, Về nhà với A Sáng, khám phá Nàng Olga Việt Nam Nguyễn Thụy Anh, nghe Câu chuyện hoa sen cùng họa sĩ Phạm Hà Hải, và Mộng ở trong vườn với nhà văn Nguyễn Văn Thọ…

Đẹp đến lụi tàn, Không bao giờ buồn thì có gì vui? Hai tản văn cuối của “Tôi đã trở về trên núi cao” như thêm một lần nữa sự khẳng định sự trở về của chính bản thân tác giả, để trải tâm tình đến bạn đọc, để những trang viết càng đẹp hơn ở từng câu, từng trang, như lưu giữ trong sâu thẳm không chỉ là ký ức của nhà văn Đỗ Bích Thúy mà còn thấp thoáng ký ức của bao người đã được Thúy khơi gợi lại, mỗi ký ức là một vẻ đẹp để trân trọng hơn cuộc đời, để yêu hơn và tin hơn những gì sẽ đạt được trong tương lai./.

theo CTV Hoài Hương/VOV.VN