Dưới biển, cá không ngừng biến đổi. Chúng bị săn đuổi bởi những động vật săn mồi mới, bò sát biển, như những con Nothosaurus hoặc Ichtyosaur.

Chúng ta đang trong một khu rừng dương xỉ. Nhưng chú ý nhé, không phải là những cây dương xỉ bé tí mọc trên các vách đá hiện nay đâu. Vào thời kỳ này, đó trước hết là những cây dương xỉ “thân gỗ”, nghĩa là chúng to lớn như những cây thân gỗ.

Đột nhiên, một tiếng kêu khiến bạn đứng tim vang lên trên bầu trời và một cái bóng lướt qua trên vòm lá. Đó là một con dực long (Pterosaur), một trong những con đầu tiên! Chú ý, nó không phải là khủng long, mặc dù tên của nó có chữ “long”. Pterosaur có nghĩa là “thằn lằn bay”. Và đúng là nó giống một con thằn lằn thật. Nhưng nó to lớn giống như bạn!

Mỏ của nó dài và thẳng, khiến người ta liên tưởng đến mỏ của con cò, trừ việc ở bên trong che giấu chừng một trăm cái răng. Cái đuôi dài của nó rất mảnh, chóp đuôi có một màng da rộng, hẳn là để giúp nó giữ thăng bằng trong lúc bay. Nó chậm rãi lượn lờ trên bầu trời, sử dụng những dòng khí nóng để bay lên, rồi nó bắt đầu đập cánh và đậu xuống rìa của một vách đá nhỏ.

Tổ tiên của con dực long này là những động vật bốn chân ở trong rừng. Chúng ta đã gặp chúng cách đây vài triệu năm, bạn còn nhớ chứ? Chúng đã leo lên cây và vươn mình vào khoảng không, bay lượn nhờ một màng da căng ở mỗi bên thân… Đúng rồi, dần dần, thế hệ này tiếp thế hệ khác, các ngón thứ tư của hai chân trước dài ra, dài ra nữa và những màng da rộng móc vào đó trở thành những cái cánh thực sự.

Con dực long vẫn ở trên vách đá. Lúc này, nó bước đi bằng cả bốn chi, hai ngón dài bị lật ngửa, chĩa lên trời. Nó nghiêng mình vào không trung rồi bụp, nó thả mình xuống, xòe đôi cánh và rời đi với vẻ duyên dáng. Nó bay liệng bên trên dòng sông, uốn lượn giữa những cái cây. Rồi nó lướt bay trên nước. Không hạ cánh và gần như không có chút nước nào bắn lên, từ đầu mỏ, bụp, nó bắt được một con cá lơ đễnh dưới mặt nước, trước khi lấy lại độ cao.

Dực long (Pterosaur) không phải là khủng long, mà là “thằn lằn bay”. Tranh: NXB Kim Đồng.

Tự Nhiên đôi khi đã thực sự bày ra những cảnh tượng kỳ lạ: khi ta nhìn nó thật gần, sinh vật này đối với chúng ta có vẻ như thật kinh khủng và đáng sợ, cặp mắt nó lạnh lùng và cái mỏ dài nhọn hoắt, trong khi nhìn từ xa, nó nhẹ nhàng vờn trong dòng khí và thể hiện một màn trình diễn duyên dáng…

Thực ra, Tự Nhiên không tạo ra cái đẹp và cái xấu. Trong những khu rừng cũng như dưới đáy đại dương, từ những đầm lầy đến nơi kiệt cùng sa mạc, Tiến Hóa luôn lựa chọn tính hiệu quả và sẽ nực cười khi biết rằng chúng ta thấy kết quả là đẹp hay xấu.

Hơn nữa, về mặt hiệu quả, Tự Nhiên dành cho chúng ta một sự ngạc nhiên khác đầy bí ẩn. Hãy nhìn kìa, đằng kia, ngay đó, một chiếc lá bắt đầu tiến lên giữa những chiếc lá khác! Nó ngập ngừng tiến lên vài centimet rồi bất động. Khi không động đậy nữa, nó giống y như mọi chiếc lá khác. Rồi nó lại tiến lên…

Để biết rõ đích xác, cần phải lại gần. Và ta phát hiện ra một con vật dài bằng bàn tay bạn, dùng bốn chân với những ngón quặp vào treo mình trên một cọng cây. Đó chính là con Hypuronector. Thật không tin nổi, thân mình nó dẹt và màu xanh lá. Cái đuôi nó có hình dạng và màu sắc chính xác của một chiếc lá!

Con vật láu cá này là một bản sao chép hoàn hảo của cảnh trí mà nó sống. Vậy nên nó có quyền năng trở nên gần như vô hình. Một con dực long có thể đậu cách nó 10 cm mà không hề nhìn thấy nó. Người ta gọi hiện tượng này là ngụy trang. Đó là một cách thức tuyệt vời để tránh những kẻ săn mồi.

Còn những kẻ săn mồi, đâu có thiếu ở xung quanh! Một loài cá sấu đang sục sạo các bờ sông để tìm ếch nhái. Đó là một con thằn lằn chúa khá giống với một số loài mà chúng ta đã gặp. Hai chân sau của nó dài hơn hai chân trước, khiến cho nó bước đi mà giống như chổng mông lên trời. Tất nhiên, đó chỉ là cách nói thôi, bởi vì lũ thằn lằn chúa không có mông. Tự Nhiên chỉ sáng tạo ra những cái mông trong rất, rất lâu sau, và chỉ con người và vài loài linh trưởng mới có quyền sở hữu, để mà ngồi ấy mà!

Thế thì có điều gì thật đặc biệt ở con thằn lằn chúa có cái đầu cá sấu này? Cũng không có gì đáng kể. Trừ việc nó là tổ tiên của tất cả khủng long, chắc chắn là tất cả khủng long, những con vật sẽ hiện hữu trên Trái Đất trong hơn 160 triệu năm! Con thì sống trong những khu rừng ẩm ướt, con thì ở những vùng lạnh giá, con thì chạy trên sa mạc nóng bức, con thì đi trên hai chân, con thì đi trên bốn chân…

Tất cả bọn khủng long đều là cháu chắt chút chít của con vật có hình dáng khá tầm thường này. Cần phải ngả mũ chào nó mới được! Và đã thật sự đến lúc đi gặp gia đình mới này…

theo: Sự sinh thành thế giới – Bertrand Fichou, Florent Grattery / NXB Kim Đồng
Sách viết về lịch sử hình thành vũ trụ, Trái Đất và muôn loài với lời văn giàu hình tượng, hài hước và dễ cảm. Ở đó, độc giả trở về thuở hồng hoang, hồi hộp dõi theo hành trình tiến hóa của các loài từ sự sống đầu tiên xuất hiện cho đến những chủng loài có vây sống trên cạn, khủng long, người vượn và cả chúng ta hôm nay.

nguồn: https://zingnews.vn/tren-bau-troi-su-song-bay-len-post1341318.html