Thời gian tới, bạn đọc sẽ có cơ hội tiếp cận những tác phẩm của học giả Nguyễn Hiến Lê một cách đầy đủ thông qua tủ sách mang tên ông. Đây là nỗ lực mà 2 thương hiệu sách BIZBooks và KNBooks đã thực hiện trong thời gian qua. 2 cuốn sách đầu tiên Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi mà vui sống nằm trong số 120 tựa sách của học giả vừa được giới thiệu gần đây.

Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc thương hiệu sách BIZBooks nói về lý do ra đời tủ sách Nguyễn Hiến Lê: “Cá nhân tôi biết đến Đắc nhân tâm qua bản dịch của cụ Nguyễn Hiến Lê từ khi còn là cậu bé bán sách ở vỉa hè cách đây 20 năm. Khi đọc xong, cuốn sách này giúp tôi thay đổi, từ một cậu bé bán sách vỉa hè có được cuộc đời như ngày hôm nay”. 

Theo ông Nguyễn Văn Cường, Đắc nhân tâm không chỉ giúp ông hiểu được cách sống như thế nào trong gia đình, đối xử với bạn bè, anh em, đồng nghiệp ra sao mà còn giúp ông rất nhiều trong kinh doanh. “Bao nhiêu năm nay, tôi và cộng sự ấp ủ mong muốn xuất bản toàn bộ tủ sách của cụ. Đến năm nay, mong muốn đó mới thành hiện thực”, ông Cường cho biết. 

Buổi ra mắt tủ sách cũng là dịp để độc giả hiểu thêm về học giả Nguyễn Hiến Lê cũng như giá trị mà những cuốn sách của ông mang lại thông qua cuộc trao đổi thú vị giữa tiến sĩ Lê Thẩm Dương, nhà báo – nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà thơ Nguyễn Phong Việt. 

Học giả Nguyễn Hiến Lê (1912 – 1984) là một tác giả, dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục và hoạt động văn hóa độc lập, với 120 tác phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du ký, gương danh nhân, chính trị, kinh tế…

Ông được nhiều người kính trọng vì nhân cách cao quý, cuộc sống thanh bạch, học vấn uyên bác và hiệu quả lao động hiếm thấy. Nhiều ấn phẩm nổi tiếng của ông được đón nhận suốt hàng chục năm qua như: Sống đẹp, Tự học – Một nhu cầu thời đại, Ý cao tình đẹp, Cách xử thế của người nay, Kim chỉ nam học sinh, Lời khuyên thanh niên… Trong đó, Đắc nhân tâm được xem là cuốn sách ảnh hưởng đến mọi thời đại. 

Giống như ông Nguyễn Văn Cường, nhà thơ Nguyễn Phong Việt tiếp cận Đắc nhân tâm từ lúc là cậu sinh viên tỉnh lẻ từ Phú Yên vào TPHCM và cũng có những thay đổi tích cực.

Anh chia sẻ: “Lúc đó, tôi luôn trong cảm giác tự ti với bạn bè. Tuy nhiên, Đắc nhân tâm cho tôi ít nhất là biết tìm ra những thế mạnh của mình, biết cách để tự tin với bản thân mình. Những điều đó giúp tôi rất lớn trong khoảng 20 năm sau này, trong thời gian lập nghiệp ở TPHCM. Tôi được là mình và tự tin với những gì mình đạt được”. 

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương đánh giá học giả Nguyễn Hiến Lê là “bậc thầy của bậc thầy” khi ở ông hội tụ tài năng của nhà văn, nhà triết học, nhà học thuật. Nhờ đó, những bản dịch của học giả có sự kết hợp giữa triết học phương Tây với phương Đông rất tài tình. “Sách của học giả Nguyễn Hiến Lê đầy tính triết lý nhưng lại vô cùng dễ hiểu”, tiến sĩ Lê Thẩm Dương đánh giá. 

Không thể phủ nhận những tác động của cuốn sách Đắc nhân tâm và Quẳng gánh lo đi mà vui sống cũng như những cuốn sách dạy làm người của học giả Nguyễn Hiến Lê. Tuy nhiên, nhà thơ Lê Minh Quốc cho rằng, khi đọc một cuốn sách, tuyệt đối không nên tin vào sách, mà hãy có sự phản biện của chính mình thì việc đọc sách mới hiệu quả.

Nhà thơ Lê Minh Quốc lý giải: “Thực ra, toàn bộ sách học làm người của học giả Nguyễn Hiến Lê và các sách chúng ta đang đọc nhắc đến mọi điều cốt lõi trong cuộc đời này đã có rồi. Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín đã có từ trước và nay. Dù vậy, những cuốn sách này sẽ góp phần nhắc lại cho chúng ta nhớ. Tôi nghĩ rằng, không nhất thiết phải áp dụng một cách toàn bộ, mà chỉ áp dụng trong trường hợp của chính mình. Đừng bao giờ đọc sách mà tách ra khỏi môi trường xã hội mình đang sống. Khi đọc Nguyễn Hiến Lê hay bất cứ ai, chúng ta hãy tiếp thu ở tinh thần phản biện. Điều đó thực sự quan trọng”.

theo HỒ SƠN/SGGPO