Một bộ phim tài liệu mới về Umberto Eco, đào sâu vào bản tính tò mò và niềm đam mê có sức lan tỏa của học giả người Italy này.

Nhà văn Umberto Eco. Ảnh: Cinema Guild.
Nhà văn Umberto Eco. Ảnh: Cinema Guild.

Umberto Eco từng nói: “Sống là phải tò mò với tri thức”. Nhà tư tưởng Italy, nổi tiếng với tác phẩm Tên của đóa hồng, thường xuyên truyền tải niềm đam mê với bí ẩn thế giới và văn học, về học thuật không chỉ mang tính giáo dục mà còn mang tính giải trí.

Phim tài liệu Umberto Eco: A library of the world của Davide Ferrario tôn vinh nhà tư tưởng này cùng những tác phẩm của ông. Người xem được hòa mình vào sở thích chiết trung của Eco, với các đoạn ghi hình ông đưa ra những hiểu biết sâu sắc và châm biếm về ký ức và sự ồn ào của thời hiện đại.

Ngoài niềm đam mê của Eco đối với văn học kinh điển, ta còn được nghe về những chuyến du ngoạn tinh thần kỳ khôi ông tìm được ở những cá nhân dị biệt như Athanasius Kircher, một học giả Dòng Tên thế kỷ 17 (người mà theo cây viết Nicolas Rapold của tờ New York Times là có những chuyên luận dài và gây tranh cãi).

Hình ảnh của Eco được khắc họa như một học giả ngông cuồng qua những chia sẻ từ các con và cháu ông. Bộ phim dường như tập trung vào tình yêu Eco dành cho arcana hơn cả những tác phẩm ký hiệu học hay bình luận chính trị của ông.

Cuốn tiểu thuyết đầu tay năm 1980 của Eco, Tên của đóa hồng, kể một bí ẩn giết người lấy bối cảnh trong một tu viện thế kỷ 14, đã trở thành một thành công bất ngờ. Eco mô tả gãy gọn sự hấp dẫn của cuộc điều tra theo phong cách trinh thám. Ông tiếp tục phong cách này với những cuộc phiêu lưu bí hiểm hơn ở Con lắc Foucault.

Người xem (và độc giả) ở một độ tuổi nhất định có thể tự hỏi liệu tên tuổi Eco có phần nào đang phai nhạt hay không. Phim tài liệu của Ferrario giới thiệu một nhân vật đậm chất châu Âu và có phần già cỗi. Nhưng khám phá những thế giới hư cấu với sự hướng dẫn của Eco vẫn là một trải nghiệm thú vị và có khi mang tính khai sáng.