Có hay không chốn tận cùng thế giới, nơi ý thức con người chưa bao giờ chạm ngõ? Và liệu bản ngã của ta thật sự nằm ở đâu – trong xã hội thực tại hay trong một vô thức xa xôi? Bạn sẽ bắt gặp những câu hỏi đầy chất triết học như thế trong tác phẩm đồ sộ và phức tạp vào bậc nhất của tác gia đương đại Nhật Bản – Haruki Murakami – Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới.
Cuốn tiểu thuyết khoa học giả tưởng mang màu sắc trinh thám này được kết cấu thành hai tuyến, với hai chủ thể trần thuật ở ngôi thứ nhất.
Các chương lẻ là câu chuyện về một Toán sư (*) tài giỏi, có cuộc sống và tư duy độc lập. Một cuộc phiêu lưu kỳ quái với “cô gái màu hồng” dưới lòng đất Tokyo để cứu người ông – một nhà khoa học xuất chúng và có phần kỳ quái – đã đẩy cuộc đời anh sang một bước ngoặt quan trọng. Anh phát hiện mình là con tốt trong một cuộc thí nghiệm có “động cơ khoa học trong sáng”, và cuộc sống của anh chỉ được đong đếm bằng giờ vì ý thức hệ thứ nhất sắp gãy vụn và chuyển anh sang ý thức hệ thứ hai “tận cùng thế giới” – một thế giới do chính anh xây dựng nên trong vô thức.
Các chương chẵn là câu chuyện về một người đột nhiên lọt thỏm vào một thế giới kỳ bí, nơi cuộc sống tuồng như yên bình miên viễn. Anh phải từ bỏ bóng của mình, trở thành người đọc mơ (**) của thành phố. Tuy nhiên trong tâm tưởng của anh vẫn còn bấu víu sự hồ nghi về những ký ức tồn tại trước đó, người đọc mơ tìm cách chạy trốn để tìm lại tâm hồn và ký ức của chính mình.
Hai con người cơ chừng xa lạ đều lao vào một cuộc đấu tranh kiếm tìm và gìn giữ bản ngã. Toán sư tìm cách bảo vệ bản ngã của mình giữa thế giới “diệu kỳ tàn bạo”, nơi những con số, máy móc làm chủ con người trong sự khắc nghiệt bạo tàn do chính con người gầy dựng, còn người đọc mơ lại truy vong bản ngã, níu kéo tâm hồn giữa chốn yên bình miên viễn “tận cùng thế giới”.
Để cuối cùng, qua một bản nhạc của Bob Dylan ở cuối truyện, người đọc ngỡ ngàng nhận ra toán sư, người đọc mơ và bóng là một, nhưng họ sống những cuộc đời khác nhau và song song tồn tại. Họ đã tự lựa chọn cho mình một cái kết, hay nói đúng hơn, họ bị đặt vào một cái kết không thể chọn lựa.
Đâu mới là cuộc đời thực của chúng ta? Đâu mới là cuộc đời tốt đẹp nhất? Đặt ra vô vàn câu hỏi qua một kết cấu đồ sộ và phức tạp, điều mà Murakami hướng tới không phải là giải mã cuộc sống, mà là khơi gợi những câu hỏi và trao cho người đọc quyền tự giải đáp. Qua giọng điệu giễu nhại đặc trưng và nghệ thuật kể chuyện đầy mê hoặc, cuốn sách “góp phần tạo nên thành công lớn làm gia tăng đáng kể lượng độc giả của Haruki Murakami trên toàn thế giới” (lời giới thiệu của Nhã Nam).
Bạn đọc rất quen thuộc với tác gia đương đại danh giá Haruki Murakami qua rất nhiều tác phẩm được dịch trước đó như Rừng Na Uy, Biên niên ký chim văn dây cót, Kafka bên bờ biển… Tuy là tác phẩm gần nhất được chuyển ngữ sang tiếng Việt, nhưng Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới (tên tiếng Anh: Hard-boiled wonderland and the end of the world) là cuốn tiểu thuyết thứ 4 của Haruki Murakami ra đời vào năm 1985.
Cuốn sách ngay lập tức được dư luận chú ý bởi cách kết cấu, kể chuyện lạ thường và nội hàm sâu sắc, dù bị nhiều nhà phê bình thủ cựu thời bấy giờ cho là dở hơi và thiếu quan điểm chính trị. Ngay trong năm xuất bản, cuốn sách được trao giải thưởng văn học Tanizaki uy tín của Nhật Bản.
Sách do Lê Quang dịch, NXB Hội Nhà Văn và Nhã Nam ấn hành năm 2010.
Có thể bạn muốn xem
Bố già – Mario Puzo
Chọn sách cho con – Trọn tình cha mẹ
“Con nhân mã ở trong vườn” trở lại với diện mạo và bản dịch mới
Chuyện lạ về cây da trên 350 tuổi
Khoảnh khắc của những tiếng gọi
Hội sách xuyên Việt trở lại với nhiều sách và quà tặng hấp dẫn
Tổ chức Hội sách mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại Hà Nội
Đường Về Nhà ( A long way home)
Tâm Lý Học Tội Phạm