Yoshida Shoin (1830 -1859) là một trong những nhà trí thức nổi tiếng nhất của Nhật Bản trong những ngày cuối của Mạc phủ Tokugawa, cũng là thời điểm sắp nảy sinh cuộc Minh Trị Duy Tân.
Thuở nhỏ Shoin cùng anh trai và cha của mình vừa làm việc trên đồng ruộng vừa học Khổng Tử, Mạnh Tử, Tứ thư Ngũ kinh, văn thơ và cả sách chính trị. Cha ông đọc to lên trước, ông và anh trai đọc theo. Tối về cha ông vừa làm việc vừa giảng bài và hướng dẫn các con đọc sách.
Bấy giờ, đứng trước sức mạnh phương Tây, nhiều người Nhật đã từng đặt câu hỏi về nền Nho học. Một bộ phận người Nhật thời đó (và đến cả hiện nay ở Việt Nam) ôm giữ quan điểm như thế này: Nho học, giáo lý của Khổng Tử chính là điều kìm hãm phương Đông phát triển, nên cần đốt bỏ hết. Đây thực ra là tự mình đi từ một cực đoan này sang một cực đoan khác.
Có một thời kỳ ở Việt Nam người ta sôi nổi bàn về “Thoát Á Luận” – quyển sách của Fukuzawa Yukichi. Trong quyển sách đó có nhiều câu chữ dễ khiến người ta cảm thấy người châu Á là giống người thấp kém, và Nho học là một thứ gì đó hủ lậu, kìm hãm, và rằng văn minh Trung Hoa cũng chẳng có gì đáng kể. Thực tế ảnh hưởng của quyển sách đó và của cá nhân Fukuzawa Yukichi đến cuộc Minh Trị Duy Tân là rất nhỏ nhoi.
Lịch sử đã thể hiện rằng con người vốn không ngừng đối chiếu, nhận thức lại mới. Những quan niệm vứt bỏ triệt để giá trị phương Đông, chạy theo thuyết chủng tộc tiến hóa mà loáng thoáng đã manh nha trong “Thoát Á Luận”, cuối cùng đã dẫn Nhật Bản đến với 2 quả bom nguyên tử. Cũng tại cái nôi của Nho học, từng được coi là đất nước của lễ nghi văn minh, Trung Quốc hiện đại khởi đầu bằng cuộc Đại cách mạng văn hóa, rồi mấy thập kỷ bài bác đạo đức truyền thống, lấy tiền làm cơ sở, chạy theo lối sống buông thả, không lễ không nghi. Cuối cùng chính người Trung Quốc khi đi du lịch đã bị người dân thế giới kinh hãi vì “trình độ văn minh thấp kém”: nói to, khạc nhổ, đi vệ sinh giữa đường, v.v..
Vậy nên khi tìm hiểu về Minh Trị Duy Tân, chúng ta phải hiểu về một tình huống của phương Đông lúc bấy giờ: Nho giáo đến thế kỷ 19 đã trở thành một “tôn giáo” tiến vào thời kỳ mạt. Người ta không tuân theo lời dạy của những bậc Thánh mở đường để mà rèn luyện và sáng tạo, ngược lại đã duy hộ một thứ vỏ ngoài hình thức cứng nhắc và giáo điều. Nói đơn giản hơn, “chiếc áo không làm nên thầy tu”.
Khổng Tử từng giảng: “Ta nghe nói, muốn biết rõ về một người nào đó thì hãy nhìn vào cha và bạn bè của người đó để xem xét. Muốn biết rõ tính chất của một mảnh ruộng thì xem sự sinh trưởng của cỏ cây mọc ra trên đó.” Một trong những tinh thần mạnh mẽ nhất của nhà Nho chính là “cầu học”, suốt bao thế kỷ đều như vậy cả. Chuyện bế quan tỏa cảng, không giao lưu với các quốc gia hùng mạnh phương Tây chẳng thể đổ lên đầu Khổng Tử được.
Trái lại, những đạo lý răn dạy của Thánh hiền vẫn luôn có giá trị của nó, mà cụ thể được thể hiện qua tư tưởng của Yoshida Shoin. Hãy xem Yoshida Shoin đã thực thi Nho đạo ra sao.
Tháng 6 năm 1853, Matthew Perry thuộc Hải quân Hoa Kỳ dẫn đầu một hải đội tàu chiến tiến vào vùng vịnh tại thủ đô mà Shogun đang sinh sống và làm việc để đòi Nhật Bản mở cửa thông thương. Tháng 3 năm 1854, Perry kí kết Hiệp ước đầu tiên giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ. Ngay sau đó, hải đội Hoa Kỳ tiến vào bến cảng Shimoda và một trong hai cổng đã được mở theo như điều khoản trong Hiệp ước.
Để thực hiện ý nghĩ học hỏi kẻ địch để chống lại kẻ địch của mình, Shoin đã từng mạnh dạn gửi thư yêu cầu được lên tàu của Perry khi nó rời Cảng trở về Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ông đã bị bắt trở lại vì ý định táo bạo của mình khi cùng một đoàn thuyền nhỏ cố leo lên tàu lớn Mississippi.
Khi Shoin gửi bức thư cho Perry, Perry đã vô cùng ngạc nhiên và có phần ngưỡng mộ sự tinh tế và cứng rắn trong từng câu chữ và thậm chí cả cách gấp thư cũng khác với những kẻ phàm tục mà Perry đã thấy rất nhiều kể từ khi đặt chân đến Nhật Bản.
Shoin nói: “Kẻ sĩ cần sống theo đạo nghĩa. Đạo nghĩa được thực thi bởi lòng dũng cảm, dũng khí cũng được sinh ra và nuôi dưỡng bởi đạo nghĩa.” Cả đời Yoshida Shoin vẫn luôn là một chính nhân quân tử, tuân thủ những phẩm chất mà Khổng Tử, Mạnh Tử đã đề ra. Đọc các danh ngôn của ông, chúng ta sẽ thấy chúng rất gần gũi và không có gì siêu xuất khỏi lời dạy của cổ nhân cả.
Năm 1858, Yoshida Shoin bị Mạc Phủ đàn áp và tuyên án tử. Khi Yoshida được đưa ra pháp trường, đao phủ thực hiện việc tử hình ông – Yamada Asaemon Yoshitoshi (hậu duệ đời thứ 7 của một gia tộc đao phủ) – đã hết sức ấn tượng về thần thái bình tĩnh, cao khiết của ông. Chẳng phải những nhà Nho lỗi lạc trong quá khứ cũng từng như vậy?
“Cha mẹ thương con hơn con thương cha mẹ, họ sẽ ra sao vào ngày hôm nay” – đó là những lời trong bài thơ tuyệt mệnh của Yoshida Shoin. Đúng như lời Marius Berthus Jansen, nhà sử học và giáo sư lịch sử người Mỹ tại Đại học Princeton đã nhận định, Yoshida Shoin trước sau vẫn luôn là một nhà Nho nghiêm túc.
Shoin cùng các học trò của ông đã giữ lại các giá trị mà họ xem là nguyên sơ của Nho học, loại bỏ hết những điều trói buộc tạp loạn do đời sau thêm thắt. Sau đó, vẫn là những người “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” đó đã mạnh dạn đi học tập tiếp thu kiến thức phương Tây. Chính những người trí thức chân chính này là nòng cốt giúp cuộc Minh Trị Duy Tân thành công.
Thật vậy, “Shoka son juku” – trường học thôn Tùng Hạ do Yoshida Shoin mở ra – là một ngôi trường đặc biệt. Ngôi trường này đã bồi dưỡng nên những nhân vật sau này trở thành lãnh đạo xuất sắc của phong trào Minh Trị Duy Tân như Takasugi Shinsaku, Kido Takayoshi, Yamagata Aritomo, Ito Hirobumi…
Vậy nên, dù hiếm hoi, nhưng có những người đọc các tác phẩm lớn thời Minh Trị Duy Tân lại vẫn phảng phất thấy được tinh thần của Khổng Tử. Đạo lý Thánh hiền vẫn còn ở đó.
Lê Quang
Nguồn: trithucvn
Có thể bạn muốn xem
Dân chơi vào trường
Những người đi giữ biên cương
Cẩm Nang Du Lịch – Top 10 Singapore
Vì sao sumo Nhật Bản ít mắc các căn bệnh liên quan đến béo phì?
Siêu Năng Lực
“Đi trốn” của Bình Ca được trao giải Khát vọng Dế Mèn 2021
Mình Đang Sống Cuộc Đời Của Ai?
Tiềm năng lớn
Nâng niu vị muối tâm hồn