Diễn biến dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, người dân ở “hậu phương” càng quan tâm đến những “chiến sĩ áo trắng” trên tuyến đầu chống dịch. Những dòng chia sẻ trên facebook cá nhân, những trang sách do đội ngũ y bác sĩ viết tạo lòng tin cho độc giả nhờ góc nhìn của người có kiến thức chuyên môn, tạo nên sức hút cho tác phẩm.
“Gây bão” đầu tiên trong số tác phẩm của các bác sĩ mà Hànộimới Cuối tuần đã đề cập là “Để yên cho bác sĩ hiền” của tác giả – bác sĩ Ngô Đức Hùng. Tiếp nối “Để yên cho bác sĩ hiền”, hai cuốn sách sau đó là “3 phút sơ cứu”, “Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể” của bác sĩ Ngô Đức Hùng cũng được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Chia sẻ cảm xúc sau khi đọc cuốn sách, facebooker Hiền Đặng viết: “Chính trong những ngày mà cụm từ “Covid-19” hay “dương tính” vẫn đang làm xáo trộn cuộc sống của chúng ta thêm một lần nữa, mình chợt muốn nghe nhiều hơn về câu chuyện của họ – những chiến sĩ áo trắng trong một cuộc biến động chưa thể nhìn thấy điểm kết thúc. Đó là cách mà mình đã tới với hành trình thăng trầm của bác sĩ Ngô Đức Hùng”.
Nếu câu chuyện của bác sĩ Ngô Đức Hùng như văng vẳng tiếng còi xe, tiếng bước chân vội vàng của các bác sĩ khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai thì bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đưa bạn đọc đến với những “Câu chuyện từ trái tim”. Độc giả thấy ở đó hành trình đến với nghề y của tác giả, “gặp” lời khuyên “đừng yêu bệnh viện” trong nhiều bài phân tích về lối sống, về chữa bệnh ở nước ngoài, về quảng cáo y tế, và rất nhiều ghi chép giàu tính thời sự về giáo dục, môi trường và các vấn đề xã hội dưới lăng kính của một bác sĩ tim mạch đầu ngành.
Trên trang facebook cá nhân, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu gửi lời cảm ơn đến những người đã giúp đỡ việc hoàn thành cuốn sách, đồng thời bày tỏ: “Phần lớn thời gian của tôi đã dành cho công việc, chỉ còn chút ít thời gian đáng nhẽ là dành cho bố mẹ, vợ và các con nhưng tôi lại cặm cụi trước máy tính đến tận đêm khuya”. Sự hy sinh thầm lặng của các “chiến sĩ áo trắng” khiến độc giả cảm phục. Facebooker Phan Hoàng Thu cho rằng: “Một cuốn sách, chắc có lẽ chưa thể diễn tả được hết những góc khuất, những vất vả, gian nan của người làm nghề y, nhưng chắc chắn sẽ giúp chúng ta hiểu được phần nào về “Câu chuyện từ trái tim” và những giá trị mà hai chữ “nghề Y” mang lại cho cộng đồng.
Cái làm nên sức hấp dẫn của những cuốn sách “bác sĩ viết”, như chia sẻ của chị Nguyễn Hà Bảo Vân, bác sĩ sản khoa, “chính là bởi những va vấp trong công việc, trong cái ranh giới giữa sống chết của người bệnh, giữa những cái được và mất của bản thân, giữa tiền tài danh vọng và lương tâm, những câu chuyện mà “đập mặt vào mới thấy thấm”…
Trong cuốn sách của mình, tác giả Nguyễn Lân Hiếu khẳng định, bác sĩ cũng chỉ là một con người bình thường, có lúc vui, lúc buồn, lúc nóng giận, có lúc mắc sai lầm: “Bác sĩ cũng là con người, cũng có trái tim, khối óc và tình yêu thương đồng bào”. Mỹ từ “cứu người” cao cả có lẽ không nên chỉ dành cho các nhân viên y tế, mà phải dành cho tất cả những người sẵn sàng cứu giúp những ai đang gặp khó khăn, nguy hiểm. Đối với các y bác sĩ, từ “chữa bệnh” chắc chắn sẽ nhẹ nhàng và chính xác hơn từ “cứu người”.
“Mỗi người là một mảnh ghép của vũ trụ để mang trong mình những sứ mệnh riêng. Với bác sĩ, đó chính là được đồng hành cùng mọi người trên con đường chăm sóc sức khỏe dài lâu” – đó là tâm niệm được viết trong cuốn sách “Nơi ánh sáng không bao giờ tắt” của bác sĩ Trần Quốc Khánh, phẫu thuật viên chuyên ngành Thần kinh – Cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Dù nghề y vô cùng vất vả, “cái mất, cái hy sinh nhiều hơn cái được”, nhưng những cuốn sách của các bác sĩ đều cho độc giả thấy nếu được làm lại, các bác sĩ – tác giả ấy vẫn chọn con đường họ đã đi, vẫn sẽ tiếp tục làm bác sĩ. Bởi với họ, “sống là cho đi, cho đi là còn mãi”.
nguồn: https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/1009353/bac-si—chuyen-nghe-chuyen-doi
Có thể bạn muốn xem
Ổ buôn người
Sống thời bao cấp
Vầng trăng máu
Giao lưu giới thiệu tác phẩm “Phác thảo danh trà Việt Nam” của tác giả Nguyễn Ngọc Tuấn
Tỏ giăng tỏ đèn
Mùa xuân lên đỉnh non cao
Linh Hồn Thế Giới
Phong cách quản lý và giữ chân nhân tài của người Nhật
“Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” – ký ức của người lính về cuộc chiến bảo vệ biên cương phía Bắc