Khi tình yêu đổ vỡ, ai cũng chỉ muốn tan đi theo nỗi đau. Nhưng khi đủ trưởng thành, bạn sẽ nhận ra rằng chia tay rồi điều ta muốn chỉ là người ấy được hạnh phúc.

Sau Tìm nhau giữa Sài Gòn, Những con đường mang tên Đừng có nhớ, Nguyễn Thanh Tùng (1980) với bút danh Tùng Leo tiếp tục cho ra mắt độc giả cuốn sách thứ ba mang tên Bên này thương bên kia.

Theo dõi hành trình của chàng trai Sài Gòn qua ba tập sách, ta dễ dàng nhận ra một chặng đường phát triển tâm lý của anh và câu chuyện kết nối cả ba tập sách: câu chuyện về tình yêu, về Sài Gòn nơi anh sinh ra và lớn lên. Nhưng ở mỗi tập sách, nội dung luôn có sự thay đổi nhẹ, rất tinh tế. Điều đó được thể hiện rõ nhất trong cách anh nhìn nhận vấn đề về tình yêu, con người, cuộc sống nơi đây qua từng thời kỳ.

Có thể nói Tùng Leo là một chàng trai đa tài, anh được nhiều bạn trẻ yêu thích và được bình chọn là “hot facebooker” nhân vật tạo ảnh hưởng cho giới trẻ qua những trang viết.

Với Tìm nhau giữa Sài Gòn anh cho người đọc thấy được tâm trạng hoang mang của chàng trai luôn trong tâm trạng sợ lạc mất người thương hay cảm giác khắc khoải tìm kiếm bóng hình thân thuộc. Chuyển qua Những con đường mang tên Đừng có nhớ, chàng trai ấy lại chìm đắm trong sự đổ vỡ của tình yêu để rồi phải chạy trốn.

Vậy đến với ở Bên này thương bên kia chàng trai ấy muốn gửi gắm những nỗi niềm gì cho độc giả?

Khác với cảm xúc day dứt, dằn vặt trong hai cuốn sách trước, trong Bên này thương bên kia Tùng Leo đã đủ sự điềm đạm, chín chắn, tỉnh táo để có thể chiêm nghiệm về tình yêu và cuộc sống.

Trong lời giới thiệu anh viết: “Có những tình cảm rất lạ kỳ. Nó được bắt đầu bằng một tia sét đánh. Bạn ‘chết đứ đừ’ từ cái nhìn đầu tiên. Nó tiếp tục bằng những ngày thầm thương trộm nhớ. Nó nảy nở bằng những cuộc gặp gỡ và gần gũi. Rồi nó rơi vào một khoảng lưng chừng khi có những thứ gãy đổ đã diễn ra không như ý. Rồi nó trở nên điên cuồng và tan tành. Đỉnh điểm, nó dường như tan biến đi sau những mệt mỏi và tổn thương. Rồi người ta khai tử một cuộc tình”.

Chàng trai từng yêu đến điên cuồng, gục ngã khi chia tay qua thời gian đã trưởng thành hơn, anh nhận ra rằng: “Chia tay không phải là chấm hết. Chia tay vẫn còn nhớ thương nhau, một niềm nhớ thương không để tìm nhau. Chỉ để an lòng rằng mình đã từng hạnh phúc”.

Bên này thương bên kia được chia thành 6 chương, mỗi chương Tùng Leo đặt tên theo đúng trình tự, liền kề nhau như Không khóc ở Saigon – Sao con người vẫn bền bỉ ghét nhau? – Saigon không phải để yêu – Chia tay không phải chấm hết – Nàng – Anh gọi em là Saigon. Và chỉ đọc qua tên riêng của các phần anh đã gợi mở cho người đọc thấy trình tự diễn biến tâm lí của cốt truyện.

Bên cạnh đó, tác giả đã khắc họa rõ nét hành trình vượt qua nỗi đau trong sự đổ vỡ tình cảm của chàng trai, gợi mở cho người đọc những cũng bậc cảm xúc từ buồn bã đến những gam màu tươi sáng, từ sự đau khổ tột cùng đến bình yên lạ thường… Đây cũng chính là điều Tùng Leo muốn chia sẻ đến độc giả khi viết tập sách này.

Qua những trang sách, ta dễ dàng nhận ra với anh bây giờ, tình thương là điều quan trọng nhất chứ không phải tình yêu. Theo anh, chữ “thương” ấy cần được nhấn mạnh hơn chữ “yêu”. “Muốn hôn nhau khi chào tạm biệt cuối ngày. Muốn nương tựa vào nhau nhìn về phía bình yên. Thứ tình cảm đó. Người ta gọi là tình thương. Bên này thương bên kia, nhiều lắm đó…”.

Một điểm cộng cho cuốn sách là sự sáng tạo trong cách trình bày. Khác với những cuốn tản văn khác, Bên này thương bên kia được chia chương như một cuốn tiểu thuyết. Có lẽ ngụ ý của tác giả muốn những cảm xúc tản mạn dường như đang cùng nhau dệt nên câu chuyện nào đó sẽ được độc giả nhặt nhạnh lại để rồi kết nối chúng, từ đó có thể viết lên thành những câu chuyện khác nhau.

Và cuối cùng, khi kết thúc câu truyện, Tùng Leo chốt lại bằng một bài thơ mang tên “Yên”. Từng câu, chữ trong Yên tác giả muốn gửi gắm ước mơ về niềm hạnh phúc bình dị trong cuộc sống tới tất cả bạn đọc, đặc biệt là những bạn trẻ đang, đã và sẽ yêu.

Nguyên Phương

Theo Zing.vn