“Nghề chơi cũng lắm công phu”, huống hồ chơi… chữ!
Chơi chữ, đối với nhà Nho, cần phải có những yếu tố mà nhiều người không gom được đủ: Có học đã đành, nhưng lại còn phải có tài.
Học có hàm súc, mới biết dùng chữ cho rành rẽ, dùng điển cho đích đáng, khiến câu văn ít lời mà nhiều ý; tài có mẫn tiệp, mới lĩnh hội được mau lẹ những nét trội trong một cảnh huống, và diễn xuất một cách nhanh chóng, hồ như là tự nhiên.
Trong văn chương ta, có nhiều lối chơi: thơ, phú, câu đối, “tập Kiều”, ứng dụng lối nào là tùy theo tình, theo cảnh, theo cách cấu tứ và nguồn cảm hứng của nhà văn.
Những lúc tửu hậu trà dư, những khi đối cảnh sinh tình, nhà Nho gặp những tình tiết đáng cười đáng bỉ, thường thốt ra lời văn, ngụ ý mình và răn đời.
Văn tuy gọi là chơi, song lắm khi có bao hàm sâu sắc, và bao giờ cũng đặt công dụng vào hai chữ cảnh tỉnh.
Thú chơi chữ, ngày nay không mấy ai ham chuộng nữa. Ta tiêu khiển bằng chớp bóng, bằng cải lương, nếu không bằng bài bạc, bằng du lãm, là những lối tiêu khiển dản dị hơn và cũng dễ thưởng thức hơn.
Đành rằng năng khiếu trào lộng của dân tộc là một thiên tư không bao giờ mất được: Nếu nó không diễn xuất bằng cách này, ắt nhiên nó cũng sẽ diễn xuất bằng cách khác. Nhưng dù sao, lối chơi chữ cũng đã như lỗi thời rồi. Vì thế chúng tôi tưởng chép lại vài câu văn cũ, gọi là nhắc lại lối tiêu khiển của người xưa, âu cũng là một cách giữ lại trên giấy mực một cái gì sắp mất, một cái gì không có cơ tồn tại, một cái gì khi mất đi sẽ không trở lại được nữa, dưới cái sắc thái cũ kỹ, chất phác, mà không thiếu thú vị, của nó.
***
Người xưa – nói người xưa nghe như xa xôi lắm rồi, mặc dầu đây chúng tôi chỉ chép được những câu văn từ đầu thế kỷ trở lại; song khoảng ba bốn mươi năm thời tiền chiến là giai đoạn cuối cùng của Hán học có thể tiêu biểu cho cả ngàn năm theo chữ Hán, mà lối chơi chữ là một diệu thú, bởi vậy nói người xưa tuy nghe như xa nhưng thực cũng là gần – người xưa dường như để cả thời giờ và tâm trí vào việc văn chương, nên dù trong lúc tiêu nhàn khiển muộn, cũng lại quay vào văn chương.
Hoặc làm câu đối dán cửa để tỏ chí mình thường hoài bão, hoặc họp bạn uống rượu ngâm thơ, hoặc làm câu hát cho ả đào phả vào đàn phách… Cũng nhờ có những cuộc tiêu khiển ấy mà kho văn chương các cụ để lại mới dần dần thành phong phú dồi dào.
Thường thì cuộc hội hữu trở nên hào hứng, là khi có thời sự giúp đề tài, khiến cho cái khiếu trào lộng bị kích thích, rồi trong những chuỗi cười dòn dã, có khi nảy ra một đôi phút xuất thần mà thành “nhả ngọc phun châu”.
Loại thời sự hay được làm đầu đề cho cuộc chơi chữ, là những dịp khánh điếu. Ăn khao hay đưa đám, là những dịp cho nhà Nho lên tiếng phẩm bình.