Trong hơn một thế kỷ, mỗi năm khi cuốn sách Michelin Guide được công bố, nó làm khuấy động giới ẩm thực trên toàn thế giới.
Đứng sau cuốn sách Michelin Guide nổi tiếng đánh giá các nhà hàng, khách sạn… lại là một công ty lốp xe. Và điều kỳ lạ hơn là công ty này đã thành công mở rộng công việc từ ngành ôtô sang ngành ẩm thực, khách sạn thông qua cuốn sách này và xếp hạng sao Michelin.
Năm 1900, trong phần giới thiệu cuốn sách hướng dẫn đầu tiên của Michelin Guide, Andre tuyên bố: “Tác phẩm này ra đời cùng thế kỷ; nó sẽ tồn tại lâu như vậy”. Việc dự đoán một cuốn sách hướng dẫn sẽ tồn tại trong 100 năm nghe khá táo bạo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cuốn sách và tầm ảnh hưởng của nó còn có thể đi xa hơn nữa.
Ý tưởng táo bạo về cuốn sách thế kỷ
Cuốn sách Michelin Guide là một ý tưởng kỳ lạ và độc đáo của anh em nhà sáng lập công ty lốp xe Michelin, Andre và Edouard Michelin. Vào thời điểm đó, nông nghiệp nước Pháp bắt đầu chuyển mình sang thời đại công nghiệp với số lượng ôtô khá ít, chưa đến 3.000 chiếc, cả ôtô và du lịch ẩm thực đều là những thứ xa xỉ mới lạ.
Ôtô “vẫn là đồ chơi của những người đàn ông giàu có… không thể đi quá xa khỏi khu vực quen thuộc nơi họ có thể dễ dàng sửa chữa”, Herbert Lottman viết trong The Michelin Men.
Vì thế, anh em nhà Michelin đã không ngần ngại thử ngay ý tưởng này với hy vọng rằng một cuốn sách hướng dẫn cung cấp thông tin về khách sạn, nhà hàng và đường xá sẽ khiến mọi người lái xe nhiều hơn, lốp xe hư nhanh hơn và mua nhiều lốp xe Michelin hơn.
Được xuất bản lần đầu vào năm 1900, chỉ sau một năm thành lập công ty lốp xe, cuốn sách với 399 trang chứa tất cả thông tin cần thiết để đi tham quan qua các thị trấn và thành phố của Pháp. Thông tin về lắp đặt và chăm sóc lốp Michelin chiếm 33 trang đầu tiên và quảng cáo cho các nhà sản xuất phụ tùng xe hơi chiếm 50 trang khác. Bản đồ và thông tin cơ bản về hàng chục thị trấn chiếm phần lớn hướng dẫn.
Michelin đã phân phát hàng chục nghìn bản miễn phí vào năm 1900. Nhưng khi công ty bắt đầu tính phí khoảng 2 USD/cuốn vào năm 1920, nó vẫn bán được gần 100.000 bản mỗi năm. Tính đến năm 1953, độc giả trung thành của nó đã gửi khoảng 50.000 đóng góp để cải thiện độ chính xác của hướng dẫn.
Cuốn sách quyền lực và gây tranh cãi
Trong những thập kỷ sau đó, việc tập trung vào bảo dưỡng lốp xe đã nhường chỗ cho sách hướng dẫn. Năm 1926, Michelin đã tạo ra các hướng dẫn khu vực, sau này được gọi là Hướng dẫn Xanh, giống các hướng dẫn du lịch truyền thống. Trong khi đó, để đáp lại sự quan tâm của độc giả, cuốn Michelin Guide tập trung vào các bài đánh giá về khách sạn và nhà hàng, dành riêng cho các khu vực và thành phố khác nhau.
Vậy là hệ thống đánh giá bằng số sao cũng được xây dựng vào năm 1936 và số người sử dụng Michelin Guide tăng vọt nhờ độ tin cậy của các đánh giá, được để lại ẩn danh bởi những thực khách bí mật.
Công ty đã thuê các nhà phê bình toàn thời gian, được gọi là “thanh tra viên”, dành hàng tháng trời để đánh giá những nhà hàng tốt nhất. Góp mặt trong sách Michelin được xem là nhà hàng tốt, những nhà hàng được công nhận đặc biệt sẽ nhận được từ một sao Michelin (nhà hàng rất tốt trong hạng mục của nó) cho đến ba sao Michelin (một trong những nhà hàng tốt nhất, đáng để đi).
Cuốn Michelin Guide rất cẩn thận trong việc tiết lộ bất cứ điều gì về những người kiểm tra của nó. Đặc điểm duy nhất mà họ chia sẻ là họ độc lập và là chuyên gia trong ngành phục vụ ăn uống, đã được đào tạo về khách sạn hoặc ngành dịch vụ. Theo một cuộc điều tra từ tờ Les Echos của Pháp, các thanh tra viên của Michelin Guide được cho là có số lượng từ 90 đến 110 người, chủ yếu là cựu đầu bếp hoặc cựu sinh viên trường quản lý khách sạn.
Mỗi năm, họ di chuyển khoảng 30.000 km, ăn khoảng 250 bữa ăn và ngủ trong 160 khách sạn. “Người thanh tra ghi sổ, gọi món, ăn uống, không bao giờ ghi chép và thanh toán toàn bộ hóa đơn. Chính sự ẩn danh đó đã tạo nên sức mạnh của Michelin”, cuốn sách tiết lộ. Theo một số ước tính, chi phí để thực hiện cuốn sách có thể lên đến 18 triệu USD.
Đến những năm 1930, Michelin Guide đã nổi tiếng khắp thế giới. Nó lọt vào top những cuốn sách được tờ New Yorker đã ca ngợi bất chấp những quảng cáo lốp xe rải khắp nơi. Năm 1952, tạp chí TIME gọi nó là “Kinh thánh của khách du lịch”, và một đầu bếp nổi tiếng người Pháp đã tuyên bố rằng “chỉ có một sách hướng dẫn duy nhất ở Pháp, đó là Michelin.”
Tuy nhiên, Michelin Guide cũng gây ra nhiều tranh cãi hơn trong những năm gần đây. Một số đầu bếp và nhà phê bình ẩm thực lên án việc phát hành sách này đang trở thành một dịp để tiếp thị. Sự nổi tiếng, uy tín và sự chú ý mà mỗi ngôi sao Michelin mang lại cho các đầu bếp và nhà hàng đôi khi có thể quá nặng nề.
Một số đầu bếp như Joël Robuchon, Alain Senderens, Marc Veyrat hay Jean-Paul Lacombe đã từ chối ngôi sao Michelin dành cho họ. Trong khi một đầu bếp người Bỉ, Karen Keygnaert, đã từ bỏ ngôi sao này sau một thời gian để trở về với cuộc sống bình thường.
nguồn: https://zingnews.vn/michelin-post1437941.html
Có thể bạn muốn xem
Dự đoán bức tranh xuất bản năm 2022
Đặc tính cây cà phê
Câu lạc bộ nghiên cứu bí ẩn
“No problem”, cẩm nang dùng tư duy logic để giải quyết vấn đề
Vũng Tàu sắp có đường sách
Ngành xuất bản trông chờ vào chiến lược
Mùa xuân vắng lặng
Lòng người – Kokoro
Chuyện trên mây