Cách con người trải nghiệm và vượt qua nỗi buồn được nhà văn Nhật Hori Tatsuo thể hiện trong sách “Gió nổi lên”.

Tác phẩm gồm hai truyện, Ngôi làng thơ mộng (1933-1934) và Gió nổi lên (1936-1938), do Lam Anh chuyển ngữ tiếng Nhật. Tác giả lấy sự tìm kiếm hạnh phúc khi chống chọi bệnh tật, mất mát và chia ly làm đề tài.

Tên sách được tác giả mượn từ câu thơ của nhà thơ Pháp Paul Valéry: “Gió nổi lên rồi, Chúng ta phải cố sống”. Sự ra đời của tập truyện gắn với một giai đoạn quan trọng trong đời sống tình cảm của Hori Tatsuo, bắt đầu từ cuộc gặp gỡ giữa nhà văn và bạn đời Yano Ayako, nguyên mẫu nhân vật Setsuko trong truyện.

Bìa sách "Gió nổi lên", dày 212 trang, do Phanbook phát hành tháng 6. Ảnh: Phanbook
Bìa sách “Gió nổi lên”, dày 212 trang, do Phanbook phát hành tháng 6. Ảnh: Phanbook

Tập Ngôi làng thơ mộng lấy bối cảnh làng K. tại miền cao nguyên Nhật Bản, nơi chỉ đến khi hè về mới có đông du khách tới tránh nóng. Đây là điểm đến quen thuộc của nhân vật “tôi”. Nhưng lần này, anh chọn thời điểm trước mùa hè để quay lại. Trùng hợp, khoảng thời gian lệch mùa này là thời điểm các loài hoa nở rộ. Ở khu trọ, anh vô tình bắt gặp một cô gái hay vẽ tranh.

Sang truyện Gió nổi lên, giọng văn có đổi khác, nhưng mạch truyện vẫn có sự tiếp nối với một số sự kiện trong Ngôi làng thơ mộng. Tác phẩm bắt đầu bằng cảnh đôi trẻ vẽ tranh và trò chuyện trên đồng cỏ. Khi cơn gió nổi lên, cuộc đời họ bắt đầu trắc trở.

Chuyện tình của các nhân vật nhuốm màu u buồn nhưng đều mang khát khao đạt được niềm vui trong cuộc sống. Thoạt đầu, nhân vật “tôi” trong Ngôi làng thơ mộng có ý định viết về những bất hạnh mơ hồ khi sống ở đô thị, sau đó xem xét và tìm nguyên nhân. Nhưng khi đi khắp từng ngả đường để thưởng thức cảnh vật miền núi, ý tưởng cho tiểu thuyết của anh dần phai mờ, nhường chỗ cho nụ hồng, hàng keo, dãy núi và con người trong làng.

Viện an dưỡng là nơi anh chàng thường đi ngang qua để mê mẩn những đóa hồng. Ở truyện thứ hai, nó trở thành bối cảnh chính cho nhân vật Setsuko và người yêu ở bên nhau trong những ngày bạo bệnh của cô. Không gian dần thu hẹp lại và thời gian chậm rãi trôi đi. Trong lúc cái chết rình rập, họ vẫn chọn ở bên nhau.

Những ngày ở viện an dưỡng, chàng trai nảy ra ý tưởng về cuốn tiểu thuyết lấy Setsuko làm nhân vật chính, với mục đích ghi lại sự vui sống “ở nơi mọi người cho là điểm kết thúc”. Đó là hạnh phúc mà họ có được bằng khát khao, tranh đấu và hy sinh, ngay khi cái chết cận kề.

Bảo tàng Hori Tatsuo ở thị trấn Karuizawa, nguyên mẫu của làng K. trong sách "Gió nổi lên", là nơi tác giả và vị hôn thê từng dưỡng bệnh. Ảnh: Hori Tatsuo Memorial Museum of Literature
Bảo tàng Hori Tatsuo ở thị trấn Karuizawa, nguyên mẫu của làng K. trong sách “Gió nổi lên”, là nơi tác giả và vị hôn thê từng dưỡng bệnh. Ảnh: Hori Tatsuo Memorial Museum of Literature

Theo dịch giả Lam Anh, nét đặc trưng trong lối viết của Hori Tatsuo thể hiện ở những câu văn dài, giàu hình ảnh và nhạc điệu. Cả nhân vật trong truyện và tác giả đều lấy cuộc đời làm chất liệu sáng tác. Những câu văn miêu tả về làng K. – dưới đôi mắt của “khách” thành thị – khiến Gió nổi lên giống như tác phẩm mang tính tự thuật.

Sách có đoạn: “Bên khe nước nhỏ chạy vòng vèo – nơi mà cho đến vài năm trước, chiếc guồng nước còn một nửa chưa hỏng vẫn vang tiếng kêu lạch cạch – những bungalow cũ kỹ đứng nối tiếp nhau trong cánh rừng nhiều loài cây pha tạp, phần lớn trong số đó nghe nói là do người ngoại quốc xây dựng chừng ba, bốn chục năm về trước. Những con đường nhỏ ở khu này khá phức tạp, đến nỗi hầu như không thể phân biệt được đường nào là đường cụt và đường nào thông ra bên ngoài”.

Lối viết của Hori Tatsuo là những câu văn độc thoại nội tâm, mang đậm kỹ thuật dòng chảy ý thức của tiểu thuyết gia Pháp Marcel Proust. Từ một sự việc ở hiện tại, tác giả nhớ lại kỷ niệm ở quá khứ, và cứ thế, kỷ niệm nọ gợi lại kỷ niệm kia, trôi đi trong không gian và thời gian vô định. Qua đó, những chiêm nghiệm nhân sinh lẫn chiều sâu tâm lý được bộc lộ.

Hori Tatsuo (1902-1953) sinh tại Tokyo, Nhật Bản. Sinh thời, ông tự xem mình là môn đồ của nhà văn Akutagawa Ryunosuke. Sau khi Akutagawa qua đời, Tatsuo công bố tác phẩm Gia đình linh thiêng (1930) để thương tiếc thầy, Nhật ký của Kagerou (1937-1939), Naoko (1941). Sự nghiệp của tác giả không kéo dài lâu vì ông và vợ sắp cưới, Yano Ayako, đều mắc bệnh lao. Theo Scarecrow PressGió nổi lên (1936-1938) là tác phẩm tiêu biểu nhất của ông.

Tác phẩm được chuyển thể thành phim hoạt hình, do Miyazaki Hayao đạo diễn, từng giành đề cử Phim hoạt hình xuất sắc Oscar năm 2014.

nguồn:https://vnexpress.net/gio-noi-len-gianh-lay-hanh-phuc-tu-noi-buon-4624509.html