Bạn đọc hẳn không còn lạ gì Tôn Ngộ Không, nhân vật chính của Tây Du Ký, con khỉ thần thông và anh hùng nứt ra từ quả trứng đá trên đỉnh Hoa Quả Sơn, nước Ngao Lai, một hòn đảo ngoài biển thuộc Đông Thắng Thần Châu. Không cha mẹ, không anh em, một mình tụ tập đàn khỉ, tự xưng Mỹ Hầu Vương ở động Thủy Liêm, rồi một ngày bỏ tất cả lên đường đi học đạo tiên với Tu Bồ Đề Tổ Sư ở Tây Ngưu Hóa Châu.

Họ Tôn pháp thuật cao dày, vũ nghệ tuyệt luân, đại phá long cung, náo loạn thiên đình, ăn trộm quả bàn đào, được phong Tề Thiên Đại Thánh, đánh tan thiên binh thần tướng, nuốt linh đơn, chịu được lửa khói lò bát quái của Lão Quân và chỉ mắc mưu Như Lai bị đè dưới ngọn Ngũ Hành Sơn, để rồi theo Huyền Trang Tam Tạng thỉnh kinh và cuối cùng thành Đấu Chiến Thắng Phật tiêu dao ở cõi Tây Phương.

Những nguồn cội của Tây Du Ký - Không chỉ có một Tôn Ngộ Không
Bốn thầy trò Đường Tăng trong phim Tây Du Ký, dựa theo tiểu thuyết Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân.

Ba nguồn cội văn học của Tây Du Ký

Lai lịch của Tôn Ngộ Không như trên tóm lược từ tiểu thuyết Tây Du Ký, được viết ra vào đời Minh mà bản khắc gỗ xưa nhất còn giữ được đến nay mang tên Tân Khắc Xuất Tượng (Tướng) Quan Bản Đại Tự Tây Du Ký, tục gọi là bản Thế Đức Đường, ra đời năm Vạn Lịch 20 (1592).Tuy nhiên trước bản đời Minh 100 hồi này, chúng ta đã thấy dấu vết của Tây Du Ký tự đời Nguyên. Tiếc thay không ai còn giữ được bản Tây Du Ký đời Nguyên nữa nhưng qua những tư liệu bên lề, ta có thể tưởng tượng ra hình dáng nó một phần nào.

Tư liệu bên lề ấy là kịch và thi thoại (nhưng xin hiểu thi thoại ở đây là truyện kể bằng thơ và bạch thoại chứ không phải giai thoại về thơ). Kịch bản đời Nguyên lấy Tây Du Ký làm đề tài hiện cũng không còn nhưng may mắn là một bộ phận của nó được ghi lại trong Tây Du Ký Tạp Kịch của Dương Cảnh Hiền (còn gọi là Dương Cảnh Ngôn) đời Minh. Sách này hiện vẫn được bảo tồn và coi như là một tư liệu tham khảo đáng tin cậy .

Dấu vết về một tiểu thuyết có tên là Tây Du Ký xuất hiện dưới thời Nguyên còn được thấy qua một tư liệu Triều Tiên thế kỷ 15, Phác Thông Sự Ngạn Giải, cuốn sách giáo khoa dạy đàm thoại tiếng Trung có phiên âm theo Hàn ngữ (ngạn giải) của ông thông ngôn (thông sự) họ Pak (Phác). Ngoài ra trong Vĩnh Lạc Đại Điển, bộ toàn thư vĩ đại in năm Vĩnh Lạc thứ 6 (1408) đời Minh, quyển 13139 cũng có dẫn dụng một phần nguyên văn Tây Du Ký, xét niên đại thì suy được nó phải là Tây Du Ký của đời Nguyên.

Trước Nguyên, Tây Du Ký đã xuất hiện dưới hình thức thô sơ hơn tự đời Tống. Thời ấy, trong các đô thị lớn, có những Ngõa Tử tức là những người kể truyện bằng thơ vè và nói lối cho dân chúng nghe và họ cần có bản gốc (để bản) dựa vào đó mà kể. Hai trong những bản gốc đó đã được tìm thấy ở Nhật. Đó là Đại Đường Tam Tạng Thủ Kinh Thi Thoại (còn khá đầy đủ ) và Đại Đường Tam Tạng Thủ Kinh Ký, in thời Nam Tống; có lẽ do các tăng Nhật Bản du học bên đấy mang về.

Những nguồn cội của Tây Du Ký - Không chỉ có một Tôn Ngộ Không

Bản Tây Du Ký đời Minh quen thuộc với chúng ta và những hình thái truyện, kịch, thi thoại Tống Nguyên kia có liên hệ hàng dọc với nhau không, ta chưa quả quyết được. Bởi vì những mối dây đó mắc víu vào nhau, thêm bớt cho nhau vô cùng phức tạp, làm cho ta bị ngập lụt trong đống văn kiện và dữ kiện. Tốt hơn nên xé lẻ một vấn đề để nghiên cứu như thử so sánh xem trong mỗi một hình thái văn nghệ nói trên, nhân vật trung tâm Tôn Ngộ Không đã được xây dựng theo quá trình như thế nào.

Trong kịch bản Tây Du Ký (xuất xứ thời Nguyên) chẳng hạn, Tôn Ngộ Không có cả anh chị em, lại bắt cóc nữ vương nước Kim Đỉnh về làm vợ nhưng trong tiểu thuyết Tây Du Ký đời Minh thì Tôn Ngộ Không một mình một thân, tuy phá phách nhưng không hề háo sắc. Phần trích dịch (bản Tây Du Ký đời Nguyên) của Phác thông sự ra tiếng Triều Tiên không đề cập tới chuyện vợ con của Tôn Ngộ Không nhưng có nhắc đến việc Tôn Ngộ Không đánh cắp áo Tú Tiên Y của Tây Vương Mẫu để mở Khánh Tú Y Hội, một chi tiết giống y nội dung kịch bản nên từ đó có thể suy ra là trong bản Tây Du Ký đời Nguyên, Tôn Ngộ Không cũng có thể có vợ con.

Ngược lại, thi thoại đời Tống cho nhân vật chính là Hầu Hành Giả (tiền thân Tôn Ngộ Không) không vợ con gì cả, chứng tỏ giữa thi thoại Tống và kịch bản Nguyên có thể lại không cùng một hệ thống. Ngoài ra, theo bản Tây Du Ký đời Minh thì rõ ràng Tôn Ngộ Không có nguồn cội bí ẩn, vốn từ hòn đá nứt ra, không cha không mẹ chứ đừng nói đến anh em.

Về cách Tôn Ngộ Không bị trừng phạt cũng thế, trong thi thoại Tống chỉ nói họ Tôn bị Tây Vương Mẫu đánh đòn nhưng không có sự tích đá đè dưới núi Ngũ Hành như các bản từ Nguyên về sau. Mà chuyện đè Tôn Ngộ Không dưới đá có bản cho là do Ngọc Đế, bản khác bảo do Quan Âm, Như Lai, không thống nhất. Về người cứu họ Tôn ra khỏi Ngũ Hành Sơn thì các bản đều đồng thanh là Tam Tạng trừ thi thoại bảo Ngộ Không dưới dạng một Bạch Y Tú Tài từ phương Đông đã đến nhập bọn 5 thầy trò Đường Tăng và đổi tên thành Hầu Hành Giả, cùng đi thỉnh kinh.

Những chi tiết khác nhau nữa là danh xưng và quê quán của Tôn Ngộ Không. Chẳng hạn Tề Thiên Đại Thánh có phải là tên Ngọc Đế phong hay Ngộ Không tự xưng. Ngoài ra, theo Tây Du Ký bản Nguyên và bản Minh, nơi phát tích của Tôn Ngộ Không là núi Hoa Quả động Thủy Liêm, trong khi thi thoại đời Tống và kịch bản gọi nó là Tử Vân Động hay Tử Vân La Động.

Ba bản Tây Du Ký tiểu thuyết

Tiểu thuyết Tây Du Ký hình thành vào đời Minh, thời của tứ đại tiểu thuyết và cũng là tứ đại kỳ thư, ngang hàng với Tam Quốc Chí Thông Tục Diễn Nghĩa, Thủy Hử Truyện. Người ta nhận ra dấu vết của Tây Du Ký trong những tác phẩm kia và ngược lại. Không gian của Tây Du Ký bao trùm lên nhiều tiểu thuyết có một giá trị nhất định khác như Bình Yêu Truyện, Phong Thần Diễn Nghĩa hoặc có liên quan không ít thời nhiều với nó như Đông Du Ký, Bắc Du Ký và Nam Du Ký. Tây Du Ký còn có liên hệ đến những hí khúc mà phần lớn tác giả và thời kỳ thành lập đều không rõ ràng. Những kịch bản ấy mà nội dung có liên hệ đến Tây Du Ký và còn được nhắc nhở là Tỏa Ma Kính, Tây Du Ký Tạp Kịch, Na Tra Tam Biến, Tỏa Bạch Viên, Tề Thiên Đại Thánh, Trảm Kiện Giao và Ngũ Long Triều Thánh.

Những nguồn cội của Tây Du Ký - Không chỉ có một Tôn Ngộ Không
Trong điện ảnh hiện đại cũng có rất nhiều phóng tác liên quan đến Tây Du Ký.

Riêng nói về bộ môn tiểu thuyết thôi, ít nhất có 3 bản Tây Du :

  • Đỉnh Khiết (Khắc) Toàn Tướng Tam Tạng Tây Du (Thích Ni) Truyện tục gọi Chu Đỉnh Thần bản Tây Du Ký, Chu Đỉnh Thần biên soạn, 10 quyển, san hành dưới đời Vạn Lịch (1573-1620).
  • Tân Khắc Xuất Tượng Quan Bản Đại Tự Tây Du Ký tục gọi Thế Đức Đường bản Tây Du Ký, tác giả, thường cho là do Ngô Thừa Ân soạn và phát hành năm Vạn Lịch 20 (1592).
  • Tân Khiết (Khắc) Đường Tam Tạng Xuất Thân Toàn Truyện tục gọi Dương Chí Hòa bản Tây Du Ký do Dương Chí Hòa biên, niên đại biên soạn và phát hành không rõ, được liệt vào một trong Tứ Du Ký.

Bản Thế Đức Đường và bản Dương Chí Hoà có lẽ đều được in ra trước bản Chu ĐỉnhThần nhưng bản của họ Dương chỉ là một quyển Tây Du Ký rút gọn và là một thành phần của Tứ Du Ký (trong đó Bắc Du nói về Chân Vũ Tổ Sư, Nam Du nói về Hoa Quang Thiên Vương và Đông Du kể chuyện Bát Tiên Quá Hải).

Ba Tôn Ngộ Không?

Bản Tây Du Ký đời Nguyên thu lục được một phần trong Phác Thông Sự Ngạn Giải cho biết quê quán Tôn Ngộ Không ở động Thủy Liêm, núi Hoa Quả, tự xưng Tề Thiên Đại Thánh. Các chi tiết bao gồm: Trên thiên cung trộm bàn đào và áo tiên; Đánh nhau với Lý Thiên Vương và Đại Lực Thần; Quán Khẩu Nhị Lang Thần xuất binh theo lời mời của Thái Tử Mộc Xoa, đánh bắt được; Cự Linh Thần theo lệnh Quan Âm giam dưới núi Hoa Quả; Được Huyền Trang trên đường thỉnh kinh cứu gỡ, đặt cho pháp danh Ngộ Không, sau đổi thành Tôn Hành Giả.

Trong các kịch bản đời Minh, Tôn Ngộ Không quê ở động Tử Vân La, hiệu Thông Thiên (Đạo Thiên) Đại Thánh, xưng là Tôn Hành Giả. Có anh là Tề Thiên Đại Thánh, em là Yêu Yêu Tam Lang, chị là Lê Sơn Lão Mẫu. Các chi tiết bao gồm: Bắt cóc được nữ vương nước Kim Đỉnh đem về làm vợ; Ăn trộm tiên y, tiên mạo, tiên đào, tiên tửu; Đem áo và nón tiên tặng vợ, mở Khánh Tiên Y Hội; Bị Quan Âm và Lý Thiên Vương bắt; Quan Âm giam dưới núi Hoa Quả; Được Huyền Trang giải cứu trên đường thỉnh kinh; Tôn Ngộ Không là pháp danh Quan Âm ban cho.

Những nguồn cội của Tây Du Ký - Không chỉ có một Tôn Ngộ Không

Bản Tây Du Ký đời Minh cho biết Tôn Ngộ Không sinh ở núi Hoa Quả nước Ngao Lai và sống ở động Thủy Liêm. Xưng Mỹ Hầu Vương, hiệu Tề Thiên Đại Thánh. Các chi tiết bao gồm: Trộm kim đan của Lão Quân và bàn đào của Tây Vương Mẫu; Đánh nhau với Mộc Xoa (Huệ Ngạn, đệ tử Quan Âm và con thứ 2 Lý Thiên Vương), Hiển Thánh Nhị Lang Chân Quân, và Na Tra Thái Tử; Cuối cùng bị chó của Nhị Lang cắn và Lão Tử dùng thiết luân bắt được; Ngọc Đế ra lệnh xử tử nhưng trốn khỏi lò bát quái của Lão Quân; Cuối cùng bị Như Lai ập bàn tay đè dưới Ngũ Hành Sơn; Năm trăm năm sau, Huyền Trang cứu thoát, cùng đi thỉnh kinh; Tên Tôn Ngộ Không do thầy là Tu Bồ Đề Tổ Sư đặt cho; Huyền Trang gọi là Tôn Hành Giả.

Cao tăng Ngộ Không

Cái tên Tôn Ngộ Không có nghĩa thế nào? Tôn là một họ thông thường nhưng có thể khiến ta liên tưởng tới khỉ (Bản Thảo Cương Mục của Lý Thời Trân có nói đến hai giống khỉ lông ngắn, đuôi ngắn tên gọi Hồ Tôn và Vương Tôn). Theo thuyết của Ôta Tatsuo, chữ Không trong Ngộ Không lấy từ câu “Sắc tức thị không, không tức thị sắc” của Bát Nhã Tâm Kinh (chữ Sắc trong kinh Bát Nhã có nghĩa rộng hơn chử Sắc thông dụng nhiều).

Thuyết của Isobe Akira lại cho biết trên thực tế có vị tăng hiệu là Ngộ Không, người đời Huyền Tông (sau đó) đã đi lấy kinh ở Tây Phương, cực khổ chẳng khác Tôn Hành Giả giúp Tam Tạng lúc đi thỉnh kinh (đời Cao Tông trước đó), nên tặng mỹ xưng đó cho hành giả họ Tôn chăng? Vị tăng Ngộ Không này có tên trong Tống Cao Tăng Truyện, Đường Thượng Đô Chương Kính Tự, Ngộ Không Truyện. Tục danh của ông là Xa Phụng Triều, dòng dõi hoàng tộc họ Thác Bạt nhà Bắc Ngụy (386-534). Ông theo Trương Thao Quang đi sứ Ấn Độ, đến nơi năm Thiên Bảo thứ 12 (753) nhưng lâm bệnh phải ở lại, xuất gia bên đó, hiệu là Dharmadhâtu (tiếng Hán là tăng Pháp Giới). Sau đó, ông vân du khắp nơi ở Ấn, đem kinh Phật về Khotan (Vu Điến) và Kuchya (Qui Tư) dịch dần ra Hán Văn rồi mang về Trường An năm Trinh Nguyên thứ 5 (789). Năm sau, ông được sắc phong làm sư thực sự, lấy hiệu là Ngộ Không và tu ở chùa Chương Kính. Chúng ta nên lưu ý một điểm là trong Tống Cao Tăng Truyện, có đoạn kể về tăng Ngộ Không khi đi qua nước Tohala (Đô Quá La) bị mưa to gió lớn, đã cầu được Long Thần cho mưa tạnh gió an. Ở một điểm này, tăng Ngộ Không đã có thể thực hiện được phép lạ, dù còn kém Tôn Ngộ Không.

Trích lược từ bài viết “Quá trình xây dựng nhân vật Tôn Ngô Không – Tiểu thuyết Tây Du Ký dưới cái nhìn dân thoại học”
Nguyên tác: Nakano Miyoko
Nguyễn Nam Trân biên dịch và chú thích
Tạp chí Chim Việt Cành Nam (3/4/2005)