Cầm, Kỳ, Thi, Họa là tứ đại nghệ thuật văn hóa của Trung Hoa thời xưa. Trong đó, kỳ chính là chỉ Vi Kỳ (Cờ Vây). Đi cùng với tư tưởng của Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo và những môn văn hóa nghệ thuật khác, Cờ Vây là một phần trong lịch sử văn minh hàng ngàn năm của Trung Hoa.
Nguồn gốc ra đời của Cờ Vây
Cờ Vây có lịch sử rất lâu đời. Có rất nhiều truyền thuyết về nguồn gốc của Cờ Vây, trong đó có một thuyết được nhiều người công nhận là môn này được khởi nguồn từ thời Nghiêu Đế.
Trương Hoa, thời nhà Tấn đã viết trong sách “Bác vật chí” rằng: “ Vua Nghiêu nghĩ ra môn chơi Cờ Vây để dạy dỗ con trai Đan Chu của mình”. Trong đó còn nói rằng, vua Thuấn cảm thấy con trai mình là Thương Quân không được thông minh lắm, cũng từng dạy dỗ con bằng Cờ Vây.
La Bí thời đại nhà Tống viết trong “Lộ sử hậu ký” rằng: Phi tần của vua Nghiêu là Phú Nghi Thị sinh được một Hoàng tử, đặt tên là Đan Chu. Hành vi của Đan Chu không được tốt, nên vua Nghiêu đã đi tìm những vị đạo tiên để hỏi về cách dạy con.
Trong cuốn “Lịch đại Thần Tiên thông giám ” viết rằng: Một hôm, ở gần bờ sông Phấn, vua Nghiêu nhìn thấy hai vị tiên đang ngồi đối diện nhau dưới gốc cây tùng. Ông nhìn thấy họ vạch những đường ngang dọc trên cát, rồi đặt những miếng đá đen trắng trên hình vẽ như đang bày trận đồ. Nhà vua tiến đến hỏi cách làm thế nào để có thể sửa đổi tính tình của Đan Chu.
Một vị tiên nói : “Đan Chu hay tranh giành mà lại ngu ngốc, hãy dùng những phương diện là sở trường của nó mà uốn nắn tính tình của nó theo con đường tốt”.
Còn vị tiên kia lấy tay chỉ những đường kẻ trên cát và các viên đá đen trắng rồi nói: “Cái này gọi là bàn Cờ Vây. Bàn cờ này có bố cục hình vuông mà yên tĩnh, trong khi những quân cờ hình tròn mà chuyển động. Nó đi theo cách vận chuyển của Trời và Đất. Từ khi bàn Cờ Vây được lập đến nay, chưa có ai có thể hoàn toàn phá giải được nó”.
Sau đó, Đan Chu đã được vua Nghiêu dạy chơi Cờ Vây, và quả thật tính nết của Đan Chu cũng thay đổi thành tốt hơn. Bởi vậy có thể thấy, người xưa sáng tạo ra môn Cờ Vây, không phải chỉ để tiêu khiển tranh giành thắng thua, mà để tu thân dưỡng tính, phát sinh và làm tăng thêm trí tuệ, tài năng nghệ thuật của người chơi. Ngoài ra, Cờ Vây còn có mối liên hệ mật thiết với thiên tượng dịch lý, binh pháp sách lược, và trị quốc an bang.
Trong sách “Tả truyện”, sách “Luận Ngữ”, và sách “Mạnh Tử” cũng chỉ rõ rằng Cờ Vây rất thịnh hành vào thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc. Vào triều đại nhà Đường phồn thịnh, Cờ Vây cũng phát triển chưa từng có. Hoàng đế Đường Huyền Tông đặc biệt đặt ra một chức quan trông coi về bộ môn Cờ Vây, gọi là “Kỳ đãi chiếu”, chức quan này mang bậc cửu phẩm, cùng với chức quan “Họa đãi chiếu”(trông coi tranh vẽ), và “Thư đãi chiếu” (trông coi thư pháp) đều thuộc về Hàn Lâm viện, do đó mới được xưng là Hàn Lâm.
Nội hàm tinh thâm của Cờ Vây
Một số những kỳ thủ Cờ Vây giỏi thời cận đại cho rằng bàn Cờ Vây nhìn giống như một vũ trụ, do 360 thiên thể hợp lại mà thành. Bàn cờ có 19 đường dọc và 19 đường ngang với tổng cộng 361 điểm. Ở trung tâm có một điểm dư gọi là Thiên Nguyên, tức là Thái Cực, đại biểu cho trung tâm của vũ trụ. Con số 360 chính là số ngày trong một năm âm lịch, được chia ra làm bốn. Bốn góc chính là xuân, hạ, thu, đông. Những quân cờ đen và trắng đại biểu cho ngày và đêm. Như vậy, cả bàn cờ tượng trưng cho sự biến hóa của Trời và Đất.
Cách bố cục những điểm đen và trắng trong quyển sách cổ ‘Hà Đồ’ và ‘Lạc Thư’ thuộc bộ ‘Chu Dịch bổn nghĩa’ , rất có thể Cờ Vây và chúng đều có những nguồn gốc thâm sâu. Người ta nói rằng các nét vẽ trong bàn cờ vây giống như “Lạc Thư”, có 361 giao điểm, 8 ngôi sao chỉ phương vị, và 72 giao điểm dọc theo vòng chu vi, mà tương ứng với 360 ngày, 8 quẻ trong bát quái (càn, đoài, ly, chấn, tốn, khảm, cấn, khôn), và 72 loại thời tiết. Quân cờ hình tròn, phía trên nhô lên, phía dưới bằng phẳng, phân biệt nhau bằng hai màu trắng và đen, tượng trưng cho Âm và Dương.
Từ góc độ của người tu luyện mà xét, thì Chu Dịch, Hà Đồ, Lạc Thư, Bát Quái và Cờ Vây không phải là văn hóa của nền văn minh nhân loại thời kỳ này sáng tạo ra, mà chúng là văn hóa thuộc về nền văn minh tiền sử. Kỳ thực, chúng đều là văn hóa do Thần truyền cấp cho con người. Bởi thế mà dân gian có câu: “Thử vật chích ứng thiên thượng hữu”, tức là những thứ này đều là trên Thiên Thượng mới có.
Trong sách “Lê Hiên Mạn Viễn” viết rằng: “Cờ Vây ban đầu không phải là sự việc của nhân gian. Nó được phát hiện đầu tiên trong khi khai quật phần mộ của vua Chu Mục Vương, và sau đó còn được tìm thấy trong thạch thất nằm trên núi Thương Sơn. Đó là dụng cụ của các vị đạo tiên để nuôi dưỡng tính và vui chơi với Đạo.”
Cờ Vây có hình thức rất giản dị, chỉ có 2 loại quân cờ đen và trắng, luật chơi cũng rất đơn giản, nhưng sự huyền diệu của nó lại vượt xa hơn bất cứ loại cờ nào. Cờ Vây chỉ có 361 điểm, nhưng sự biến ảo của nó là hầu như vô tận. Nội hàm của Cờ Vây là bác đại tinh thâm, huyền diệu vô cùng, nếu chỉ dùng trí tuệ của con người thì không thể nào hiểu thấu đáo hết được. Nó là một phần văn hóa do Thần lưu lại cho con người. Từ thiên cổ đến nay, cờ vây đã được biết bao bậc Đế Vương, quan tướng, văn nhân nho sĩ cũng như thường dân đều thưởng thức Cờ Vây. Nó cũng mang lại biết bao giai thoại truyền kỳ, văn chương thi phú đẹp đẽ, thậm chí trở thành phương lựơc trong binh thư toán pháp, trị quốc. Cờ Vây đã trở thành một bông hoa đẹp trong lịch sử văn minh Trung Hoa.
An Hòa (dịch và t/h)
nguồn: trithucvn
Có thể bạn muốn xem
Gặp Nàng thơ thuở ấy tại Đường sách TPHCM
Tại sao việc đọc tiểu thuyết quan trọng
Một Trần Nghệ Tông rất khác trong Nam Ông Mộng Lục
Bất ngờ lớn từ chất béo
The Hero Factor
Yersin
Nấu ăn ngon ngày Tết cùng sách ẩm thực hay
Ayurveda – Phương pháp y thuật cổ truyền Ấn Độ hơn 5.000 tuổi
Chuyển đổi số trong xuất bản: Xu thế và thách thức