Như cánh chim trong mắt của chân trời là tấm gương để Văn Thành Lê soi lại chính mình, soi lại để chuẩn bị cho một điều gì đó mới mẻ, một thử thách, một hướng đi mới trong sáng tác. Và như cây bút trẻ này tự nhận, với niềm đam mê sáng tác, nghiệp viết vẫn sẽ là con đường của anh.
Nhà văn 8X Văn Thành Lê
Tại lễ tổng kết cuộc thi Văn học tuổi 20 lần V, khi nhắc đến những tác phẩm gây ấn tượng, dù là tác phẩm không đoạt giải nhưng ban giám khảo vẫn nhắc đến Không biết đâu mà lần của cây bút trẻ Văn Thành Lê. Khi đó, cái tên Văn Thành Lê bắt đầu được chú ý và vào những ngày đầu tiên của năm 2018, với tập chân dung văn học Như cánh chim trong mắt của chân trời, Văn Thành Lê đã chính thức đặt một dấu ấn mới trên con đường sáng tác.
1. Ông Dương Thành Truyền, nhà văn, nhà báo đồng thời là đại diện NXB Trẻ, đơn vị xuất bản các sáng tác tham gia cuộc thi Văn học tuổi 20 lần V, trong phần nhận xét các tác phẩm được chọn in năm đó đã nhắc đến Không biết đâu mà lần với một mỹ từ “viết rất hay về giáo dục”. Giữa cơn hào hứng bởi hàng loạt tác phẩm huyền ảo (fantasy), câu chuyện về giáo dục của một cây bút trẻ – được giới thiệu xuất thân là một nhà giáo, không mấy được chú ý và theo đó, cả cái tên tác giả của nó, cây bút Văn Thành Lê cũng vậy. Phải đến khi sự háo hức của cái mới, cái lạ trôi đi, bình tâm đọc lại những tác phẩm được in nhưng không đoạt giải, Không biết đâu mà lần mới bất chợt tạo bất ngờ. Những câu chuyện nhẹ nhàng ở một ngôi trường, nơi người thầy trẻ phải đối diện với hiện thực, khác với những điều anh đã từng tưởng tượng. Nơi mà những học sinh chấp nhận thực tế một cách cam chịu, trong khi người thầy lại cảm thấy dằn vặt về những điều đó.
Một giọng văn lạ, cách chế giễu hài hước nhưng chua cay, những chi tiết độc đáo mà chỉ có người trong cuộc mới có thể biết, có thể hiểu. Chẳng phải thế mà nhiều người cho rằng, tác phẩm là một dạng tự truyện của chính tác giả, người có thời gian đứng trên bục giảng. Lúc đó, Văn Thành Lê được biết đến nhiều hơn với vai trò một cây bút trẻ nổi bật của thế hệ 8x.
Thế nhưng, chàng trai sinh năm 1986 thực tế đã được nhắc đến trước đó với một loạt tác phẩm như Hình như là tình yêu (năm 2008), Con gái tuổi Dần (năm 2009), Trạm điện thoại ở thiên đường (năm 2011), Ông mặt trời và mùi hương của mẹ (năm 2011), Biết tới khi nào mưa thôi rơi (năm 2012), Châu lục thứ 7 (năm 2014), Ngày xưa chưa xa (năm 2015). Sau Không biết đâu mà lần là các tác phẩm Thừa ra một người (năm 2016), Nam – Nhi – Đại – Trượng – Phu (năm 2016). Nhìn vào con số tác phẩm có thể thấy Lê viết nhiều, viết mạnh và viết đa dạng. Từ chuyện tình yêu thuở mới lớn đến những giằng xé vào đời, từ tâm trạng cuộc sống đến các vấn đề xã hội và cả truyện riêng cho thiếu nhi. 
2. Thế nhưng đó chưa phải là điều để Văn Thành Lê được nhắc đến nhiều. Sự chú ý nằm ở việc cây bút trẻ này đang lên tay với lối viết ngày càng vững vàng, có nét riêng. Có thể thấy điều đó rõ nét nhất trong tác phẩm cho thiếu nhi Trên đồi, mở mắt, và mơ.
Người ta cứ than thở việc thiếu tác phẩm thực sự viết cho thiếu nhi, nhiều cây bút gạo cội viết cho thiếu nhi lại chỉ là hoài niệm thời thiếu nhi của họ, trong khi đó, người trẻ lại thích viết truyện già với các triết lý sâu sắc. Trên đồi, mở mắt, và mơ là một ngoại lệ với một chất giọng vô cùng trong sáng, nhẹ nhàng như một đứa trẻ thực sự. Không nặng nề lên gân, không ẩn ý sâu sắc điều gì, chỉ là những mẩu chuyện ngây ngô của những đứa trẻ ở một vùng quê với những trò đùa tinh nghịch, với những ước mơ dễ thương.
Một tác phẩm thiếu nhi thuần túy nhất. Như chính Văn Thành Lê tự nhận xét, dù tuổi đời chỉ mới bước vào cái ngưỡng băm, nhưng đã khá truân chuyên trên con đường sự nghiệp. Sinh ra ở vùng đất Thanh Hóa, rời quê hương vào Huế theo học Đại học Sư phạm, đi làm giáo viên rồi nửa chừng chuyển qua là công tác biên tập cho tạp chí văn nghệ tại TP Vũng Tàu. Rồi lại đi, lần này là đến với TPHCM, làm tại chi nhánh NXB Kim Đồng với công tác truyền thông.
Văn Thành Lê đang thể hiện một khả năng sáng tạo mạnh mẽ trong số những cây bút thế hệ 8x hiện nay, dù rằng sự mạnh mẽ đó thường ẩn giấu đằng sau những trang văn có phần khá dung dị, bình đạm
Nhắc đến những trải qua để hiểu được những gì đã ảnh hưởng đến việc sáng tác của cây bút tuổi đời còn trẻ này. Huế gửi cho Lê nỗi nhớ và thương. Trường học dù ngắn ngủi nhưng dạy cho anh những mặt trái – phải của cuộc sống. Công việc biên tập tặng cho anh chất liệu cuộc đời và môi trường xuất bản đem đến cho anh những cơ hội tiếp xúc với cuộc sống sôi động của xã hội văn chương. Những vốn sống, những kinh nghiệm đó mang đến sự đa dạng trong sáng tác, như chính anh mượn lời của một nhà văn nổi tiếng trong tác phẩm Như cánh chim trong mắt của chân trời, rằng viết từ vốn sống thực tế chỉ là sự mở đầu, là nhà văn phải biết tưởng tượng. Từ cái bột – vốn sống, gột nên cái hồ – tác phẩm, đó mới là người viết văn thật sự. Và đó cũng là con đường Văn Thành Lê theo đuổi, anh mang vào tác phẩm của mình cái sự man mác nhớ nhung đậm chất Huế, nỗi lo lắng, quan tâm của người thầy, chất mỉa mai với những tiêu cực của cuộc sống và sự trong sáng thân thiện cho bạn đọc nhỏ tuổi. Những mâu thuẫn, khác biệt đó chính là nét độc đáo của cây bút trẻ 8x Văn Thành Lê. Bạn đọc sẽ không thể tin một Văn Thành Lê dí dỏm, hài hước, ngây ngô trong Trên đồi, mở mắt, và mơ cũng chính là một Văn Thành Lê cay nghiệt, trào lộng và đầy sâu sắc của truyện ngắn Hạ huyệt an toàn (viết năm 2015), về một kẻ cơ hội trong cuộc sống. Có thể nói, Văn Thành Lê đang thể hiện một khả năng sáng tạo mạnh mẽ vào loại nhất nhì trong số những cây bút thế hệ 8x hiện nay, dù rằng sự mạnh mẽ đó thường ẩn giấu đằng sau những trang văn có phần khá dung dị, bình đạm.
3. Khi Như cánh chim trong mắt của chân trời ra mắt, có người cho là cây bút trẻ này đang liều, khi với tuổi đời, tuổi cầm bút còn rất trẻ nhưng lại “dám” viết về những bậc đàn anh, những người đi trước. Thế nhưng, với Văn Thành Lê, việc viết về những nhà văn, nhà thơ, từ người nổi tiếng đến những bạn văn, chỉ đơn giản là một bạn đọc, một người viết văn viết về những người viết văn đi trước. Không chỉ thế, đó còn là một cơ hội để chính tác giả, thông qua những câu chuyện, những con người để soi lại chính mình, để nhìn lại con đường đã qua. Như câu chuyện về nhà văn Đoàn Thạch Biền, gắn với hồi ức về các bút nhóm đã góp phần quan trọng tạo nên những cây bút thế hệ 7x, 8x, trong đó có chính Văn Thành Lê; về Dương Thụy, Phan Hồn Nhiên là niềm khâm phục đối với sự mạnh mẽ trong sáng tác; với Đỗ Bích Thúy là bài học của người viết khi biết gìn giữ chất riêng trong sáng tác của mình. 
Như cánh chim trong mắt của chân trời là tấm gương để Văn Thành Lê soi lại chính mình, soi lại để chuẩn bị cho một điều gì đó mới mẻ, một thử thách, một hướng đi mới trong sáng tác. Và như cây bút trẻ này tự nhận, với niềm đam mê sáng tác, nghiệp viết vẫn sẽ là con đường của anh.
theo TƯỜNG VY/SGGPO