Có bao giờ bạn cảm thấy cuộc sống đang chồng chất lên đôi vai mình quá nhiều gánh nặng không?
Đồ đạc trong gia đình, công việc phải hoàn thành, những lo lắng vướng bận tâm trí ‒ quá nhiều thứ đang tích tụ lại phải không?
Dường như cuộc sống ngày càng trở nên nặng nề.
Không phải chúng ta cố tình chất nặng lên mình, mà vì khuynh hướng tích trữ (chứ không phải tiết giảm) là bản tính tự nhiên của con người, từ của cải tài sản, đến trách nhiệm và cả cảm xúc.
Trong lúc phải gồng mình đảm đương công việc, chăm sóc gia đình hay giải quyết những vấn đề khác, chúng ta không hề chú ý đến dòng lũ đang đổ ập về phía mình.
Trước khi chúng ta kịp nhận ra, các tủ đồ trong nhà đã chật ních, thời gian biểu đã xếp kín mít còn tinh thần cũng sắp chết ngợp.
Nhưng, tin tốt là: Cuộc sống không phải lúc nào cũng đi theo chiều hướng đó. Nếu muốn, chúng ta hoàn toàn có thể trút bỏ nhiều gánh nặng và sống thanh thản hơn. Ngày tháng sẽ lướt qua nhẹ nhàng và chúng ta không còn phải vật lộn với nó như trước nữa.
Cuốn sách Nhẹ bẫng – Sống nhẹ nhàng, lòng nhẹ tênh, đời nhẹ bẫng sẽ chỉ cho bạn con đường.
Cuốn sách gồm có 4 phần: Nhẹ gánh đồ đạc, Nhẹ gánh tác động, Nhẹ gánh căng thẳng và Nhẹ gánh tinh thần.
Phần đầu tiên, Nhẹ gánh đồ đạc, sẽ hướng dẫn bạn cách sàng lọc các vật dụng trong nhà.
Giảm thiểu đồ đạc vây quanh bạn là bước đầu tiên hướng đến một cuộc sống đơn giản hơn; không gian thông thoáng sẽ làm tâm hồn bình an và tinh thần thư thái.
Tài sản có thể là yếu tố kích thích tinh thần rất mạnh, cứ như thể các cảm xúc của bạn gắn liền với đồ đạc vậy.
Khi bạn giải phóng mớ đồ thừa, những cảm xúc lộn xộn gắn liền với nó cũng không còn nữa và điều này sẽ khích lệ bạn rất nhiều trên con đường dẫn đến một nội tâm khỏe khoắn.
Trong quá trình dẹp đi những món đồ thừa, bạn sẽ lưu ý hơn tới những tác động của mình đối với hành tinh này.
Chương Nhẹ gánh tác động sẽ chỉ cho bạn một số cách thức để giảm thiểu những ảnh hưởng đó.
Chúng ta càng sống nhẹ nhàng thì Trái đất càng sạch đẹp, lành mạnh hơn cho các thế hệ hiện tại và tương lai.
Giải quyết các loại đồ đạc chỉ là một vế của phương trình; chúng ta còn phải thanh lọc, thu xếp thời gian và công việc của mình nữa.
Chương Nhẹ gánh căng thẳng giúp bạn đặt ra những ưu tiên và sắp xếp thành hệ thống để cuộc sống bớt phần bận rộn.
Chúng ta đang hướng đến giảm tải số việc phải làm, chứ không phải nhằm ôm đồm thêm nhiều tham vọng hơn nữa.
Càng ít thứ gây xao nhãng, bạn càng tập trung nhiều hơn vào những mục tiêu chính yếu và rồi ngày tháng cứ thế trôi đi trong sự tự do và thỏa mãn.
Và chớ quên những đám bùng nhùng trong tâm. Tương tự đồ đạc mà chúng ta sở hữu, những lo lắng, suy tư hay cảm xúc cũng chất chồng nhiều gánh nặng lên chúng ta.
Chương Nhẹ gánh tinh thần sẽ giúp bạn trút bỏ những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực cũng như các yếu tố căng thẳng để giải phóng tâm hồn và trí tuệ, đón nhận những điều sâu sắc, hạnh phúc và ý nghĩa hơn.
Thậm chí bạn sẽ còn cảm nhận được một sự gắn kết mới mẻ và hòa hợp với thế giới xung quanh.
Điều đó thật sự rất tuyệt.
Hi vọng bạn sẽ đặt sẵn cuốn sách Nhẹ bẫng – Sống nhẹ nhàng, lòng nhẹ tênh, đời nhẹ bẫng trên bàn hoặc mang trong túi xách, và mở ra đọc bất cứ khi nào bạn cần thêm động lực hay muốn có những chỉ dẫn thiết thực để giải quyết các khó khăn của mình.
Những trang sách luôn chào đón bạn quay lại, dù qua nhiều tháng, nhiều năm, để tìm kim chỉ nam cho các tình huống phát sinh hoặc cho từng giai đoạn trong cuộc đời.
Vạn vật luôn vận động không ngừng; bạn có nhà mới, con cái, công việc hay các mối quan hệ mới, những điều sẽ gây nên nhiều xáo trộn trong cuộc sống.
Bạn cảm thấy bế tắc trước những bề bộn lo toan, những bổn phận, kỳ vọng hay những cảm xúc ngổn ngang ư?
Hãy mở một trang trong cuốn sách này, những chỉ dẫn hữu ích trong đó sẽ luôn chờ đón bạn.
Hãy ghi nhớ câu thần chú “Sống nhẹ”.
Qua mỗi trang sách, mỗi phần gánh nặng sẽ được trút bỏ; và không lâu nữa đâu, bạn sẽ thanh thản nhẹ trôi giữa dòng đời.
Mục lục:
Giới thiệu 11
Nhẹ gánh đồ đạc 23
Nhẹ gánh tác động 163
Nhẹ gánh căng thẳng 213
Nhẹ gánh tinh thần 263
Trích đoạn sách:
HỘP CHO ĐI
Nghe thì có vẻ ngạc nhiên, nhưng một cái hộp bìa cứng nhỏ cũng có thể trở thành công cụ hiệu quả nhất giúp bạn sống nhẹ nhàng hơn. Để tôi giải thích nhé…
Đồ đạc đi vào nhà bạn rất dễ dàng và qua nhiều con đường khác nhau. Không ngày nào là không có đồ mới bước qua cửa, qua túi đi chợ, hộp thư hay balô của bọn trẻ.
Vấn đề ở đây là chúng đến thì dễ nhưng lại rất khó tống chúng đi. Một khi đã vượt qua ngưỡng cửa, chúng sẽ nhanh chóng yên vị trong nhà. Ngay cả khi muốn bỏ thứ gì đi, chúng ta cũng chẳng biết phải làm như thế nào.
Cứ thử nghĩ mà xem: Đã bao lần bạn vô tình bắt gặp một món đồ không cần dùng nữa, nhưng lại không biết phải làm gì với nó? Nhiều khả năng bạn sẽ vứt trở lại vào ngăn kéo và tự nhủ sẽ xử lý sau (vào lần quyên góp từ thiện tiếp theo hoặc đợi dịp “chính thức” bắt tay dọn dẹp).
Đó là lý do mọi gia đình đều cần có một Hộp Cho đi ‒ nơi chúng ta tiễn chân những đồ không mong muốn. Hộp Cho đi có thể đơn giản chỉ là một hộp lớn bằng bìa cứng, đặt trong tủ quần áo, phòng giặt, hoặc ở những nơi thuận tiện. Mỗi khi bạn (hay các thành viên khác trong nhà) muốn bỏ đi vật gì, hãy đặt vào hộp ấy. Thật dễ dàng phải không?
Nếu bạn muốn thêm chút hứng khởi ‒ hoặc để thu hút mọi người sử dụng chiếc hộp này ‒ hãy dán giấy màu lên hộp hoặc dán nhãn rồi viết gì đó vui vui (ví dụ “Đồ hết cần”, “Cho đi nhá” hay “Trút bớt nào”). Trang trí thêm một chút để chiếc hộp trở nên bắt mắt và thể hiện rõ mục đích của nó. Hộp Cho đi của bạn nên thể hiện tinh thần sống nhẹ, nhắc nhở bạn và gia đình một điều rằng việc bỏ đi những đồ dùng không cần nữa thực sự là một hành động tốt đẹp.
Chúng ta thường lần lữa không thanh lọc đồ đạc vì nghĩ rằng sẽ phải tốn cả ngày trời hoặc mất trọn dịp cuối tuần mới xong.
Một số phương pháp dọn dẹp khuyên chúng ta nên bắt tay thực hiện ngay lập tức, nhưng tôi nghĩ điều đó là không cần thiết và bất khả thi.
Bạn không cần phải để dành việc dọn dẹp cho một dịp đặc biệt nào đó. Thật ra, biến dọn dẹp thành một nếp sống thì sẽ hiệu quả hơn nhiều. Đó thực sự là một khía cạnh tuyệt vời của Hộp Cho đi: Nó giúp bạn trút bỏ gánh nặng từng chút một, qua các hoạt động thường nhật.
Khi bạn lôi cái nạo khoai tây thừa ra khỏi ngăn kéo trong nhà bếp, hãy bỏ vào Hộp Cho đi. Khi bạn đọc xong một cuốn sách và biết là mình sẽ chẳng bao giờ đọc lại, hãy bỏ vào Hộp Cho đi. Khi bạn tình cờ chạm trán một món đồ không còn dùng được nữa, không sử dụng đến, hay thứ bạn không thích, tóm lấy nó và bỏ vào Hộp Cho đi.
Hộp Cho đi giúp loại bỏ những thứ không cần thiết khỏicuộc sống hằng ngày, tạo không gian cho các đồ khác. Nó tích cóp các vật dụng mà bạn muốn bỏ đi để xử lý dứt điểm chỉ trong một lần ‒ đem quyên góp, bán, hay đem vứt khi nào có thời gian. Thực chất, chúng đã “rời đi” rồi và chỉ đang chờ được chuyển về nhà mới.
Hơn nữa, Hộp Cho đi còn “tích hợp” chế độ dự phòng: Bạn có cả một khoảng thời gian từ lúc bỏ đồ vào hộp đến khi đem cho tặng để cân nhắc lại. Chúng ta thường sợ rằng nếu đem bỏ thứ gì đó đi, ngay ngày hôm sau chúng ta sẽ lại cần đến nó (và lấy làm tiếc vì đã đem vứt bỏ). Hộp Cho đi sẽ giúp giải tỏa những lo lắng như vậy. Qua hôm sau, món đồ vẫn còn ở đó và nhiều khả năng sẽ ở lại thêm vài ngày nữa. Thực ra, nó nằm trong hộp càng lâu thì càng chứng tỏ chúng ta không còn cần đến nó nữa.
Hãy tận hưởng niềm vui khi lấp đầy Hộp Cho đi! Bạn không chỉ trút bớt gánh nặng, mà còn chia sẻ các món đồ thừa với những người đang cần đến chúng. Bạn nhận ra rằng mình đã có đủ và san sẻ sự đủ đầy ấy với cộng đồng. Những món đồ còn tốt sẽ tránh khỏi số phận bị vứt ra bãi rác, và có thêm cơ hội được trân trọng.
Vì vậy cứ bỏ đồ đầy hộp, đem quyên góp và lại làm đầy tiếp. Hãy biến Hộp Cho đi thành một phần cuộc sống của bạn, và bỏ thêm đồ vào đó mỗi ngày. Hộp càng nặng, bạn càng nhẹ gánh.
Có thể bạn muốn xem
Brand Experience 12,5
Hà Nội có Hội sách Trăng tròn cho thiếu nhi vui Trung thu
Chúng tôi thời hậu chiến
RẠNG DANH TÀI TRÍ VIỆT NĂM CHÂU
10 sân golf xa xỉ nhất thế giới
Sau “Ngàn năm áo mũ”, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức tái xuất kể chuyện trà
Ký ức chưa bao giờ phai
Tiết kiệm năng lượng for Dummies
Những chàng trai từ vùng đất trùm khăn