Nhìn thẳng, không né tránh, tập trung vào những vấn đề cần giải quyết là tinh thần của hội thảo tổng kết 10 năm thi hành Luật Xuất bản lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm.

Luật Xuất bản năm 2012, được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 20/11/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013. Khảo sát hoạt động thực tiễn của ngành sách, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông muốn lắng nghe ý kiến chuyên sâu ở từng lĩnh vực xuất bản, in, phát hành.

Ngày 8/7, Cục Xuất bản, In và Phát hành tổ chức hội thảo “Tổng kết 10 năm thi hành Luật Xuất bản lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm”.

Ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam – tại hội thảo. Ảnh: Y.N.

Những thành tựu đạt được sau 10 năm thi hành Luật Xuất bản

Sau 10 năm thi hành Luật Xuất bản, ngành xuất bản Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định. Trong nước đã hình thành, phát triển thị trường kinh doanh xuất bản phẩm với các thành phần kinh tế tham gia, trong đó các doanh nghiệp nhà nước hoặc có vốn nhà nước giảm dần. Hiện nay toàn quốc có 550 doanh nghiệp hoạt động phát hành đăng ký theo quy định của pháp luật về xuất bản đã được Cục Xuất bản, In và Phát hành và 63 Sở Thông tin và Truyền thông xác nhận.

Ngoài ra, theo số liệu khảo sát, hiện có khoảng 14.500 điểm hoạt động phát hành xuất bản phẩm không thuộc đối tượng phải đăng ký, bao gồm: Hộ kinh doanh, nhà sách, trung tâm phát hành…

Liên kết xuất bản là một điểm mở nhằm thực hiện xã hội hóa thu hút được nhiều nguồn lực tham gia vào phát triển hoạt động xuất bản. Hiện nay có khoảng 50 doanh nghiệp phát hành tham gia trực tiếp vào liên kết với các nhà xuất bản để thực hiện xuất bản từ khâu tổ chức bản thảo, biên tập sơ bộ, in, phát hành.

Phát triển thị trường xuất bản phẩm điện tử là một xu hướng, cũng là bước đi đầy khó khăn, thử thách đối với các doanh nghiệp phát hành khi tham gia thị trường. Hiện nay có 10 doanh nghiệp đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm điện tử đã được Cục Xuất bản, In và Phát hành xác nhận. Bên cạnh đó, có 11 nhà xuất bản đã được cấp chức năng xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử.

Công ty Cổ phần Phát hành sách TP.HCM (Fahasa) là đơn vị phát hành lớn với 103 nhà sách trên 46 tỉnh thành, cửa hàng tại Nhật Bản, Hàn Quốc, tham gia thương mại điện tử. Ông Nguyễn Hoàng Duy Thịnh – Giám đốc Trung tâm sách Fahasa Hà Nội – cho biết công ty được kết quả kinh doanh như trên có nhiều lý do, trong đó một phần do Luật Xuất bản 2012 có nhiều thay đổi tích cực, hỗ trợ nhiều cho hoạt động của doanh nghiệp.

Đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xác nhận xuất bản phẩm nhập khẩu trên hệ thống Một cửa Quốc gia của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông là một thay đổi mang tính điển hình: thời gian cấp xác nhận trước thời gian quy định, sách nhập khẩu đến tay bạn đọc nhanh, giúp bạn đọc Việt Nam kịp thời cập nhật được những sách mới, sách hay cùng lúc với thế giới.

“Quy trình xác nhận nhập khẩu thực sự là một cải tiến mới, có tác dụng rất tích cực, tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động phát hành”, ông Thịnh đánh giá.

Hội thảo là dịp để nhìn thẳng vào những bất cập, từ đó có đề xuất phù hợp nhằm phát triển ngành sách. Ảnh: Q.T.

Những đề xuất từ công ty phát hành xuất bản phẩm

Bên cạnh những kết quả đạt được sau 10 năm thi hành Luật Xuất bản, lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm cũng đã và đang đặt ra những vấn đề bất cập như: Chính sách của nhà nước đối với lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm; điều kiện tham gia hoạt động phát hành; liên kết xuất bản; nhập khẩu xuất bản phẩm cả kinh doanh và không kinh doanh; phát hành xuất bản phẩm điện tử; tình trạng in lậu, vi phạm bản quyền cả xuất phẩm in và điện tử…

Tại hội thảo, đại diện các công ty phát hành xuất bản phẩm nêu những khó khăn phát sinh từ thực tiễn cần tháo gỡ.

Ông Vũ Hoàng Giang – Phó giám đốc công ty Nhã Nam – đề xuất không cấp giấy phép phát hành cho sách tái bản và nối bản bởi trên thực tế sách đó đã được cấp phép phát hành và lưu hành rồi. Ông Giang đề xuất rút ngắn thời gian lưu chiểu còn 3-5 ngày để đơn vị xuất bản, phát hành sách tiết kiệm chi phí kho bãi, sớm thu hồi vốn.

Bà Trần Hoài Phương – Giám đốc công ty Omega Plus – đề xuất với các xuất bản phẩm mang tính thời sự và có hiệu ứng tốt trên thị trường, việc đăng ký và chờ cấp phép tái bản cần điều chỉnh quy định để nhanh hơn, kịp đáp ứng với sức nóng trên thị trường. Ví dụ với sách tái bản trong năm, các điều kiện, thời gian cấp phép tái bản sẽ rút gọn và tinh giản.

Đại diện các đơn vị đều đề cập đến vấn đề đấu tranh với sách lậu. Tham luận của đại diện Công ty Văn hóa Phương Nam nêu rằng luật cần có quy định chế tài mạnh tay hơn với các trang web, cá nhân, tổ chức bán sách giả, phát hành ebook, audio book lậu để bảo vệ các đơn vị xuất bản chân chính.

Tổng kết hội thảo – ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam – cho rằng hội thảo là dịp để nhìn thẳng, không né tránh, tập trung vào những vấn đề cần giải quyết. Hiện nay, lĩnh vực phát hành phát sinh nhiều vấn đề mới, các quy phạm pháp luật có một số nội dung chưa điều chỉnh tới, hoặc cần điều chỉnh thêm.

Liên quan đến thủ tục hành chính, quản lý lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm cần đảm bảo nguyên tắc quản lý theo kịp phát triển; phát triển đến đâu, quản lý đến đó. Bên cạnh đó, hoạt động xuất bản (gồm 3 lĩnh vực in, xuất bản và phát hành) là một bộ phận tư tưởng văn hóa. Bởi vậy, quản lý lĩnh vực phát hành cũng phải đáp ứng nguyên lý đặc thù của tư tưởng văn hóa.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành khuyến khích các đơn vị tiếp tục góp ý, đưa ra kiến nghị. Các ý kiến đóng góp sẽ được tổng hợp, nghiên cứu nhằm xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động xuất bản.

Hội thảo kết thúc nhưng đây là điểm bắt đầu để toàn ngành bắt tay vào một công việc mới, cùng nhau hiến kế xây dựng cho chính mình một hành lang pháp lý, trước hết là luật hoàn thiện, có tầm nhìn, đáp ứng 2 yêu cầu quan trọng hiện nay: chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.

nguồn: https://zingnews.vn/nhin-thang-khong-ne-tranh-nhung-van-de-cua-nganh-sach-post1332403.html